Tìm dấu thời gian nơi quán cũ

BÍCH HỒNG| 09/09/2018 03:31

Tôi thích tìm những quán cà phê cũ nằm ẩn mình nơi phố thị, chúng như những "bảo tàng thu nhỏ” lưu giữ dấu vết thời gian.

Tìm dấu thời gian nơi quán cũ

Lần ra Hà Nội này, tôi tìm về con phố Nguyễn Hữu Huân, nơi khắc ghi nhiều kỷ niệm tuổi thơ tôi, nhưng lý do chính là muốn đến uống ly cà phê ở quán Lâm, nơi những tên tuổi vang danh của giới nghệ thuật Việt Nam như Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái đã để lại bao tháng ngày Hà Nội khắc khổ khi chiến tranh gần chấm dứt qua tranh vẽ.

Ban đầu trên con phố này chỉ có một quán Lâm, nhưng nay đã có thêm không dưới bốn chục quán lớn, nhỏ, từ vỉa hè bình dân đến sang trọng, nằm san sát nhau và luôn tấp nập khách ra vào. Tôi đồ rằng họ đến từ những căn nhà cổ gần đấy, từ phố Hàng Bè, Hàng Mắm, nhà cửa chật chội, không buôn bán gì, họ phải tìm một không gian thoáng đãng hơn để thở.

Con phố Nguyễn Hữu Huân rộng rãi, mang dáng dấp cổ điển phương Tây bỗng chốc trở thành "một cõi đi về” của họ. Dù phố đã sầm uất quán xá nhưng tấm bảng nhỏ "Cà phê Lâm" vẫn không lẫn vào đâu trong mắt người Hà Nội. Nó cũng giống như cà phê Cheo Leo ở quận 3, TP.HCM, mấy mươi năm qua đi nhưng đây vẫn là góc quán quen cho những ai muốn tìm lại ký ức xa xưa về đất Sài thành.

Quán cà phê Lâm vang danh Hà Nội, nơi một thời các văn nghệ sĩ Việt tụ họp, sáng tác, và ông chủ quán tên Lâm luôn vui vẻ "tài trợ" cho họ từ cốc cà phê, suất ăn sáng bánh mì với trứng ốp la đến tiền mua sơn dầu, lụa để vẽ tranh. Cảm cái tình của ông chủ quán yêu nghệ thuật, thỉnh thoảng các danh họa lại đem tranh đến biếu.

Ông Lâm đóng khung giản dị rồi treo lên, dần dần tranh phủ kín các bức tường của quán. Bây giờ "những người muôn năm cũ” đều đã về cõi vĩnh hằng, ông Lâm cũng mất lâu rồi, các con ông đều thành đạt, khá giả nhưng vẫn giữ cái quán cũ như xưa, quạt trần có tuổi nửa thế kỷ vẫn quay đều, tranh vẫn trên tường, bàn gỗ đen bóng màu thời gian.

Cà phê Lâm ở thế kỷ XXI vẫn thế, vẫn phong cách cũ của thập niên 1970, gia đình chủ nhân không mở rộng, không tô vẽ gì thêm. Tôi ghé trước 7 giờ sáng, chỉ có con gái ông Lâm đến mở cửa quán và những cánh cửa sổ bằng gỗ sơn xanh, thong thả bật đèn, rồi đặt ấm nước sôi đầu tiên trong ngày pha cà phê mời khách.

Mùi cà phê đậm đà hơi khét truyền thống theo kỹ thuật riêng từ thời ông Lâm truyền lại dần tỏa khắp gian nhà cổ. Tranh trên tường có vẻ không còn nhiều, bởi con cháu ông Lâm đã mở thêm hai quán khác, một quán cũng ở ngay đầu con phố này, treo nhiều tranh từ quán cũ mang sang, suốt ngày đông khách ngồi ngắm tranh. Nhưng với tôi, quán cũ vẫn có hồn hơn, bởi nó chứa đựng biết bao kỷ niệm khó phai.

Có lẽ ngày xưa họa sĩ Bùi Xuân Phái thường "ngồi đồng" ở cà phê Lâm, uống cà phê ghi sổ mãi nên thấy mắc nợ con phố mà tức cảnh sinh tình vẽ nên bức tranh "Phố Nguyễn Hữu Huân". Giờ không biết bức tranh thuộc về ai, con phố cũng thay đổi nhiều, nhưng cà phê Lâm vẫn giữ nguyên phong cách cũ và biết đâu lại có những văn nghệ sĩ ghé đến, tạo ra cái gì đó ghi dấu ấn cho một Hà Nội mới!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tìm dấu thời gian nơi quán cũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO