Sửa mình nơi công cộng

KHẢI LY| 09/07/2016 06:30

Bài học ý thức và trách nhiệm nơi công cộng dường như biến mất để đổi lấy sự thuận tiện cho chính bản thân.

Sửa mình nơi công cộng

Hôm đó, tôi thật sự sửng sốt khi thấy cô gái bán hàng bỏ cửa hàng thời trang lớn không ai trông, ra ngoài đổi tiền lẻ, để lại một đám đông khách trong cửa hàng. Lúc rảnh, cô giải thích: "Em hỏi họ từ đâu đến, biết là Hàn Quốc rồi thì rất yên chí, nên mới đi như vậy".  

Đọc E-paper

Quả là sự đánh giá quá đẹp về công dân của một quốc gia qua con mắt người bình thường đang mỗi ngày tiếp xúc với du khách nhiều quốc tịch. Cô gái nói thêm, thích nhất là bán hàng mà gặp khách Hàn Quốc và Nhật Bản. Họ mua nhiều, trật tự, lịch sự, khỏi lo trông ngó hàng hóa vì họ xem mọi thứ rất nhẹ nhàng.

Sợ nhất du khách nào? Câu trả lời không ngoài dự đoán: du khách Việt! Cô gái bán lụa tơ tằm - món hàng phải nâng niu như hoa, nhưng khách Việt xem hàng nhìn thật đau lòng. Họ rút cái khăn lụa xuống mà như rút sợi dây thừng. Cái cách họ vẹt áo váy treo trên giá để xem luôn thô bạo. Và khi chọn hàng xong, cung cách trả giá và đòi hỏi gói hàng chẳng khác gì coi người bán như... người hầu kẻ hạ.

Cô gái bán hàng còn than thở, mỗi lần khách Việt ra khỏi cửa hàng, nhân viên mất khá nhiều thời gian sắp xếp lại hàng vì khách cứ lôi ra xem rồi bạ đâu vứt đó chứ không để lại chỗ cũ.

Nghe cô gái nói mới giật mình, liệu chúng ta có phải là người xấu xí trong mắt chính đồng hương của ta? Chợt nhớ thỉnh thoảng lại có tin về một cửa hàng nào đó từ chối phục vụ khách Việt, chúng ta lập tức nhao nhao phản ứng, lên án những người kỳ thị đó mà chưa tìm hiểu điều gì đã xảy ra.

Một lần ở Huế, chủ một tiệm ăn nhỏ đã tâm sự, anh cũng muốn nấu món ăn cho phong phú, lấy giá phải chăng để đón thêm khách Việt, nhưng khổ nỗi cứ tiệm ăn nào có nhiều khách Việt thì khách nước ngoài không vào, mà quán của anh đã lỡ nấu nướng theo phong cách ẩm thực châu Âu ngay từ đầu rồi.

Cũng trên con đường Bạch Đằng tại Đà Nẵng, thương hiệu cà phê Highlands lúc đầu hút khách nước ngoài, nay đã đổi phong cách và khẩu vị để phục vụ khách Việt, bởi thi thoảng mới có khách nước ngoài ghé vào. Và quán cà phê này ồn như một cái chợ, ghế bàn bị khách kéo xô lệch, người đi lại bát nháo vì chưa quen cách tự phục vụ. Thì ra chính phong cách văn hóa của khách tạo ra sự khác biệt của mỗi quán chứ không phải chỉ đơn thuần là ẩm thực, thức uống.

Chỉnh trang hành vi nơi công cộng là nhu cầu bức thiết để thay đổi văn hóa cho cả cộng đồng. Lý thuyết sách vở cho rằng ý thức, lương tâm và trách nhiệm sẽ tạo ra chuẩn mực văn minh nơi công cộng. Nhìn lại giáo dục tiểu học, chúng ta đã trải qua những bài học để có ý thức, để biết những trách nhiệm tối thiểu phải thực hiện và luôn đối diện với những câu hỏi của lương tâm.

Tuy nhiên, bài học ý thức và trách nhiệm nơi công cộng dường như biến mất để đổi lấy sự thuận tiện cho chính bản thân. Và có thực hiện cũng chỉ để đối phó với các quy định của pháp luật.

Ở bệnh viện phụ sản, chúng ta vẫn thấy đàn ông chiếm ghế ngồi, mặc kệ những sản phụ đang nhăn nhó vì đau đớn phải đứng. Một phó tổng giám đốc khách sạn 5 sao lên án khách Việt vào khu nghỉ mát 5 sao xả rác bừa bãi, ăn buffet thì lấy thức ăn thừa mứa rồi bỏ lại trên bàn, để trẻ em chạy nhảy, la hét ồn ào nơi công cộng, và ông tuyên bố sẽ từ chối loại khách ấy.

Tương tự, một tổng giám đốc khu du lịch văn hóa đã từ chối nhận học sinh một trường trung học cơ sở đến tham quan, lý do là vì các em học sinh luôn thiếu ý thức, ồn ào và phá phách, làm ảnh hưởng đến các du khách khác. Đó đây, nhiều cơ sở kinh doanh đã "khéo léo và nhẹ nhàng" từ chối khách Việt, họ chấp nhận mất đi một khoản lợi nhuận. Đừng vội lên án họ ngay mà hãy xem lại đâu là bản chất của sự việc để hành xử đúng đắn, sửa mình và sửa cho cả thế hệ tương lai.

>Câu chuyện về người Nhật

>Học cách chấp nhận tiếp biến văn hóa

>Văn hóa doanh nhân: Trông người lại nghĩ đến ta

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sửa mình nơi công cộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO