Startup: Vì sao ra đời nhiều, thành công hiếm?

17/07/2016 06:05

CEO Nguyễn Anh Tú thừa nhận: Nguyên nhân lớn nhất trong thất bại của Compass là do Tú cùng các bạn còn thiếu rất nhiều kỹ năng khởi nghiệp,

Startup: Vì sao ra đời nhiều, thành công hiếm?

Vì sao trong hàng chục nghìn startup đang đua nở hiện nay, số lượng doanh nghiệp thành công chỉ đếm được trên đầu ngón tay?

Trăm hoa đua, vài hoa nở

Ôm ấp hoài bão cũng như khát vọng được khẳng định chính mình, Eric Hà Ngọc Anh (Eric Hà) khi đang là Trợ lý Giám đốc Vodafone chi nhánh Melbourne (Australia) đã quyết định rời bỏ công việc trong mơ với mức lương cực “khủng” để trở về Việt Nam.

Cùng một số người bạn, Eric Hà thành lập Student Life Care - một doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp sáng tạo - starup tiên phong tại Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng các dịch vụ hỗ trợ nhu cầu thiết yếu của du học sinh Việt Nam tại nước ngoài.

Đến nay, chỉ sau hơn hai năm hoạt động, hệ thống cộng tác viên của Student Life Care đã có mặt tại hơn 30 thành phố ở 6 quốc gia là Anh, Australia, Singapore, Hoa Kỳ, Canada và Đức. Hàng nghìn sinh viên đã được DN này giúp đỡ nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống, an tâm học tập và phát triển sự nghiệp nơi xứ người.

Hội tụ đủ yếu tố của một khởi nghiệp tiềm năng là ý tưởng tốt và quản trị hiệu quả, Student Life Care tất nhiên đã lọt vào “tầm ngắm” của không ít nhà đầu tư.

CEO Eric Hà chia sẻ, mới đây, Student Life Care đã “hút” được nguồn vốn “khủng” lên đến nhiều triệu USD từ một nhóm nhà đầu tư tại Anh, Australia và Việt Nam. Đây chính là “bệ đỡ” quan trọng, giúp DN có đủ lực để triển khai những bước tiến mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, trong đó có việc mở rộng thị trường ra toàn Đông Nam Á.

Thực tế, hai năm vừa qua được đánh giá là thời gian khá thành công với startup Việt khi mà cộng đồng này đã thực sự dần lớn mạnh, huy động được nguồn vốn hàng chục triệu USD từ các quỹ đầu tư lớn trên thế giới.

Có thể nói, thành công của Student Life Care cũng như một số startup tiêu biểu khác như Lozi, Foody hay LoanVi,… thực sự đang tạo ra hiệu ứng lan tỏa to lớn trong cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam, trở thành động lực thúc đẩy vô số các bạn trẻ hào hứng tham gia khởi nghiệp.

>>Fintech - mảnh đất màu cho startup [Infographic]

Tuy nhiên, trong hàng chục nghìn doanh nghiệp startup đang đua nở hiện nay, số lượng có được thành công lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn lại đa số đều lâm vào cảnh “sống dở, chết dở”. Trường hợp của Compass sau đây là một ví dụ.

Là startup về giải pháp giúp người dùng có thể tìm kiếm những địa điểm xung quanh như bệnh viện, trường học hay nhà hàng,… một cách nhanh nhất, Compass được chàng cựu sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin tại Đại học Massachusetts Boston (Hoa Kỳ) Nguyễn Anh Tú cùng một nhóm bạn khởi xướng.

Tuy nhiên, dù đã chạy được hơn một năm nhưng Compass mới chỉ thu hút khoảng vài trăm người dùng, trong đó chủ yếu là người thân và bạn bè. Hiệu quả hoạt động thấp như vậy, đồng nghĩa với việc startup này khó có thể gọi được vốn đầu tư và dần “ngoắc ngoải”.

CEO Nguyễn Anh Tú thừa nhận: Nguyên nhân lớn nhất trong thất bại của Compass là do Tú cùng các bạn còn thiếu rất nhiều kỹ năng khởi nghiệp, trong đó có kỹ năng quảng bá sản phẩm đến với người dùng, khiến Compass hoàn toàn bị chìm lấp trong hàng trăm sản phẩm cùng loại.

Nguyên nhân: Không chỉ một

Nhìn nhận về các startup Việt Nam hiện nay, nhà sáng lập của Seedcom (một trong những công ty đã đầu tư rất nhiều vào các startup tại Việt Nam) Đinh Anh Huân cho rằng: Thất bại thường đến từ việc các startup quá thiếu kinh nghiệm, đồng thời khả năng tiếp cận vốn cũng hạn chế.

Đồng quan điểm, chuyên gia về khởi nghiệp Đỗ Hoài Nam cho biết tại Mỹ, do môi trường khởi nghiệp được minh bạch hóa cao, những thông tin và kiến thức cơ bản thường được phổ cập rộng rãi nên startup luôn hiểu rõ được những rủi ro sẽ gặp phải và tránh được sự mù quáng. Còn tại Việt Nam, đơn giản là vì môi trường cho khởi nghiệp của chúng ta kém minh bạch, tác động của truyền thông lại chưa đủ tốt dẫn đến startup Việt luôn bị thiếu nhiều kiến thức cần thiết.

Một nguyên nhân khác, theo một số chuyên gia là do ý tưởng của startup Việt thường thiếu tính thực tế. Giám đốc FPT Ventures (Quỹ đầu tư dành cho khởi nghiệp của FPT) Trần Hữu Đức phân tích: Cần phải tạo ra môi trường thử nghiệm để các startup có được cơ hội cọ xát liên tục. Chúng ta có thể xây dựng “vườn ươm” tại các trường đại học, nơi sinh viên và các bạn trẻ được hướng dẫn và có điều kiện thử nghiệm ý tưởng của mình; từ đó, tự đánh giá được khả năng thành công cũng như độ rủi ro khi triển khai trong thực tế.

>>6 kỹ năng kinh doanh nhà trường không dạy

Về vấn đề này, PGS-TS. Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Đúng là cần tạo phải tạo điều kiện nhiều hơn để hỗ trợ cho giới trẻ, sinh viên có cơ hội nghiên cứ, thử nghiệm ý tưởng. Tuy nhiên, nghiên cứu khởi nghiệp lại có rủi ro rất cao, trong khi cơ chế chính sách về nghiên cứu hiện nay còn có nhiều ràng buộc. Vì vậy, chúng ta không nên tiếp tục những cách làm truyền thống như tài trợ theo đề tài, nghiệm thu theo sản phẩm,… mà cần tạo ra những cơ chế mới “mở” hơn cho nghiên cứu sáng tạo.

Để tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, nhiều chuyên gia kiến nghị, Nhà nước cũng cần “mở rộng cửa” tiến vào thị trường đầu tư công cho các doanh nghiệp khởi nghiệp; công bố và giúp cộng đồng khởi nghiệp tìm hiểu những bài toán quan trọng như xây dựng hệ thống quản trị y tế, phân luồng giao thông đường thủy,… sau đó, đồng hành và hỗ trợ khởi nghiệp tìm ra lời giải bằng nhiều cơ chế và chính sách hữu hiệu.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm thế giới cho thấy cần đưa ra các chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp đã thành công và lớn mạnh quay lại hỗ trợ các doanh nghiệp mới khởi nghiệp. Việt Nam lại có rất ít những nhà đầu tư như vậy.

Tổng thư ký Vinasa Lê Xuân Hòa chia sẻ trong giai đoạn tới, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) sẽ tập hợp các doanh nghiệp đi trước, các doanh nghiệp đã lớn mạnh trong lĩnh vực CNTT, phối hợp với nhau để tạo ra môi trường và sự hỗ trợ tốt nhất cho những doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT.

Ông Đỗ Hoài Nam cũng kiến nghị thêm, rất nhiều DN lớn tại Việt Nam, nhất là những DN làm viễn thông và công nghệ thường có tư duy “làm được tất cả”. Ví dụ, một DN viễn thông cần một ứng dụng chặn tin nhắn “rác” là ngay lập tức tổ chức đội ngũ lập trình viên rồi bắt tay tự làm. Các công ty lớn trên thế giới ít khi làm vậy mà cứ để cả thị trường cạnh tranh nhau và họ mua sản phẩm tốt nhất. Lối tư duy chuyên môn hóa cao như vậy không những sẽ đem lại hiệu quả hoạt động tốt hơn cho DN mà còn mở rộng thị trường và cơ hội cho các startup.

Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có mục tiêu cụ thể là đến năm 2020 sẽ phải hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đồng thời hỗ trợ được 800 dự án, 200 DN khởi nghiệp, trong đó 50 DN gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước khoảng 1.000 tỷ đồng.

Chính phủ có thể cho phép sử dụng các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; địa phương và DN để tài trợ, hỗ trợ một phần kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ, thử nghiệm thị trường của startup.

Đồng thời, để phát triển hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho khởi nghiệp, Chính phủ có thể hỗ trợ một phần kinh phí mua bản quyền chương trình đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp,… cho một số cơ sở giáo dục, cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh khởi nghiệp; hỗ trợ một phần kinh phí thuê chuyên gia trong nước, quốc tế để triển khai các khóa đào tạo khởi nghiệp, đào tạo huấn luyện viên khởi nghiệp, nhà đầu tư khởi nghiệp,…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Startup: Vì sao ra đời nhiều, thành công hiếm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO