Những công trình tỷ đô và lòng dân

BÍCH HỒNG| 30/07/2016 06:22

Giấc mơ tỷ Mỹ kim vào đầu tư tại Việt Nam bây giờ không còn là "quá khủng" bởi chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016 có mấy dự án tỷ đô đã bắn pháo hoa trong lễ động thổ.

Những công trình tỷ đô và lòng dân

Đầu tháng 11/2006, thông tin Tập đoàn Intel công bố mở rộng đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất và kiểm định chip tại Khu công nghệ cao TP.HCM với số vốn 1 tỷ USD đã tạo nên cơn chấn động trong dư luận. Việt Nam lần đầu tiên có một doanh nghiệp nước ngoài đầu tư đạt được con số đó. 

Đọc E-paper

Giấc mơ tỷ Mỹ kim vào đầu tư tại Việt Nam bây giờ không còn là "quá khủng" bởi chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016 có mấy dự án tỷ đô đã bắn pháo hoa trong lễ động thổ. Và tỷ đô cũng phản ánh sự vui buồn trong mắt người dân...

1. Cuối tháng 4/2016, trong cái nắng chói gay gắt, một dự án 4 tỷ đô lớn nhất miền Trung từ trước đến nay là đầu tư xây dựng Khu Du lịch - Nghỉ dưỡng Nam Hội An, đã khởi công tại vùng đất nổi tiếng nghèo với những làng chài nhỏ ở Quảng Nam.

Bốn tỷ đô sẽ tạo dựng một tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng phức hợp, giải trí có thưởng, khu vui chơi tiêu chuẩn 5 sao, trung tâm văn hóa, thương mại, dịch vụ với những khách sạn, chung cư, biệt thự, trung tâm thương mại, bến du thuyền... tựa như một đô thị nhỏ trên nền những vùng đất hoang bị cát biển vùi lấp hàng trăm năm.

Lần đầu tiên chúng tôi thấy có những em bé quàng khăn đỏ đứng vẫy cờ và những mẹ, những chị ở các thôn làng diện áo dài đến dự lễ động thổ một công trình. Nói vậy để thấy cái sự kiện đó có tầm cỡ không khác một cuộc đổi đời đáng ghi vào lịch sử vùng đất này.

Để xây dựng và vận hành Khu Du lịch - Nghỉ dưỡng Nam Hội An, một con đường trải nhựa và cây cầu Cửa Đại ra đời nối Hội An với xã Duy Hải, kết thúc cuộc đời những con đò chiều từ chợ Hội An về các vùng ven biển lân cận.

Nếu như Khu Du lịch - Nghỉ dưỡng Nam Hội An xây dựng đúng kế hoạch, bắt đầu từ tháng 4/2016, đưa vào khai thác từng phần từ đầu năm 2019 và hoàn thành tổng thể vào năm 2035, thì dù thời gian kéo dài trong 20 năm cũng sẽ đem lại cho khu vực một thế phát triển mới. Lúc ấy thế hệ các em bé quàng khăn đỏ hôm nay có thể là lực lượng lao động chủ lực ở nơi này.

Đó là suy nghĩ của người lạc quan. Còn người nhìn xa không khỏi lo cho con số đầu tư khổng lồ của Tập đoàn VinaCapital và Tập đoàn Gold Yield Enterprises. Bởi vùng đất ven biển Quảng Nam đã đôi lần hụt những dự án tỷ đô năm, mười năm trước, và nay những dự án ấy vẫn là dự án trắng cát từ đại dương.

Cũng hôm đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn tùy tùng sau khi rời khỏi lễ động thổ dự án tỷ đô đã vội vã vào Khu Kinh tế mở Chu Lai để dự một buổi lễ động thổ Khu công nghiệp Cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải, hay được gọi bằng tên giao dịch Thaco.

Khu công nghiệp Thaco thu hút 28.000 tỷ đồng vốn đầu tư tư nhân

Thaco vào Chu Lai gần 12 năm, túc tắc đi một đoạn đường dài với số vốn đầu tư 28 nghìn tỷ đồng hoàn toàn từ khu vực kinh tế tư nhân, với tốc độ xây dựng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví như "Thánh Gióng", có những giai đoạn mỗi tháng khánh thành một nhà máy. Công trình gần tỷ đô này đã thành hiện thực và nó đem lại niềm tự hào cho người Quảng Nam khi phát triển ngành công nghiệp cơ khí ô tô, tiên phong trong chuỗi "nội địa hóa" ngành lắp ráp và sản xuất ô tô tại Việt Nam.

Sáng hôm ấy, 8 nghìn công nhân Thaco cũng có mặt để chứng kiến một giai đoạn phát triển mới của Trường Hải được xem là một trong những doanh nghiệp hạt nhân của Khu Kinh tế mở Chu Lai, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế miền Trung.

Sự ra đời của Khu công nghiệp Cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải với một khu đô thị làm hạt nhân phát triển lâu bền, xây dựng cảng biển và các nhà máy trong giai đoạn hai góp phần đưa Trường Hải trở thành một trong những nhà sản xuất, lắp ráp và phân phối ô tô hàng đầu tại Việt Nam.

Chỉ sau đó ít ngày, ngành sản xuất công nghệ cao lại chứng kiến một lễ động thổ mới tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, thành phố Hải Phòng, do Công ty TNHH LG Display Việt Nam thực hiện với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD. Đó cũng là công trình đưa cái tên Hải Phòng trở thành dẫn đầu thu hút đầu tư vào khu công nghiệp của năm 2016.

Một công trình khởi đi từ khảo sát thị trường đến giải quyết hàng trăm vấn đề từ mặt bằng, môi trường đến cung ứng lao động, chính sách xuất nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa thì cũng dựa trên các điều kiện khởi thủy như ông bà ta đúc kết là "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa".

Những dự án phải chờ đợi từ 5 - 10 năm mới có lễ động thổ, chờ đến 20 năm mới trở thành một khu vực kinh tế bề thế, với biết bao hỷ nộ ái ố cho những nhà thực hiện chính sách lẫn nhà đầu tư. Đã nhận giấy phép đầu tư, đã động thổ là cơ hội vàng để phát triển. Khỏi phải bàn về kinh tế từng vùng sẽ vượt lên như thế nào với những nguồn vốn như vậy đổ vào, ấy thế mà vẫn có biết bao ưu tư...

2. Cháu tôi là một thanh niên lanh lợi và rất có nhiệt huyết với cuộc sống, tương lai của bản thân. Một hôm nói chuyện, cháu tâm sự đã bỏ chân công chức để ra ngoài làm thuê cho ngành du lịch, lấy kinh nghiệm chờ về quê đầu quân cho công trình tỷ đô. Tôi bỗng nhớ những đứa trẻ quàng khăn đỏ đi vẫy cờ chào quan khách về dự lễ động thổ Khu Du lịch - Nghỉ dưỡng Nam Hội An. Giây phút ấy tôi cảm nhận được niềm vui trẻ thơ rất thật.

Theo tiến độ thì chính lớp trẻ con tiểu học hôm nay sẽ là những lao động tương lai của khu phức hợp nghỉ dưỡng khổng lồ này. Tôi biết dân quê tôi náo nức lắm, thỏa mãn lắm với công trình này, dù không mấy ai tính ra được cơ hội của mình là bao nhiêu trong con số 4 tỷ đô đổ vào vùng đất này. Tôi đã chứng kiến suốt chiều dài tỉnh Quảng Nam, bờ biển san sát các công trình du lịch đã và đang hoàn thiện.

Người dân quê trực tiếp va chạm với quá trình giải tỏa mặt bằng, xáo trộn cuộc sống, được - mất cũng đã thấm nhiều. Những ngôi nhà vẫn bé nhỏ, xiêu vẹo bên cạnh các resort mà mỗi đêm khách phải trả từ 300 - 1.000 USD. 

Cơ hội mà người dân sống cạnh các công trình sang trọng chỉ là lao động phổ thông, như nhổ cỏ trồng hoa trong sân golf, rửa chén bát ở nhà hàng, chỉ một số ít người trẻ có thể tìm được việc làm thích hợp.

Nhưng thấy đồng lương của người lao động mà không khỏi giật mình xót xa. Có những phụ nữ làm nghề lau dọn 10 giờ đồng hồ một ngày trong một khu resort mỗi tháng nhận được 2,8 - 3 triệu đồng tiền công. Nhưng không làm thì cũng không biết làm gì hơn, vì đất vườn, đất ruộng đã lọt vào khu du lịch từ lâu.

Nhiều lao động phổ thông thu nhập thấp trong các công trình tỷ đô

Sự lúng túng trong xoay chuyển cuộc sống của người nông dân ở các vùng đất có công trình đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài đã là chuyện nói từ rất lâu. Đôi khi người ta mỉa mai, lương của 500 công nhân nhà máy gộp lại chỉ bằng lương của 20 nhân sự quản lý cao cấp nhà máy đó.

Cuộc sống có sự phân chia như thế, không thể nói đó là vô lý. Nhưng làm thế nào để thế hệ các bé quàng khăn đỏ hôm dự lễ động thổ Khu Du lịch - Nghỉ dưỡng Nam Hội An không đứng ngoài lề của công trình khổng lồ hoạt động ngay tại quê hương chúng, thì sự phát triển đó mới đáp ứng được tiêu chuẩn "nhân hòa".

Tại sao phải chứng kiến có những dự án, những công trình đầu tư nước ngoài luôn gây tâm lý bất an trong dân chúng, trong dư luận, lúc thì về an ninh, trật tự, lúc về môi trường. Nhân hòa thì Thaco là một điển hình, khi đơn vị này xây dựng đô thị, mở trường cao đẳng nghề, tuyển dụng công nhân tại địa phương, biến một vùng đất hoang trở thành khu kinh tế sầm uất, với nền tảng tốt về xã hội.

Mời gọi, thu hút đầu tư những công trình tỷ đô, thậm chí chục tỷ đô là rất khó khăn, nhưng để cho sự đầu tư ấy thật sự đóng góp vào sự phát triển một vùng đất, con người nơi đó được hưởng lợi, thì những con số tỷ đô mới thuyết phục được lòng dân!

>Khi hẻm nhỏ lên đời

>Xin dừng cuộc đua nghìn tỷ!

>Trí tuệ nhân tạo - cuộc đua tỷ đô

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những công trình tỷ đô và lòng dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO