Tìm đường "xuống núi"

HỒNG BÍCH| 30/10/2016 01:33

Rất nhiều người đã chuẩn bị kỹ cho cuộc "đi xuống" tất yếu trong đời người - đi khỏi nơi đã để lại dấu ấn một giai đoạn hài lòng nhất trong cuộc đời, đi khỏi những đỉnh cao đã đạt được, hoặc đơn giản là nghỉ hưu.

Tìm đường

Anh chị từ Hà Nội vào. Lần gặp này mang nhiều ưu tư với những câu chuyện về nhân tình thế thái. 

Đọc E-paper

Từ những nghệ sĩ được nuôi dưỡng, bảo bọc và thành danh đến hai đời trong cái nôi văn nghệ cách mạng, anh chị là những người đã đạt đến đỉnh cao danh vọng và không ít thành quả trong nghề. Tôi hình dung họ là những người leo núi, và leo rất đúng luật, dù là ở trong guồng máy, nhưng họ có tài năng, và cộng thêm nhiều may mắn nên tài năng ấy được thừa nhận.

Ở tuổi "ngũ thập tri thiên mệnh", câu chuyện của họ lại rất chơi vơi trong hoang mang thế sự. Bỗng nhiên thương hiệu đơn vị và cơ sở vật chất được một nhà đầu tư tư nhân thâu tóm, làm cho nguyên đội ngũ "cây đa, cây đề” trong đơn vị bỗng thành "hạng hai" chỉ bởi vì không đáp ứng nổi cơ chế hoạt động của thị trường.

Những người rất tài năng, thông minh nhưng không thể chấp nhận cái nôi nuôi nấng sự nghiệp của mình bỗng vỡ, và hình dung là anh chị đột ngột phải từ giã đỉnh núi thành công. Sự không chấp nhận thực tế đó là cái nhìn phê phán sự thay đổi của xã hội, sự bội bạc của công chúng và đồng nghiệp trẻ.

Những dự án họ đeo đuổi, kỳ vọng bỗng nhiên về tay những người trẻ thực hiện. Những người cộng tác cũ bỗng nhiên thưa vắng và những công việc cũ không còn bao nhiêu nữa. Tất cả được phân tích, mổ xẻ dưới cái nhìn bi quan và thất vọng. Bao trùm lên anh chị là cảm giác cô đơn.

Thậm chí họ thực hiện một dự án nhỏ cho cuộc sống tiếp theo: rời thành phố lớn chứng kiến sự thành công của hai thế hệ danh tiếng để đến một thành phố nhỏ mà họ cho là dễ sống, với bầu không khí thanh bình, con người hiền hòa, và hầu như không có mấy người quen cũ.

Một phụ nữ khác cũng từng đứng trên danh vọng của một đời cống hiến. Một thời gian thấy chị im lặng, những cuộc gặp gỡ thưa dần. Rồi một hôm chị tâm sự bây giờ rất ngại ra ngoài gặp gỡ những người quen, đặc biệt là những người trẻ đang thành công, dù họ vẫn tỏ rõ sự kính trọng chị.

Nhưng chị quen ở vị trí cao rồi, bây giờ cứ phải ngồi lắng nghe những người khác cùng nói thì thật khó khăn, điều mà chị chưa bao giờ nghĩ tới và không ngờ mình cũng vấp phải sau chặng đường dài ai cũng nói chị vô cùng sắc sảo ở vị trí lãnh đạo.

Những người "ngũ thập tri thiên mệnh" không tìm được con đường "xuống núi", không tìm được đường rời khỏi những tháng ngày thành công và đầy danh vọng. Hóa ra họ yếu đuối và thiếu bản lĩnh hơn những người chưa bao giờ nếm trải niềm vui thành đạt khi quỹ thời gian dường như ngắn lại.

Bỗng nhớ đến nhà thiết kế áo dài danh tiếng Sỹ Hoàng. Anh cũng là nghệ sĩ bẩm sinh trong các công việc sáng tạo, giảng dạy ở Đại học Kiến trúc TP.HCM, thiết kế áo dài, tự thân gầy dựng thành công bảo tàng áo dài duy nhất ở Việt Nam rất có giá trị về lịch sử cho ngành thời trang và bảo tồn văn hóa.

Anh đã có những suy ngẫm rất hay về việc phải chuẩn bị để "xuống núi", tức là đã leo lên đến đỉnh cao thành đạt thì con đường đi xuống cũng vô cùng khó khăn, cần phải suy nghĩ và chuẩn bị từ sớm để sống một cuộc đời trọn vẹn trong sự kính trọng và thanh thản.

Và Sỹ Hoàng chọn con đường "xuống núi" khá sớm bằng một công trình sáng tạo mới: xây dựng một khu bảo tàng dành cho áo dài, cũng là nơi chốn lui về nghỉ ngơi nhưng vẫn không ngừng sáng tạo không chỉ cho riêng cá nhân, mà còn cho nhiều người đồng cảm, và từ đó trong mắt nhìn xã hội anh vẫn có một cuộc chơi mới mạnh mẽ, trẻ trung, dù anh định rõ đó là một cuộc "xuống núi", đi khỏi đỉnh cao.

Rất nhiều người đã chuẩn bị kỹ cho cuộc "đi xuống" tất yếu trong đời người. Đi khỏi nơi đã để lại dấu ấn một giai đoạn hài lòng nhất trong cuộc đời, đi khỏi những đỉnh cao đã đạt được, hoặc đơn giản là nghỉ hưu. Số người tìm ra một cuộc chơi mới đúng với sức mình để vẫn được xã hội xem trọng dường như rất ít, bởi vì từ trong thâm tâm họ đã cảm thấy thời của mình đã qua, tuổi của mình đã nhiều, sức của mình đã cạn.

Ai thoát được lối suy nghĩ ấy khi nhìn ánh mắt đã khác đi của người trẻ hơn thì mới đủ sức mạnh ung dung "đi xuống" mà không thấy chơi vơi, hoang mang trước một thời đã khác đang đến!

>Học cách lựa chọn cuộc sống

>Lợi ích của sự lạc quan

>6 bí quyết tư duy tích cực của người thành công

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tìm đường "xuống núi"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO