Những tín hiệu bất thường

NGUYỄN ĐÌNH ĐẦY - Giám đốc Công ty IDT| 21/07/2010 00:47

Thực tế không như chúng ta mơ ước, không đúng như lý thuyết mà ta đã biết, và sai lầm thường bắt đầu từ việc chúng ta không xác định đúng những bước đi cần thiết cho từng giai đoạn.

Những tín hiệu bất thường

Để biến ý tưởng thành hiện thực, biến được đam mê thành việc kinh doanh cụ thể đưa đến thành công, có mấy người đạt được.

Chúng ta điều biết để mở một doanh nghiệp rất dễ, nhưng để kinh doanh thành công thì không dễ. Mỗi chúng ta thường bắt đầu công việc kinh doanh từ một ý tưởng tốt đẹp, một niềm đam mê kèm theo một niềm tin cháy bỏng, nhưng để biến ý tưởng thành hiện thực, biến được đam mê thành việc kinh doanh cụ thể đưa đến thành công, có mấy người đạt được.

Đôi khi có người thành công ở giai đoạn khởi đầu, nhưng lại thất bại trong việc phát triển và mở rộng qui mô kinh doanh trong những giai đoạn kế tiếp. Vì thực tế không như chúng ta mơ ước, không đúng như lý thuyết mà ta đã biết, và sai lầm thường bắt đầu từ việc chúng ta không xác định đúng những bước đi cần thiết cho từng giai đoạn.

Ở giai đoạn khởi đầu, với một quyết tâm cao, một qui mô và một năng lực đã được chuẩn bị trước, chúng ta hoạt động hiệu quả và đạt được những thành công đáng kể. Với sự hưng phấn và khích lệ của thành quả bước đầu, chúng ta hăng hái mở rộng qui mô, xông xáo liên doanh, vay ngân hàng một khoản lớn để đầu tư cho các hoạt động mở rộng nhanh chóng này. Và thường thì đến thời điểm này những tín hiệu bất thường bắt đầu xuất hiện.

Hiện nay chúng ta thường thấy nhiều doanh nghiệp năng lực hạn chế nhưng tham vọng quá lớn, muốn phô trương thanh thế, muốn mở rộng thị phần một cách nhanh chóng để tạo dựng thương hiệu, đánh bóng tên tuổi.

Vì phát triển quá nhanh, vượt ngoài tầm kiểm soát và năng lực quản lý, năng lực tài chánh của công ty, nên khả năng xảy ra sai sót dẫn đến sụp đổ là điều khó có thể tránh khỏi. Đó là hiện tượng mà nhiều DN vấp phải trong quá trình mở rộng hoạt động quá nhanh và ngoài tầm kiểm soát của mình. Một khi sự sai sót đã trở thành nghiêm trọng, các công ty thường dùng đến một số thủ thuật để che đậy. Động thái đầu tiên các doanh nghiệp thường làm là phủ một lớp hào quang giả tạo quanh hoạt động của công ty mình với hy vọng sẽ cố gắng đảo ngược được tình thế.

Nếu sự sai sót là một đột biến, được phát hiện sớm và lãnh đạo doanh nghiệp mạnh dạn sửa sai thì mọi việc sẽ được giải quyết tốt đẹp. Nhưng nếu sai sót không được phát hiện kịp thời, hoặc được phát hiện nhưng vì lo ngại uy tín DN bị sứt mẻ, thương hiệu công ty bị suy giảm, không mổ xẻ triệt để nhằm chặn đứng tức thời những sai sót. Lúc đó sai sót sẽ trở thành hệ thống, tích lũy dần những nguy hiểm theo thời gian và sự sụp đổ là điều chắc chắn khó tránh khỏi.

Và để đối phó với tình huống tồi tệ này các Cty thường có các động thái “bịa đặt” ra tài sản vốn ảo để che giấu các khoản nợ của công ty, làm giả các tài liệu chứng từ để che giấu những hoạt động làm ăn gian dối. Dùng danh nghĩa của các ngân hàng tài trợ, các quan chức, các cổ đông tên tuổi như là một lá chắn để tạo vỏ bọc.

Những tín hiệu ta thường thấy khi DN chuẩn bị sụp đổ: Như thua lỗ trong kinh doanh nhưng vẫn được các nhà đầu tư và ngân hàng rót vốn. Đây là một dấu hiệu không bình thường. Nếu không được các cơ quan chức năng, ngân hàng và các công ty kiểm toán tham gia tiếp tay (để được đổi lấy chi phí dịch vụ cao). Thì chắc rằng bản thân DN không thể tự lừa đảo trong thanh toán và hướng dẫn sai lạc cho các đối tác trong một thời gian dài (kể từ khi có tín hiệu sai sót).

Một khi đã có sự tiếp tay có hệ thống của những người có trách nhiệm để che đậy những sai sót, thì rất khó phát hiện những sai trái trong hoạt động kinh doanh của DN. Và từ đây hình thành một mối quan hệ kinh doanh gian dối, lừa đảo kéo dài có hệ thống, trong đó phải có sự góp sức của “những vị có quyền chức” của các cơ quan kiểm toán, của ngân hàng… Họ đã tạo điều kiện thực hiện các giao dịch để được hưởng lợi từ chi phí dịch vụ cao góp phần tạo nên sự sụp đổ của DN.

Qua sự thất bại của nhiều DN, ta thấy rằng hiện nay chế độ quản trị doanh nghiệp còn thiếu minh bạch, còn nhiều kẻ hở, lỏng lẻo. Không có sự giám sát chặt chẽ là nguyên nhân góp phần che giấu sự thâm hụt kéo dài. Qui định về trách nhiệm của người đứng đầu không rõ ràng. Đó là những tiền đề cho sự sụp đổ của nhiều DN trong thời gian qua, và nó cũng là tín hiệu báo động cho thấy nguy cơ gây nên việc phá sản đang tiềm ẩn đối với không ít DN đang hoạt động hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những tín hiệu bất thường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO