Lộc vừng thôi cho lộc...

PHƯƠNG HÀ| 10/08/2018 03:00

Lúc nào cũng tự đắc mình yêu thiên nhiên nhất xứ, hiểu biết hoa cỏ hơn người, nên tôi không biết có kẻ còn mê cây cối hơn mình, mê đến mức tôn sùng như vật thiêng.

Lộc vừng thôi cho lộc...

Đã là vật thiêng thì người ta thường thỉnh về nhà, mà một trong những vật được thỉnh ấy là cây lộc vừng.

Bình - Trị - Thiên (nay là Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế) quê tôi không có từ lộc vừng, ngàn đời nay, nó được kêu bằng cây mưng. Cây mưng được đồng đất quê tôi nuôi dưỡng, có thể cao to như cây cổ thụ giữa đại ngàn Trường Sơn khi rừng chưa mất sạch như bây giờ.

Khi tôi còn con nít, cha thường cho theo ra đồng. Cánh đồng làng Phương phơi mình trong cái nắng cỏ héo rũ như cọng hành luộc, nơi cha tôi nặng nhọc quật từng lát cuốc lật đất làm ải để chuẩn bị đón mưa rào cho vụ lúa duy nhất trong năm. Lâu lâu nghỉ mệt, người kêu tôi tới trú nắng dưới tán những cây mưng bên con hói xâm xấp nước.

Nếu không có con hói ấy, mà sau này tôi được biết có vùng kêu bằng con rạch, thì làng Phương của tôi không có gạo ăn và những cây mưng không thể chịu nỗi cơn khát trong mùa gió Lào nóng đến 400 thổi suốt ngày đêm. Con hói ấy đón hai luồng nước, một từ sông Thạch Hãn, một từ nguồn nước ngầm trong những động cát tít tắp tận bờ biển, sau làng.

Hai bờ con hói xanh um một màu mưng - là vệt xanh độc nhất giữa đồng đất bạc phếch 6 tháng không một giọt mưa. Con hói nuôi cây mưng, cây mưng góp phần giữ nước cho con hói. Nếu không có con hói và cây mưng, cánh đồng quê tôi sẽ là cánh đồng chết!

Lạ thay, trong cảnh khô khát nhất mấy tháng hè, cây mưng lại thả những dây hoa từ trên cành xuống, nở bung màu đỏ vài tiếng đồng hồ rồi lần lượt rụng để nuôi bầy cá tràu, cá rô trong lòng hói. Mỗi đợt hoa như thế có thể kéo dài mươi ngày, nửa tháng.

Xong đợt hoa, cây mưng rụng hết lá để cho ra những chùm lộc màu tim tím, mà dân quê tôi kêu bằng rau mưng. Loại rau này mà kẹp với một loài cá biển mình dẹp lép, nướng hoặc hấp, chấm nước mắm ruốc thêm ớt sừng thì chỉ hít hà khen bởi vị chát nhẹ của lộc mưng hòa quyện với vị ngọt bùi của con cá lẹp. Vì thế mới có câu ca:

Cá lẹp mà kẹp rau mưng
Chồng ăn to miếng vợ phùng má ra,
hoặc
Cá lẹp mà kẹp rau mưng
Chồng ăn to miếng vợ trừng mắt lên

Câu tám trong hai câu lục bát này đều có nghĩa bà vợ mê món cá lẹp kẹp rau mưng như ông chồng, nên cũng ăn đến "phùng má ra", hoặc thấy chồng "ngon miệng quá”, sợ hết phần nên "trừng mắt" bảo "còn phần cho người ta".

Dưỡng sức qua mùa thu, tháng 11, tháng 12 âm lịch, có khi đúng dịp Tết, có những cây mưng lại ra hoa lần nữa, cánh không thắm như trong hè nhưng dài hơn, bông to hơn. Sau lứa hoa thứ hai trong năm, cây mưng lại cho lộc để thêm một lần, dân quê tôi được thưởng thức món cá lẹp kẹp rau mưng mà khó có món nào ngon bằng, ít nhất đó cũng là "món ăn ký ức" đối với tôi trong cảnh thiếu thốn trăm bề thời chiến tranh giữ nước.

Ra Hà Nội sau khi đất nước bị chia làm đôi, năm 1955, tôi bắt gặp một cây mưng rất lớn đang thả những dây hoa thắm xuống mặt Hồ Gươm. Thì ra cây mưng không chỉ có ở quê tôi, nhưng người ta gọi là cây lộc vừng. Mà đã là lộc thì nó quý gấp vạn lần mưng(!)

Phải công nhận, mỗi lần cây lộc vừng trải một thảm đỏ bên bờ hồ, Hồ Gươm càng thêm thơ mộng. Những đôi lứa yêu nhau đứng trên thảm đỏ ấy chụp ảnh thì hình như hạnh phúc nhân đôi. Nhiều nhiếp ảnh gia đã có những bức ảnh tuyệt đẹp về Hồ Gươm mà tiền cảnh là những dây lộc thắm tươi lả lơi với làn nước màu lục.

Năm tháng qua, tôi còn được thấy cây lộc vừng gốc to cỡ hai người ôm trước cửa đình Voi, làng Cam Giá, bên quốc lộ 1A, tỉnh Ninh Bình. Tôi còn được chiêm ngưỡng hai cây lộc vừng bên giếng Thần trong khuôn viên chùa Ngư ở đảo Song Ngư Sơn, cách khu du lịch thị xã Cửa Lò (Nghệ An) khoảng hai hải lý.

Tương truyền, chùa Ngư được xây dựng vào thế kỷ XIII, vừa thờ Phật, vừa thờ Sát hải đại vương Hoàng Tá Thốn - người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Ngay khi dựng chùa, người ta đã trồng hai cây lộc vừng này, nên đến nay, chúng đã thọ trên 700 năm! Và tôi đã thấy không biết bao nhiêu cây lộc vừng trong khuôn viên các biệt thự mới toanh tại các thành phố, thị tứ trong Nam ngoài Bắc.

Không biết có cây mưng cổ thụ nào nằm trong những khu vườn, những bậc thềm sang trọng ấy bị bứng từ con hói đồng làng Phương, mà sao tôi cứ đau đáu nỗi mất mát cả một vệt xanh quê mình, đau đáu với những kỷ niệm chiến tranh bởi những cây mưng ấy đã chở che dân làng khi phải sơ tán xuống đồng để giảm bớt chết chóc do bom đạn, đã che chở tôi mỗi khi từ rừng Trường Sơn xuống đồng bằng viết về chiến tranh du kích. Tôi buồn với nỗi buồn đơn côi từ ngày con hói và cánh đồng làng Phương không còn những cây mưng...

Lạ thay, chỉ vì cái cây dân dã có tên kèm chữ "lộc" mà nó từ ruộng đồng, bờ mương, bến bãi được nâng niu bứng trồng trong khuôn viên biệt thự, nhà sang với hy vọng gia chủ phát lộc, phát tài.

Khi TP.HCM nâng cấp con đường Nguyễn Huệ thành phố đi bộ và là nơi vui chơi hằng đêm cho dân chúng, tôi không hiểu vì sao người ta không trồng những loại cây thích hợp với phố thị mà lại trồng lộc vừng. Ba năm qua, tôi chưa thấy lộc vừng ở đường Nguyễn Huệ thả những dây hoa đỏ như cây lộc vừng ở Hồ Gươm, chắc không phải thiếu nước mà thiếu không gian thích hợp.

Cây mưng là loại thân gỗ nhưng nếu rời khỏi gốc thì làm củi cũng không được vì chỉ cho khói mà không cho lửa. Cây mưng cũng không dễ tạo dáng, mà có tạo được cũng không thể đẹp. Với tôi, giá trị nhất của cây mưng là lá non được dùng như một loại rau và cho những dây hoa đỏ, khi rụng làm hồng rực một bờ ruộng, một bờ hói, một bờ hồ, như cây mưng ở Hồ Gươm.

Không biết xa xưa ai đã trồng mưng ven con hói làng Phương hay chúng tự mọc. Được trồng hay tự mọc, dân làng Phương đều xem những cây mưng ấy là của chung, luôn trân trọng giữ gìn. Vậy mà từ khi bỗng dưng có tin đồn chỉ cần một cây mưng hiện diện trong khuôn viên hay trước cửa nhà thì lộc sẽ tràn trề, ban đầu người ta bứng trộm rồi công khai đào tận gốc trốc tận rễ những cây mưng có tuổi trăm năm bán cho đầu nậu, có cây giá trăm triệu đồng.

Không phải người làng khác mà chính người làng Phương làm điều đó. Dân làng Phương hết ơn nghĩa với cây mưng rồi sao? Chắc là chưa. Nhưng đồng tiền lớn quá, lại đang "phong trào", một người trộm có thể thành tội phạm, nhiều người trộm, lại là trộm của trời cho trở thành bình thường, ai nhanh tay thì được.

Khi cơn sốt bất động sản qua đi sau những năm bùng phát cuối thập kỷ 1990, đầu thập kỷ 2000, phong trào chơi lộc vừng tạm lắng, mấy năm gần đây lắng hẳn, cây mưng trở lại đúng bản chất của nó là một cây hoang dã tốt cho môi trường sinh thái chứ chẳng có lộc để phân phát cho bất cứ ai. Tội nghiệp cho những cây mưng làng Phương, giờ không biết chúng lưu lạc nơi đâu, có được người ta cho uống nước như ngày xưa được con hói nuôi dưỡng.

Nhưng cũng thật may mắn, chính nhờ bị coi như bao loại cây "không cho lộc" khác mà nay mưng lại mọc ven bờ con hói làng Phương, chẳng bao lâu nữa sẽ thành vệt xanh vời vợi.

Ngắm những cây mưng non tơ ấy lại rưng rưng hình ảnh người cha lật từng lát cuốc trong mùa ải đất bên con hói xa ngái những năm nào...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lộc vừng thôi cho lộc...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO