Thị trấn ngã ba sông

HOÀNG ĐẠI KỬ| 16/12/2018 07:00

Quê tôi là làng Cổ Liễu, nay đã trở thành một phần của thị trấn mang tên dòng sông - thị trấn Kiến Giang. Những ai yêu bài hát Quảng Bình quê ta ơi của nhạc sĩ Hoàng Vân đều biết đến Kiến Giang qua câu ca "trên dòng Kiến Giang dạt dào tình quê...".

Thị trấn ngã ba sông

Dòng Kiến Giang chia thành hai nhánh khi chảy qua thị trấn Kiến Giang, một nhánh xuôi hướng đông, qua những cánh đồng thẳng cánh cò bay, một nhánh theo hướng Tây - bắc qua làng An Xá - làng quê của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rồi đổ ra phá Hạc Hải.

Tại ngã ba sông Kiến Giang là chợ Tréo - ngôi chợ lớn nhất huyện Lệ Thủy, luôn tấp nập trên bến dưới thuyền, người mua kẻ bán. Thuở học trò, bọn trẻ chúng tôi hay chơi trò đứa này bóp mũi đứa kia rồi đố nói cho rõ "Cột đình chợ Tréo". Đứa này vừa nói xong "Cột đình chợ Tréo" thì đứa kia liền nói "Tau kéo mụi mi" (tao kéo mũi mày).

Người dân muốn đi từ bên này qua bên kia sông phải qua hai con đò, là đò Thượng Phong qua xã Phong Thủy, đò Quảng Cư qua xã Xuân Thủy. Hai con đò này gắn liền với tuổi thơ của tôi. Suốt những năm học cấp I, cấp II, tôi phải qua đò Thượng Phong (tất nhiên là đi bộ), học cấp III phải qua đò Quảng Cư. Vào những năm 1964 - 1965 qua đò rất nguy hiểm, vì có khi đang ở giữa sông thì máy bay Mỹ đến bắn phá, hay vào mùa lũ nước sông chảy xiết, đò rất dễ bị lật.

Trước đây, người ở các vùng quê xa đi chợ Tréo mong được ăn món bún thịt luộc chấm mắm ruốc, bún phải là bún do làng Cổ Liễu làm, ngon nức tiếng, thịt luộc phải là thịt heo mọi săn chắc, da giòn, một phần mỡ hai phần nạc; hay ăn món bánh canh Mụ Ấm với sợi bánh gạo tươi, tôm thịt hồng màu ớt đỏ, nước dùng vừa ngọt vừa béo. Đó là hai món ăn không nơi nào có, hay có nhưng không thể ngon bằng.

Tên chợ Tréo xuất phát từ một chuyện truyền khẩu: Xưa kia, làng Cổ Liễu ở ngả ba sông Kiến Giang có một cái chợ, giữa chợ có một ngôi đình to đẹp, nhưng bỗng một đêm ngôi đình biến mất. Dân làng hoang mang không hiểu sự thể thế nào, cho người tỏa đi tìm. Có người thấy ở làng Bà Ngoạt có một ngôi đình giống hệt ngôi đình của làng mình (làng Bà Ngoạt cách làng Cổ Liễu khoảng 10km về phía đông) nhưng đã có cây bầu lúc lỉu quả bò trên mái nên không dám chắc là đình làng mình.

Le-hoi-dua-thuyen-mung-Quoc-kh-6396-7470

Cũng như khi biến mất, vài ngày sau, sáng thức dậy lại thấy ngôi đình trên nền cũ. Thì ra Bà Ngoạt có việc làng nhưng chưa có đình để tổ chức nên mượn về làm lễ, xong việc họ trả lại. Không hiểu bằng cách nào mà họ di chuyển cả ngôi đình to lớn đi xa như vậy. Khi xem kỹ ngôi đình thì thấy họ đặt hơi bị xéo (tiếng địa phương, gọi là tréo). Từ đó mới có tên chợ Tréo, tồn tại đến ngày nay.

Chợ Tréo từ xưa đã là trung tâm thương mại của huyện Lệ Thủy. Cách nay mươi năm, một trận lụt rất lớn làm hư hỏng gần như hoàn toàn quán xá, chính quyền địa phương đã đầu tư xây lại ngôi chợ rất to đẹp.

Link bài viết

Huyện Lệ Thủy hầu như năm nào cũng bị lũ lụt, nước từ Trường Sơn đổ về ngập mênh mông. Đổi lại, Lệ Thủy là một bình nguyên màu mỡ phù sa, những cánh đồng, làng mạc ngút ngát xanh. Lệ Thủy là vựa lúa quan trọng của miền Trung. Cảnh quan Lệ Thủy tráng lệ bởi phía tây là dãy Trường Sơn hùng vĩ, phía đông là những cồn cát trắng chạy dọc theo bờ biển, ở giữa là những cánh đồng thẳng cánh cò bay, nhấp nhô những làng xã và dòng Kiến Giang như một dãi lụa uốn lượn giữa bình nguyên. Mảnh đất này là địa linh nhân kiệt.

Con người nơi đây chịu thương chịu khó, cương trực mà hiền hòa, trọng nghĩa, trọng tình, đã từng làm nên "Ngọn gió Đại Phong" của một thời miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa, là ngọn cờ đầu của phong trào hợp tác xã nông nghiệp của cả nước, bắt nguồn từ sự chỉ đạo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Kiến Giang khi mới thành lập chỉ là một thị trấn nghèo, nhà phố lụp xụp, đường đất lầy lội vào mùa mưa, gió Lào hừng hực vào mùa hạ. Dù một thị trấn thuần nông, nhưng với lợi thế nằm ở vùng trung tâm của huyện Lệ Thủy, nên chỉ sau 10 năm chú trọng làm du lịch, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, đã thành một thị trấn giàu đẹp với những ngôi nhà cao tầng, những trường học, bệnh viện, những dãy phố khang trang buôn bán sầm uất soi bóng dòng Kiến Giang.

Tại ngã ba sông, ba chiếc cầu bê tông vững chắc đã được xây dựng thay cho những chiếc đò ngang cũ kỹ, trong đó có một cây cầu nối quốc lộ 1A ở phía đông với đường Hổ Chí Minh ở phía tây. Những khách sạn mọc lên, những chi nhánh ngân hàng rộn ràng giao dịch, và chợ Tréo được xây lên to đẹp, trở thành một kiến trúc nổi bật.

Cảnh quan thị trấn Kiến Giang vô cùng đặc biệt bởi trên những con đường, góc phố hay vườn nhà dân, sân công sở đâu đâu cũng xanh mướt cây lộc vừng. Đầu thu, hoa lộc vừng kết thành những chuỗi dài nở đỏ rực cả trị trấn, nên bất giác tôi gọi thị trấn quê hương mình là "thị trấn Hoa lộc vừng"!

Cây lộc vừng quê tôi gọi là cây mưng, chúng mọc dài theo bờ sông, theo kênh nương ở giữa những cánh đồng - nơi bốn mùa chim bay về làm tổ. Giờ đây nó đã trở thành một loại cây cảnh không thể thiếu trên mọi miền đất nước. Hai hàng cây trên con đường Nguyễn Huệ đẹp nhất thành phố Hồ Chí Minh cũng là cây lộc vừng.

Tôi về thăm quê lần này với ba sự kiện: tổ chức đám giỗ cụ thân sinh - một nhà nho, một nhà giáo, tham dự lễ Quốc khánh 2/9 lần thứ 73, và họp mặt kỷ niệm lứa học sinh đầu tiên của Trường cấp III Lệ Thủy ra trường.

Trong đám giỗ cụ thân sinh, tôi được gặp đủ bà con họ hàng nội ngoại. Trước hết là thắp nhang cúng vái nhà thờ họ - ngôi nhà thờ mới được xây dựng lại cách nay 10 năm, rồi xuống thuyền ngược lên thượng nguồn Kiến Giang để đến một vùng đồi có địa danh Hà Tran - nơi có nghĩa trang của dòng họ Hoàng và mộ chí hai cụ thân sinh của tôi. Từ trên đồi cao nhìn xuống, dòng Kiến Giang sáng bạc vắt qua một vùng đồi núi trung du trùng điệp. Xa xa là dãy núi Yên Mã (tiếng địa phương là độộng An Mạ) như bức bình phong che chở cho vùng đồng bằng bao la.

Lễ Quốc khánh 2/9 ở quê tôi rất đặc biệt. Những người con xa quê ai ai cũng trở về vào dịp này để xem đua thuyền trên dòng Kiến Giang. Lễ hội bắt đầu từ ngày 2/9/1946 và liên tục được tổ chức hằng năm vào đúng Quốc khánh, chỉ gián đoạn vào những năm đánh giặc giữ nước. Thuyền đua ở quê tôi gọi là "nôốc bơi", xem đua thuyền gọi là "coi nôốc bơi".

Rời giảng đường Trường Đại học Dược khoa Hà Nội tháng 10 năm 1970, tôi vượt Trường Sơn vào miền Nam tham gia kháng chiến rồi không còn cư trú tại quê nhà từ độ ấy. Đã bao lần xem đua thuyền trên dòng Kiến Giang, nhưng về quê lần này là lần đầu tiên tôi chèo thuyền đến gần nơi xuất phát (Mũi Viết), đúng điểm ngã ba sông, cũng là nơi kết thúc cuộc đua để chứng kiến giây phút mừng vui khôn tả của những tay bơi đạt thứ hạng cao nhất. Thật hiếm có được giây phút tuyệt vời như vậy ở quê hương!

Một sự kiện nữa cũng rất thú vị - đó là cuộc họp mặt học sinh Trường cấp III Lệ Thủy nhân kỷ niệm 50 năm lớp học sinh đầu tiên ra trường. Thật cảm động khi được gặp lại thầy cô, bạn bè với bao kỷ niệm thời học trò, có bạn từ khi ra trường đến giờ đã 50 năm mới gặp lại.

Những "hạt giống đỏ” sau khi ra trường tỏa đi khắp mọi miền góp phần đánh giặc và dựng xây đất nước, hầu hết trở thành sĩ quan, kỹ sư, dược sĩ, bác sĩ, nhà báo, trong đó có bạn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Sau những ngày sống giữa quê hương với bao kỷ niệm, tôi lại về Sài Gòn - thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, trở lại cuộc sống bình yên với công việc thường nhật. Nhưng dù ở đâu, với tôi thị trấn Hoa lộc vừng, rồi sắp tới sẽ trở thành thị xã, mãi mãi là tình yêu và nỗi nhớ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trấn ngã ba sông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO