Môn đăng hộ đối, em làm khổ tôi!

THIÊN THANH| 16/08/2015 06:49

Đôi khi, "môn đăng hộ đối" không loại bỏ được một mối tình sét đánh, mà ngược lại, "đôi đũa lệch" vẫn có thể cố gắng hoàn thiện mình để phù hợp với cuộc sống mới, để giữ gìn hạnh phúc.

Môn đăng hộ đối, em làm khổ tôi!

"Tại sao ca sĩ lại cặp với cầu thủ?", đứa con gái mới lớn hỏi tôi.

Đọc E-paper

Cha mẹ cứ nhắc nhở con cái có tìm bạn đời thì hãy nhớ câu "môn đăng hộ đối" để hôn nhân bền vững. Nghe vậy thì bọn trẻ cười khẩy, cũ quá, cổ hủ quá, thời đại bùng nổ mạng xã hội, có thể làm bạn của tiến sĩ toán học danh tiếng nữa mà cha mẹ vẫn cứ khư khư phải "môn đăng hộ đối". Thế nên nó mới hỏi tại sao ca sĩ nổi tiếng kia cặp với cầu thủ nổi tiếng nọ.

Trả lời: có điểm chung là sự nỗ lực vượt khó để thành danh. Nhà toán học có tư duy logic rất gần với âm nhạc nên cũng có thể kết hôn hoặc tìm thấy tình yêu với một nhạc sĩ hoặc ca sĩ. Nó nói nếu cứ bắc cầu kiểu ấy thì bất cứ ai cũng có thể là "môn đăng hộ đối" và câu nhắc nhở này không cần bàn đến nữa.

Có đơn giản và cổ hủ không ý nghĩa của lời nhắc nhở từ ông bà mình về chuyện kết hôn "môn đăng hộ đối"? Có bao giờ một thẩm phán của Tòa án Hôn nhân gia đình phải băn khoăn, cố tìm một điểm chung để giải hòa mâu thuẫn của một cặp vợ chồng trẻ đòi ly hôn mà lý do đơn giản là "không hợp"?

Bọn trẻ bây giờ không xem "Chuyện tình Lan và Điệp" nữa, Điệp chạy theo giấc mơ giàu sang, phụ bạc làm Lan phải vào chùa nay cũ rồi. Phân tích tại sao Điệp không thể tìm thấy hạnh phúc trong dinh thự của con gái nhà quan mới là quan trọng!

Không phải tôi không có niềm tin rằng tình yêu, sự lãng mạn luôn bất diệt, nhưng cuộc sống của người trẻ nay sao nhẹ nhõm, họ sẵn sàng để lại sau lưng một ký ức. Bọn trẻ chỉ biết sống đúng với hiện tại, không đủ trách nhiệm với quá khứ hay tương lai, và đổ hết cho cuộc sống.

Một lần chứng kiến một cặp vợ chồng trẻ bồng đứa con ba tuổi đến tòa để chia tay. Vẫn lý do "không hợp", đến khi bắt đầu vào thủ tục phân chia tài sản, trách nhiệm, mới thấy ý nghĩa quan trọng của câu "môn đăng hộ đối" ông bà để lại. Nó nằm ngay ở hai nền tảng văn hóa khác nhau, chứ không phải ở sự mâu thuẫn về vật chất.

Người chồng nói: "Nó là con gái, không thể ở với gia đình có nhiều người say xỉn, hay văng tục của cô ta". Người vợ trả miếng ngay: "Tôi không muốn con tôi lớn lên thành thứ người kiêu căng, tự mãn, học đòi trí thức, sống giả nhân giả nghĩa". Chỉ chuyện ai có quyền nuôi con đã thấy lệch pha "môn đăng hộ đối", đâu cần nói tới giàu nghèo mới nên chuyện chia rẽ.

Chính vì thế, khi chứng kiến câu chuyện của gia đình người bạn mới thấy tình yêu có những điều kỳ diệu. Một chàng trai mới lớn bỗng yêu một bà mẹ trẻ đã có hai con. Khỏi nói họ đã vượt qua khó khăn như thế nào để có một đám cưới. Chàng công tử con nhà văn nghệ sĩ danh tiếng kém cô biên tập viên nhà xuất bản 15 tuổi.

Ai cũng nghĩ hẳn người phụ nữ lắm chiêu bỏ bùa mê thuốc lú cho chàng trai mới lớn. Khó khăn đến mức có một thời gian dài họ phải tìm việc làm ở các dự án và ra nước ngoài sống và học tập để né tránh dư luận.

Năm tháng trôi qua, gia đình ấy vẫn gắn bó bên nhau, người phụ nữ đã đứng tuổi và nhìn vào tình yêu nồng cháy năm xưa trở thành tình bạn bền vững dựa trên nền tảng nghĩa vợ chồng và tri thức. Ở trường hợp này, "môn đăng hộ đối" đã không giúp loại bỏ được mối tình chớp nhoáng, sét đánh, mà "đôi đũa lệch" năm nào đã cố gắng hoàn thiện mình để phù hợp với cuộc sống mới, để giữ gìn hạnh phúc.

Tuy nhiên, mấy cặp có được cái may mắn và nghị lực đó! Vì vậy, nhiều chàng trai, cô gái vẫn phải thốt lên: "Môn đăng hộ đối, em/anh làm khổ tôi!".

>5 nền tảng của hôn nhân hạnh phúc

>7 bí quyết nuôi dưỡng tình bạn trong hôn nhân

>Vợ chồng cùng bàn luận tài chính

>Gia đình là tài sản gì?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Môn đăng hộ đối, em làm khổ tôi!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO