Tránh lệ thuộc Trung Quốc bằng nội lực và liên minh

05/06/2014 07:36

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại, có quan hệ giao thương với nhiều nước thì việc giảm dần nhập siêu từ Trung Quốc không phải là vấn đề quá nan giải.

Tránh lệ thuộc Trung Quốc bằng nội lực và liên minh

PGS-TS. Phạm Quý Thọ - Chủ nhiệm Khoa Chính sách công, Học viện Chính sách - Phát triển (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại, có quan hệ giao thương với nhiều nước, tổ chức, khu vực trên thế giới thì việc giảm dần nhập siêu từ Trung Quốc không phải là vấn đề quá nan giải.

Tuy nhiên, theo PGS-TS. Phạm Quý Thọ, để giải bài toán lệ thuộc kinh tế, về lâu dài cần phải có những giải pháp đồng bộ, đặc biệt phải tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp (DN) làm ăn với các DN Trung Quốc, ngoài lợi ích kinh tế cần phải nghĩ tới vấn đề dài hơi hơn đó là an ninh kinh tế.

* Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, để giảm sự ràng buộc này không hề đơn giản. Ông nghĩ sao về điều này?

PGS-TS. Phạm Quý Thọ

- PGS-TS. Phạm Quý Thọ:

Tôi đồng ý với quan điểm đó! Nhưng nên nhớ đặc điểm của Việt Nam là phản ứng rất nhanh trong các tình huống, ví dụ trước đây khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, nền kinh tế Việt Nam phản ứng rất nhanh và thậm chí đó còn là cơ hội để Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới. Tôi cho rằng, về mặt tâm lý thì không đáng ngại lắm!

Vấn đề ở đây là chúng ta cần phải có những đối sách hợp lý. Để hiệu quả cần nghiên cứu kỹ những đặc điểm trong quan hệ kinh tế giữa Việt Nam - Trung Quốc, đó là sự ràng buộc rất lớn, nhất là xuất nhập khẩu, cán cân thâm hụt thương mại luôn luôn nghiêng về phía Việt Nam (trên 20 tỉ USD) gồm các công trình đầu tư lớn về năng lượng, hạ tầng cơ sở, buôn bán tiểu ngạch... Một vấn đề nữa là kinh tế “ngầm”, đó là một số hoạt động buôn bán có tính chất làm tổn hại đến nền kinh tế, ví dụ như việc mua nông sản hoặc hải sản ồ ạt dẫn đến làm thiệt hại về nông nghiệp hoặc về hải sản cũng như một số nguồn lợi về tài nguyên khác... Đây là những vấn đề dư luận bức xúc từ lâu, nhân cơ hội này phải làm triệt để ngay.

* Còn về một chương trình đối sách kinh tế dài hơi thì sao, thưa ông?

- Tôi cho rằng, việc giải quyết lệ thuộc kinh tế hiện nay không chỉ là việc của những nhà hoạch định chính sách mà sự lệ thuộc nó đã ngấm sâu vào từng DN nên cũng phải có thời gian để xử lý. Chẳng hạn Việt Nam có nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tiêu dùng, máy móc thiết bị nhiều công trình do DN Trung Quốc trúng thầu với giá rẻ, tuy không hiện đại như các nước: Mỹ, Nhật, Châu Âu... nhưng lại phù hợp với “túi tiền” của DN Việt Nam... Do vậy, từ lâu các sản phẩm của Trung Quốc đã hiện diện trong nhiều lĩnh vực của đời sống và nền kinh tế.

Tôi cho rằng, nhân đây cần phải giải quyết dứt điểm.Tuy nhiên, cần lưu ý là Việt Nam đã hội nhập vào kinh tế thế giới, tham gia vào các tổ chức kinh tế toàn cầu nên phải tuân thủ “luật chơi”.

Chẳng hạn, về thuế quan không thể dùng các “hàng rào” trái với quy định của các Hiệp định quốc tế, tức là không được dùng các biện pháp hành chính, phi kinh tế để ngăn chặn hàng hóa từ Trung Quốc. Cái khó ở đây là bên cạnh việc không lệ thuộc vào kinh tế nhưng vẫn phải tuân thủ các quy định chung của quốc tế. Do vậy, chúng ta cần phải giải quyết dần dần chứ không thể chấm dứt ngay được.

* Có thể thấy, gần đây các DN Trung Quốc đầu tư rất mạnh vào lĩnh vực dệt nhuộm (80 - 90% DN Trung Quốc đầu tư) để đón đầu TPP, điển hình là vào đầu tháng 3 năm nay, tỉnh Nam Định vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Tập đoàn Dệt may Yuluon Giang Tô (Trung Quốc) xây dựng nhà máy sản xuất sợi, dệt, nhuộm với tổng vốn đầu tư 68 triệu USD tại Khu công nghiệp Bảo Minh, huyện Vụ Bản, nâng tổng số dự án dệt may tại khu công nghiệp này lên con số 4. Trong khi đó, các DNVN không đủ lực để có thể cạnh tranh được với các DN Trung Quốc. Vô hình chung, hưởng lợi từ TPP trong lĩnh vực dệt nhuộm lại “đổ” vào các DN Trung Quốc, trong khi Việt Nam sẽ phải chịu ảnh hưởng rất lớn từ môi trường trong lĩnh vực này, thưa ông?

- Trong TPP, các DN Trung Quốc đang đi những bước dài hơn các DN Việt Nam, tôi nhận thấy điều này từ khi TPP bắt đầu khởi động đàm phán. Thực tế trong lĩnh vực dệt may, dệt nhuộm, DN Trung Quốc đang đầu tư rất lớn vào Việt Nam để hưởng lợi.

Trong lĩnh vực dệt may và dệt nhuộm tại Việt Nam, DN Trung Quốc đang đầu tư rất lớn

Ngoài ra, tôi muốn nhấn mạnh đây còn là dịp để DN Trung Quốc dịch chuyển công nghệ, tức là các công nghệ này bên đó đã bão hòa, thậm chí còn lạc hậu nên họ dịch chuyển sang Việt Nam để đạt 2 mục đích: thứ nhất mang lại lợi ích về kinh tế, thứ hai “đẩy” được các công nghệ cũ sang Việt Nam để trong nước thay các công nghệ mới. Điều đáng nói là những công nghệ này rất độc hại với môi trường.

Vấn đề là chúng ta phải có các đối sách hợp ly. Chẳng hạn có thể tìm các đối tác ngay trong các nước TPP như: Mỹ, Nhật, Malaysia... đương nhiên giá thành công nghệ, nguyên liệu... của các nước này cao hơn Trung Quốc nhiều lần nhưng đổi lại chất lượng tốt hơn, và quan trọng là không gây hại cho môi trường. Trong bối cảnh hiện nay, các DN cần chuyển dần sang sử dụng máy móc của Hàn Quốc, Nhật Bản... tuy rằng ban đầu phải đầu tư lớn, lợi nhuận có thể ít đi nhưng bù lại chúng ta sẽ đạt được nhiều mục đích, đó là không phụ thuộc vào máy móc thiết bị Trung Quốc, không gây hại cho môi trường và hiệu suất lâu dài.

* Vậy theo ông, để giải “bài toán” này, chúng ta phải làm gì?

- Tôi có 2 đề xuất, thứ nhất là phải tận dụng triệt để nội lực của mình, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế mạnh mẽ hơn. Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, đón đầu tư từ các nước.

Thứ hai, trong điều kiện toàn cầu hóa cần phải có các liên minh về kinh tế để phát triển. Trước mắt là TPP, phải nhanh chóng tận dụng cơ hội này và sớm ký kết. Ở thời điểm này có thể xem đây là một “lối thoát” phù hợp. Sau đó, tiến tới mở rộng quan hệ toàn diện với các đối tác, chẳng hạn với Mỹ cần cụ thể hóa hơn nữa bằng các chương trình chiến lược toàn diện về kinh tế.

Ngoài ra, phải thúc đẩy nhanh những hiệp định đã ký với các nước, khu vực, trong đó có EU, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai đối tác đầu tư có thể có những cam kết lâu dài, ổn định và tin cậy.

Khi có các quan hệ kinh tế tốt hơn với các nước này, đặc biệt là Hoa Kỳ thì các nước khác cũng sẽ mở rộng quan hệ với Việt Nam. Ngoài ra, chúng ta cũng nên tận dụng hết các thị trường truyền thống chẳng hạn các nước Đông Âu, Nga, Belarus, Kazakhstan...

* Nhiều dự án Trung Quốc vào Việt Nam mang theo cả nhân công và công nghệ lạc hậu khiến Việt Nam không thu được nhiều giá trị gia tăng, lại hứng ô nhiễm môi trường. Biết vậy sao từ lâu tình trạng này vẫn không có sự dịch chuyển, thưa ông?

- Như tôi đã nói, một trong những bí quyết để Trung Quốc thắng thầu trong các dự án trên là giá rẻ. Qua quan sát thực tế, tôi nhận thấy có rất nhiều nhược điểm trong việc thắng thầu giá rẻ của Trung Quốc, thứ nhất nhiều máy móc, công trình làm chưa xong đã hỏng. Hơn nữa, công nghệ của Trung Quốc không giống nước nào nên khi DN Trung Quốc trúng thầu, các DN Việt Nam phải cho người sang Trung Quốc đào tạo.

Thứ hai, các thiết bị này tuy rẻ nhưng do chất lượng kém nên thường xuyên phải thay thế phụ tùng và đương nhiên khi dùng máy móc của Trung Quốc thì chỉ có Trung Quốc mới có phụ tùng sửa chữa những thiết bị đó. DN Việt Nam hoàn toàn phải lệ thuộc vào DN Trung Quốc. Điều đáng nói là phần lớn các dự án này đều là các dự án đầu tư công.

Những điều trên chúng ta đã nhìn thấy, đã có những cảnh báo, song thay đổi lại khá chậm. Tôi cho rằng, nhân cơ hội này cần giải quyết triệt để, rà soát lại các công trình, thậm chí cho dừng các công trình nếu thấy cần thiết. Nhất là trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng... Các Bộ, ngành, địa phương cần phải làm rốt ráo việc này.

* Xin cảm ơn ông!

>Để không thành "phân xưởng của công xưởng quốc tế"
>Từ chuyện Biển Đông, bàn chuyện "trứng" và "giỏ" trong kinh doanh
>Đi tìm giải pháp làm chủ kinh tế

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tránh lệ thuộc Trung Quốc bằng nội lực và liên minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO