Chuyện nghề báo

Nhóm phóng viên| 16/06/2022 06:00

Với tình yêu nghề, tinh thần trách nhiệm, các nhà báo luôn hết mình với những bài viết, những tấm ảnh, đoạn phim. Để có những tác phẩm chất lượng cao, họ đã dấn thân vào thực tế, vào hiểm nguy, vượt qua những hạn chế bản thân. Đằng sau mỗi tác phẩm báo chí của họ là những trăn trở vui buồn...

Nhà báo Phạm An - Báo Phụ Nữ TP.HCM: Báo chí phải luôn hướng thiện

An bước vào nghề báo đơn giản là muốn kiếm tiền nhuận bút đóng học phí. An nghĩ TP.HCM đông dân, cuộc sống muôn màu sẽ có vô số vấn đề có thể khai thác, thế là An lao vào viết. Buổi đầu, An hụt hẫng và rất nản, có phần hoang mang khi khá nhiều tin, bài gửi đến các tòa soạn nhưng không có nổi một bài, một tin được đăng. 

Từ thất bại đó, An chọn đề tài và cách viết khác. Thế rồi bài viết về chị Thanh - một trong những người đầu tiên gầy dựng, nuôi dưỡng đàn bồ câu ở nhà thờ Đức Bà được đăng. An nhận ra đề tài báo chí đâu cần "cao siêu", chỉ cần phản ánh sinh động cuộc sống thường nhật, có tính nhân văn, nhân vật có thể truyền cảm hứng là phù hợp với một sinh viên năm nhất như An.

Phạm An thường cân nhắc nội dung bài viết liên quan đến cuộc sống của nhân vật. Lằn ranh trắng đen rất mong manh, vì vậy trước khi thực hiện bài viết phải kiểm chứng, xác minh kỹ về nhân vật, sự việc. Bài viết chắc chắn không làm hài lòng tất cả người đọc, thậm chí bị chê bai. An tiếp nhận ý kiến của bạn đọc trên tinh thần cầu thị nếu họ phản biện đúng.

Điều đáng tiếc là đã có những nhân vật trước khi "lên báo" rất tốt nhưng khi có chút tiếng tăm thì sa ngã. Thậm chí, từng có nhân vật tố cáo ngược lại tác giả. 

Pham-An-2-7245-1655179581.jpg

An không thể quên chuyện một phụ nữ quỳ ở góc đường giữa trời nắng như đổ lửa để xin tiền người qua kẻ lại. Ngày nào chị cũng khóc sưng mắt với khát khao xin đủ tiền chữa bệnh cho con. An viết bài hỗ trợ. Từ bài báo đó, nhiều người gửi tiền giúp đỡ chị. Từ trắng tay bỗng nhiên được tài sản lớn, chị ta lao vào đỏ đen, không đưa con đến bệnh viện, cố ý kéo dài bệnh tật của đứa trẻ để được thêm tiền. An bị ám ảnh bởi vết thương ở đứa bé ngày càng nặng do nhiễm trùng vì không được chạy chữa, bối rối không biết bài viết của mình đúng hay sai! 

Năm 2017, An thực hiện phóng sự về một phụ nữ bơm silicon dạo gây hậu quả nghiêm trọng cho nhiều người. Lúc thâm nhập vào "ổ”, lén ghi hình hành vi xăm chân mày, tiêm silicon tại nhà của đối tượng, An bị phát hiện, bị hăm dọa rạch mặt nếu không chịu xóa những clip ấy. Nhưng bằng nghiệp vụ, An vẫn giữ lại được một clip quý giá trong chuyến điều tra ấy. Khi tuyến bài được Báo Phụ Nữ TP.HCM đăng tải, mỗi ngày, An nhận được nhiều cuộc gọi, tin nhắn đòi... thanh toán, cho đến khi ban biên tập nhờ công an can thiệp, An mới thoát khỏi sự đe dọa.

Trong những đợt bùng phát Covid-19 vừa qua, An tận mắt chứng kiến  những bệnh nhân phải ra đi trong cô độc. An nghĩ bản thân mình và đồng nghiệp nếu không đủ bản lĩnh và khát khao làm nghề thì rất khó vượt qua nỗi lo sợ lây nhiễm virus nCoV. 

Hơn 12 năm làm nghề, thời gian đủ để An nhận ra nghề báo đáng được trân trọng. Đôi lúc quá mỏi mệt, An nghĩ đến chuyện bỏ nghề, nhưng mỗi lần nghĩ đến lại thấy thương nghề. Thương những gì bản thân đã trải qua, những nhân vật mình gặp gỡ.

Có lần, trong lúc tưởng chừng như phải buông bỏ, An đi viết phóng sự về những người bán hàng rong. Có một chị bán kính chiếu hậu ở đường Tân Kỳ Tân Quý nói với An: "Đừng quá lo lắng, buồn phiền hay trách móc khi nghe ai đó nói không tốt về mình". An đứng  trước những tấm "gương chiếu hậu" này, ở mỗi vị trí của chiếc gương, hình dáng An tròn, méo khác nhau. Người mà An tiếp xúc cũng vậy, họ chỉ nhìn An ở một góc. Người thông minh, người có tâm sẽ tìm hiểu về An chứ không vội vàng nhìn cái bóng trong gương mà kết luận.

Học và đặt câu hỏi đủ thứ, từ các anh chị đi trước, ở các phóng viên đàn em, bởi mỗi người có một thế mạnh mà An có thể học hỏi được trong quá trình tác nghiệp. An nghĩ, người khác làm được, mình cũng làm được, làm tốt hay không tốt sẽ tính sau. 

Tuổi nghề báo của An còn ít, chưa dám gọi là thành công, nhưng để đi được với nghề, bên cạnh bồi dưỡng kiến thức, sự cầu thị, bản lĩnh, quan trọng nữa là biết thương nghề...

Nhà báo Ngô Trần Hải An: Mỗi sự kiện, mỗi chuyến đi đều mang đến những cảm xúc đặc biệt

Gần 10 năm làm báo ở vị trí phóng viên ảnh, mỗi sự kiện, mỗi chuyến đi đều mang đến cho tôi cảm xúc đặc biệt. Ví như sự kiện đón Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam hồi năm 2016, sự kiện Hội nghị APEC 2017 hay SEA Games 29, mới nhất là SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam. Tôi còn được đi chụp ảnh các giải đấu của các đội tuyển bóng đá Việt Nam như KingCup, AFF Cup, hoặc chụp ảnh Đức Giáo hoàng thăm Thái Lan...

Tôi không thể nào quên được chuyến tác nghiệp ở quần đảo Trường Sa, xuất phát từ Vũng Tàu, trong hành trình 10 ngày cùng với Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải Biển Đông và Hải đảo (trực thuộc Tổng công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải Miền Nam) để tiếp tế lương thực, thực phẩm cho cán bộ, công nhân làm việc tại các ngọn hải đăng.

Quần đảo Trường Sa có 9 ngọn hải đăng, 4 ngọn đèn biển; trong đó hải đăng Tiên Nữ nằm ở vị trí xa nhất về phía Đông trên lãnh hải Việt Nam, được xem là điểm đón bình minh đầu tiên của nước ta, hoặc Đá Lát là ngọn hải đăng cao nhất. Rồi những hải đăng ở đảo Trường Sa Lớn, hải đăng trên đảo An Bang, trên đảo Sơn Ca, Song Tử Tây...

Ngo-Tran-Hai-An-9878-1655179581.jpg

Tôi nhớ nhiều đến chuyến đi ấy không phải vì đến thời điểm này, mình là một trong số rất ít phóng viên đi đủ 9 ngọn hải đăng và 4 ngọn đèn biển ở quần đảo Trường Sa, mà hành trình ấy đã cho tôi cảm nhận được sự gian nan, vất vả của những cán bộ, công nhân đang ngày đêm, bất kể nắng mưa, giông bão vẫn miệt mài giữ sáng ngọn đèn giúp ngư dân đánh bắt xa bờ định đúng hướng và có thể lánh nạn, trú bão.

Hôm ấy, khi đoàn chúng tôi đến đảo Đá Tây vào lúc thủy triều rút nên tàu không thể cập bờ, phải dùng ca nô nhỏ để tiếp cận nhưng sóng mạnh quá không lên bờ thăm các anh được, phải thả dây để tiếp tế lương thực, thực phẩm.

Nếu Trường Sa Lớn, Sơn Ca, Song Tử Tây là đảo nổi, đời sống của anh em cán bộ, công nhân canh giữ hải đăng đỡ khó khăn hơn vì "có không gian" thì khi đến những đảo chìm như Đá Lát, Tiên Nữ hay Đá Tây, diện tích xây dựng rất nhỏ, các anh sống trong điều kiện hết sức chật hẹp.

Tôi đã xúc động đến rơi nước mắt khi chứng kiến điều kiện sống của các anh nơi đây. Chỉ trong khoảng không gian chưa tới 20 mét vuông, các anh vừa làm chỗ ngủ, vừa làm bếp, nơi ăn uống và có cả khu vực trồng rau. Các anh "tiết kiệm nước ngọt" bằng cách ngồi vào thau để tắm rồi lấy loại nước đã sử dụng ấy để tưới rau. 

Thời tiết ở đảo khắc nghiệt, việc trồng được luống rau đòi hỏi nhiều công phu. Chính vì thế, ở đảo cá thì không thiếu nhưng rau thì vô cùng hiếm. Bó rau muống đem lặt chỉ dám bỏ những lá đã vàng ố, cọng già giữ lại hết.

Điều kiện sinh sống rất khó khăn như vậy nhưng các anh làm việc trên những ngọn hải đăng chênh vênh giữa trùng khơi vẫn luôn lạc quan, yêu đời.

-----------------------------------------

NGHỀ BÁO DƯỚI GÓC NHÌN CỦA BẠN TRẺ

Không chỉ "màu hồng"

IMG-0008-JPG-9833-1655179581.jpg

Hồi mới vào đại học, tôi cứ nghĩ làm báo là một công việc được tự do bay nhảy, nay tham dự sự kiện chỗ này, mai gặp người nổi tiếng nọ. Nghề báo trong mắt một đứa trẻ mới bước vào đời toàn một màu hồng, đầy ước mơ. Nhưng càng lớn, những ước mơ càng xa. 

Nhiều lúc gửi bài về tòa soạn, câu trả lời là một khoảng lặng nhiều tuần liền. Những bài viết gửi phải chấp nhận bị gạch bỏ sạch vì những câu từ lủng củng, ngây ngô. Nhiều đêm, áp lực tin bài đè nặng, khiến bao giấc mơ về nghề báo vỡ tan thành dòng nước mắt. Nhưng sau tất cả những điều đó, nghề làm báo mang lại cho tôi sự trưởng thành và tinh thần trách nhiệm.

Nghề báo cho tôi cơ hội để trải nghiệm sâu hơn vào mọi mặt của đời sống xã hội, tạo cơ hội để tôi được cười, được khóc và được trải nghiệm số phận của muôn vạn loại người. Từ đó, biết yêu thương và trân trọng cuộc sống hơn.

Người ta thường nhìn những người viết báo như những người được "an nhiên tự tại" với ngòi bút của mình. Nhưng đằng sau sự "ung dung" đó là cả một trách nhiệm nặng nề. Trách nhiệm với những điều mình nghĩ, mình viết. Chỉ cần một lần thiếu tập trung, một suy nghĩ lệch, một câu viết chưa chính xác, ta có thể đưa chính mình và nguồn tin lên "giàn hỏa thiêu". Điều đó đòi hỏi tôi phải luôn tập trung, suy tư và trau dồi ngòi viết của mình.

Trong đời làm báo, chắc hẳn ai cũng từng ít nhất một lần đối mặt với những cám dỗ. Nghề báo dạy tôi rằng phải luôn tỉnh táo và công tâm trước những điều mình thấy và nghe, không được nói yêu thành ghét. Nghề báo cho ta cơ hội để tiếp cận sự thật trong đời sống, cho ta được sống đúng với lương tâm. Dù nghề báo không còn là giấc mơ màu hồng như từng nghĩ, nhưng khi được hỏi có tiếp tục theo đuổi nó hay không, tôi sẽ không ngần ngại gật đầu ngay lập tức. Vì nghề báo sẽ cho tôi con đường để sống và yêu cuộc đời này hơn.

Anh Tuấn

Vì sao tôi chọn nghề báo?

Tôi là sinh viên năm 3 khoa báo chí và truyền thông. Vì sao tôi chọn nghề báo? Đó là một câu chuyện vừa non nớt vừa buồn cười. Chắc hẳn, trước khi quyết định thi vào một trường nào đó, các bạn phải tìm hiểu rất kỹ, nhưng với tôi thì không như vậy.

Ba năm về trước, tôi thi vào khoa báo chí nhưng rất mơ hồ về nghề làm báo. Chắc hẳn bạn sẽ hỏi: "Tại sao không biết gì về báo chí nhưng lại chọn ngành báo?". Thú thật, tôi chọn nó chỉ vì đây là ngành có điểm đầu vào khối C cao ngất ngưởng. Lúc đó tôi nghĩ rằng, có lẽ báo chí là một ngành "hot", có nhiều thí sinh đăng ký thì mới có điểm sàn cao như vậy. Phải nói rằng, sự lựa chọn lúc đó của tôi thật táo bạo! Nghĩa là đối với tôi, một ngành nào đó tốt hay không tỷ lệ thuận với điểm đầu vào. Thế là tôi chọn thi vào ngành báo chí với quyết tâm cao. Một phần, tôi có chút năng khiếu học các môn khối C, nên cũng là sự chứng minh năng lực đối với ba mẹ. Vì vậy, ba mẹ tôi vô cùng ủng hộ.

Tinh-5130-1655179581.jpg

Bên cạnh suy nghĩ chọn ngành học phải đi đôi với điểm đầu vào, còn một lý do nhỏ khác để tôi mạnh dạn theo đuổi sự chọn lựa của mình. Năm 18 tuổi, tôi là đứa khá nhút nhát, ít giao tiếp, cũng không giỏi kết bạn. Một ngày nọ, nghe cô giáo dạy văn tâm sự, học trò cũ của cô lúc trước ít nói, rụt rè, nhưng sau khi vào Nam học tập, đặc biệt là môi trường năng động như TP.HCM thì trở nên cởi mở, không còn khép kín như xưa. Vừa hay, tuy tôi còn rất mơ hồ về nghề báo, nhưng tôi biết môi trường báo chí rất năng động, buộc con người phải xông vào cuộc sống, phải thể hiện bản lĩnh; phải đấu tranh để bảo vệ điều thiện, bảo vệ sự thật, chống lại cái ác và thói giả dối... Vì thế, tôi đăng ký thi vào ngành báo chí với niềm tin mãnh liệt: "Tôi sẽ chủ động, tôi sẽ tự tin, giao tiếp tốt hơn, cởi mở hơn và đặc biệt sẽ trưởng thành hơn trước".

Quả thật, sau 3 năm theo học, ngành báo đã đổi thay tôi nhiều thứ. Tôi học được sự tự tin bày tỏ quan điểm trước đám đông, học được sự chủ động qua mỗi lần tác nghiệp, học được cách giữ cho ngòi bút không "tà” khi đối mặt với nhiều mối quan hệ phức tạp... Và còn học được nhiều điều hơn thế nữa.

Ba năm qua, tôi không hề hối hận khi chọn ngành báo chí. Tôi không dám chắc sẽ theo nó cả đời, nhưng luôn cảm thấy hạnh phúc khi đi trên con đường dài và rộng mang tên "báo chí”.

Tỉnh Châu

Nghề báo trong mắt tôi…

Khi tôi bước vào con đường báo chí, tôi đã yêu nghề báo từ lúc nào không hay!

Từng có những ác cảm với báo chí, từng cho rằng báo chí chỉ toàn những tin bài lá cải nhan nhản trên khắp các trang mạng xã hội, từng có lời khuyên "Em viết tốt đó, sau này đi làm nhà báo chắc hợp"... Và một cơ duyên nào đó, tôi lại vào Sài Gòn theo học ngành báo chí. Tại môi trường mới, được học, được thực hành, được gặp gỡ thường xuyên với các anh chị phóng viên, tôi mới hiểu được rằng những đánh giá của mình là thiển cận, là chủ quan biết bao nhiêu. 

IMG-4725-JPG-3955-1655179582.jpg

Nghề báo là một chân trời mới, nơi mà tôi được hiểu hơn về xã hội, về đời sống, về những người xung quanh và cũng là để hiểu chính bản thân mình hơn.

Vẫn nhớ bài báo đầu tiên tôi viết. Gọi là "bài báo" thì có vẻ hơi quá, bởi đó là những dòng chữ còn ngô nghê của một đứa sinh viên năm nhất. Nhân vật đầu tiên trong sự nghiệp báo chí ít ỏi của tôi là một cô gái bị bệnh xương thủy tinh, suốt đời phải ngồi xe lăn. Đáng buồn hơn, cô gái ấy mồ côi mẹ, cha thì có gia đình khác và bỏ rơi cô. Cô và anh trai sống nương tựa lẫn nhau trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Tôi đã khóc khi gặp cô gái kia, lần đầu tiên trong đời tôi rơi nước mắt vì một người xa lạ. Cô gái mắc bệnh xương thủy tinh nhưng ý chí và nghị lực của cô cứng cáp, vững vàng như sắt thép. Chính cô gái ấy đã cho tôi rất nhiều bài học, cho tôi một động lực để cố gắng và dạy tôi biết quý trọng gia đình hơn. 

Từ nhân vật đầu tiên đến bài viết đầu tiên, tôi đã cảm thấy mình như yêu nghề báo hơn, khao khát muốn đi, muốn lăn xả vào đời sống nhiều hơn, để biết cuộc sống này còn có bao điều tươi đẹp, để thấy rằng mỗi chúng ta đều có một giá trị nhất định và để những trải nghiệm giúp tôi hoàn thiện hơn. 

Nếu ai đó hỏi tôi rằng, nghề báo có hấp dẫn không, có thể một vài năm trước đây tôi sẽ lắc đầu ngao ngán. Nhưng trong thời điểm hiện tại, tôi dám khẳng định rằng nghề báo là một nghề hấp dẫn và đầy thú vị. Bởi nghề báo đã cho tôi lắm thử thách, cho tôi biết băng rừng vượt suối, cho tôi sống với những giây phút lo âu tột độ trong những tình huống gian nan, nguy hiểm. Nhưng chưa bao giờ vì thế mà tôi cảm thấy chán nản hay sợ hãi, bởi tôi là một cô gái thích phiêu lưu khám phá. 

Càng khó khăn, nguy hiểm, tôi càng muốn chinh phục. Nghề báo với tôi không chỉ là việc để nuôi sống bản thân, mà đó còn là một sứ mệnh. Sứ mệnh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự thật. Còn với những "con sâu làm rầu nồi canh", tôi tin rằng sớm muộn xã hội cũng sẽ đào thải mà thôi.

Phan Thương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyện nghề báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO