Đồng bằng sông Cửu Long đối diện thiên tai lịch sử

DƯƠNG XUÂN PHÁT/DNSGCT| 21/03/2016 06:34

Đồng bằng sông Cửu Long đang hứng chịu trận hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất từ gần 100 năm nay.

Đồng bằng sông Cửu Long đối diện thiên tai lịch sử

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với 18 triệu dân, là nơi cung cấp 90% lượng gạo và 60% lượng thủy sản xuất khẩu, đang hứng chịu trận hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất từ gần 100 năm nay, mà theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát là chúng ta đang trải qua một thiên tai lịch sử.

Đọc E-paper

Tai họa nhiễm mặn đã và đang tàn phá nặng nề các vùng trồng lúa và cây ăn trái, các khu rừng, ảnh hưởng tới ngành nông nghiệp và chăn nuôi, cũng như gây ra nạn thiếu nước ngọt ở nhiều tỉnh thành phía Nam.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết hạn hán và nước mặn xâm lấn đã phá hỏng nhiều đồng lúa, thiệt hại trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng Việt Nam. Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo ngoại trừ TP. Cần Thơ và hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp, tất cả các địa phương ở ĐBSCL đang bị nước mặn xâm lấn trong năm nay.

Hiện tượng El Nino kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến tình hình biến đổi khí hậu ở nước ta. Mùa mưa kết thúc sớm, dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông thấp nhất trong 90 năm là nguyên nhân khiến xâm nhập mặn xuất hiện sớm ở hơn chục tỉnh thuộc ĐBSCL. Riêng Đồng Tháp và Cần Thơ chưa bị mặn tấn công, song lại bị nắng hạn hoành hành.

Dự báo, thiên tai gay gắt kéo dài, nguy cơ 500.000 ha lúa Hè Thu không thể xuống giống, tác động nghiêm trọng đến đời sống của 1 triệu hộ dân, tương đương 5 triệu người.

Thế nhưng không chỉ có thiên tai mà còn do tác nhân của con người. Có thể thấy đó là sự phát triển kinh tế không đặt trọng tâm vào việc bảo vệ môi trường trong thời gian dài suốt 20 năm thời kỳ đầu đổi mới đã khiến hầu hết những dòng sông trên cả nước bị ô nhiễm, người dân càng ngày càng chịu áp lực nặng nề về nguồn nước sinh hoạt, phần vì dân số gia tăng, phần vì tình trạng phá rừng khiến cho nguồn nước không còn được thanh lọc tự nhiên.

Việc xây đập thủy điện, đập chứa nước bị lạm dụng và không nghiên cứu thấu đáo các tác động môi trường cũng làm cho nguồn nước càng ngày càng tệ hại hơn. Trong khi đó chính sách quản lý môi trường nước và quản lý môi trường nói chung, dù có trên luật, nhưng người thừa hành không thực hiện được vì thiếu một hệ thống kiểm soát hữu hiệu.

Những nguy cơ về ô nhiễm nguồn nước và mực nước mặn gia tăng do lượng nước sông chảy ra biển không còn đủ để đẩy lùi nhiễm mặn, việc phá rừng đặc biệt là rừng tràm, rừng đước để nuôi tôm hay cá ba sa cùng tất cả các nguy cơ về nước hoặc rác phế thải đều được những nhà chuyên môn, giới khoa học trong cũng như ngoài nước cảnh báo, nhưng tiến độ giải quyết không đáp ứng được nhu cầu bảo vệ môi trường.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục này là do hiện tượng suy thoái các con sông. Ông khẳng định thủ phạm của sự suy thoái đó chủ yếu là do quá trình phát triển hồ chứa ở thượng nguồn. Theo Thứ trưởng Thắng, đây là vấn đề lâu dài nhưng phải gấp gáp tìm giải pháp, nếu không một, hai năm nữa nước về ngày càng ít, mặn sẽ vào rất sâu ảnh hưởng không lường hết đến sản xuất nông nghiệp của nước ta.

Phải chăng đây là sự trừng phạt đối với những hành vi tàn phá thiên nhiên do con người gây ra?

Theo nguồn tin mới đây, Cục Thủy lợi Hoàng gia Thái Lan đang nghiên cứu việc chuyển dòng cửa sông Loei - một nhánh của sông Mê Kông - để đưa nước đến các vùng nông nghiệp ở đông bắc nước này. Dự án sẽ mang lại an ninh nước cho Thái Lan là quốc gia ở thượng nguồn Mê Kông, mà Việt Nam là quốc gia ở hạ nguồn, bị tác hại không nhỏ trong mùa khô, nước sẽ bị ngăn lại, không chảy nhiều vào sông Mê Kông. Khi hoàn thành, dự kiến 2 tỷ mét khối nước sẽ được chuyển dòng qua hầm dẫn mỗi năm, mang lại lợi ích cho 1,7 triệu hộ gia đình Thái Lan nhưng gây thiệt hại cho hàng triệu hộ gia đình ở ĐBSCL.

Do nằm ở hạ nguồn sông Mê Kông, Việt Nam trong những năm gần đây đã gánh chịu hậu quả của việc các nước Trung Quốc, Lào, Thái Lan xây đập hoặc nắn dòng ở các vị trí cao hơn trên con sông chảy từ Trung Quốc qua 6 quốc gia.

Giáo sư Võ Tòng Xuân - nhà nông học nổi tiếng với nhiều công trình nghiên cứu về ĐBSCL - đã từng cảnh báo rằng Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phải gánh chịu tác động to lớn, chưa thể lường trước từ các dự án thủy điện và đập ở thượng nguồn, bao gồm thiếu hụt nguồn nước ở hạ lưu; xâm nhập mặn nghiêm trọng; suy giảm lượng phù sa bồi đắp cho đồng bằng từ 26 triệu tấn/năm xuống còn 7 triệu tấn/năm; tổn hại nguồn lợi thủy sản từ 500 triệu đến 1 tỷ USD mỗi năm.

Để kiểm soát xâm nhập mặn trong khu vực, thời gian qua nhiều hệ thống công trình thủy lợi, đê ngăn mặn đã được quan tâm đầu tư xây dựng như Quản Lộ – Phụng Hiệp, Tứ giác Long Xuyên, Ô Môn – Xà No, Nam Mang Thít, Gò Công, Bảo Đinh…

Các công trình này đã phần nào làm giảm thiểu đáng kể thiệt hại cho người dân. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực kinh tế và đời sống dân sinh tại 9/13 tỉnh, thành phố trong khu vực gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau và Hậu Giang vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi xâm nhập mặn.

Trở lại tình hình hiện nay, Bến Tre có hơn 70% diện tích gieo trồng bị thiệt hại; riêng Cà Mau, Kiên Giang bị ảnh hưởng sớm bởi xâm nhập mặn từ cuối năm 2015, tổng diện tích lúa bị thiệt hại của 2 tỉnh này ước tính gần 85.000ha.

Xâm nhập mặn cũng đang ảnh hưởng đến các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Bạc Liêu. Thống kê sơ bộ, toàn vùng ĐBSCL hiện có hơn nửa triệu người bị thiếu nước sinh hoạt do tình trạng nhiễm mặn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo mùa khô năm 2015 - 2016, xâm nhập mặn có khả năng kéo dài đến đầu tháng 6/2016, muộn hơn cùng kỳ trung bình nhiều năm khoảng gần 2 tháng.

Hệ thống thủy lợi ở ĐBSCL chưa hoàn chỉnh lại đang quá tải trước cơn thiên tai lịch sử này. Tại các khu vực sông Vàm Cỏ, sông Tiền, sông Hậu, nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền 45 – 93km. Kế đó là khu vực ven biển miền Tây độ mặn xâm nhập 60 – 65km, sông Hậu 55 – 60km. Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận xét điều này chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc xâm nhập mặn.

Đối với vụ Hè Thu năm 2016, nếu tình hình khô hạn tiếp tục kéo dài đến hết tháng 6/2015, toàn vùng sẽ có khoảng 500.000ha không thể xuống giống đúng thời vụ do thiếu nước, chiếm hơn 40% diện tích các tỉnh ven biển và khoảng gần 30% diện tích gieo trồng toàn khu vực.

Nhiều địa phương đã đưa ra các giải pháp để đối phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn hiện nay như rà soát, sửa chữa hoặc xây mới các công trình cống, đê đập ngăn mặn; tiếp tục nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng để đảm bảo việc lưu thông dòng chảy, tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt; lắp đặt thêm các trạm bơm phục vụ tưới tiêu; hỗ trợ người dân xây dựng các bể chứa nước ngọt, máy lọc nước hộ gia đình; tập trung bố trí lịch thời vụ hợp lý, chọn các loại cây trồng ngắn ngày chống chịu tốt hạn mặn cho năng suất cao.

Những diễn biến về nguồn nước ngày càng phức tạp đến mức báo động đã khiến Chính phủ phải tổ chức một hội nghị tại Cần Thơ để bàn các biện pháp cấp bách khắc phục tình hình. Tại đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ Đông Xuân 2015 - 2016 với tổng kinh phí trên 623 tỷ đồng.

Ngoài ra còn hỗ trợ 215 tỷ đồng cho các địa phương để mua giống, khôi phục sản xuất cho các diện tích bị thiệt hại do hạn hán – xâm nhập mặn. Đặc biệt là tạm ứng hỗ trợ khẩn cấp kinh phí phòng, chống hạn hán – xâm nhập mặn để đắp đập tạm, cấp nước sinh hoạt cho các địa phương trong khu vực, mỗi địa phương khoảng 50 tỷ đồng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị cũng đã chỉ đạo toàn bộ các bộ, ngành trung ương, trong đó có hệ thống ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách, vào cuộc cùng với các địa phương. Thế nhưng tất cả cũng chỉ mang tính đối phó.

Bài toán nông nghiệp trong điều kiện nguồn nước có tính lâu dài đang được các nhà khoa học giải quyết trong đó có việc tạo giống lúa mới chịu được mặn và các kỹ thuật đưa nước từ vùng cao về vùng thấp để đẩy lùi nhiễm mặn. 

>Đập thủy điện Lào, Trung Quốc "đe dọa" sông Mê Kông

>Sông Mê Kông cạn kỷ lục, hàng chục triệu người bị ảnh hưởng

>Đô thị hóa bất hợp lý, châu Á gánh nhiều thiên tai

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đồng bằng sông Cửu Long đối diện thiên tai lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO