Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, lạm phát 2019: Phù hợp nhưng áp lực sẽ rất lớn

SONG ANH| 07/12/2018 03:28

Luôn có sự đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát. Tăng trưởng 10% GDP cũng trở thành vô nghĩa nếu người dân bị âm tài sản" - chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực nhận định.

* Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Ông nhận xét thế nào về các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát?

Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 2019

TS. Cấn Văn Lực

- Theo tôi, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát mà Chính phủ trình Quốc hội là phù hợp nhưng không ít áp lực, bởi vì kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng chậm lại trong năm tới. Báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố tháng 10 vừa qua cho thấy, năm 2018 GDP toàn cầu sẽ tăng 2,9% nhưng năm 2019 chỉ tăng 2,5% và có thể ở mức thấp hơn nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang.

Kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh do hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Áp lực sẽ rất lớn với chỉ tiêu giữ lạm phát 4% cho năm tới. Phải rất quyết tâm nước ta mới có thể kiểm soát được lạm phát theo mức ấy, vì giá cả thế giới tiếp tục đà tăng nhẹ. Cạnh đó, đồng đô la Mỹ và tỷ giá còn có thể tăng, trong khi ở trong nước vẫn tồn tại áp lực tăng giá hàng hóa cơ bản.

* Ông nhận xét thế nào về lộ trình tăng giá điện?

- Cuối năm 2017, Chính phủ đã quyết định cho tăng giá điện ở mức 6,08%, theo tôi đó là quyết sách đúng. Vì thế năm 2018, dù giá điện tăng, nhưng nước ta vẫn kiểm soát tốt lạm phát. Nó cho thấy việc tăng giá điện phù hợp về liều lượng và thời điểm.

Chính phủ cân nhắc việc tăng giá điện trong năm 2019, nhưng cần tính toán kỹ để đảm bảo không tăng chi phí quá cao đối với doanh nghiệp và người dân, cũng như không tạo áp lực lên lạm phát. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cải tiến nhiều trong quản lý tài chính nhưng vẫn chịu thua thiệt bởi tỷ giá. Năm 2018, thiệt hại bởi tỷ giá và những vấn đề khác của EVN có thể lên tới 20.000 tỷ đồng. Thiệt hại này có khách quan nhưng cũng có chủ quan. EVN cần nghiên cứu để dự báo đúng rủi ro tỷ giá.

* Có ý kiến cho rằng, kiềm chế lạm phát đồng nghĩa với kiềm chế tăng trưởng, ông nói gì về điều này?

- Luôn có sự đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát. Tăng trưởng 10% GDP cũng trở thành thành vô nghĩa nếu người dân bị âm tài sản. Hiện lạm phát của Việt Nam tương đối cao so với khu vực. Do đó, nước ta thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng không được quên chất lượng tăng trưởng.

* Theo ông thì có cách nào có thể kiểm soát lạm phát ở mức 4% trong năm 2019?

- Theo tôi thì cần làm tốt ba việc quan trọng.  Thứ nhất, phối hợp chính sách cần được thực hiện tốt hơn nữa, đặc biệt là chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và giá cả. Thứ hai, cần tính toán kỹ để có lộ trình tăng giá phù hợp cho những mặt hàng cơ bản, như giá điện, y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội... Thứ ba, cần tiếp tục nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là ổn định mặt bằng lãi suất, quản lý tốt tỷ giá, qua đó giảm bớt lạm phát.

* Nhưng lĩnh vực nào cần quan tâm nhiều nhất trong quá trình kiểm soát lạm phát, thưa ông?

- Lạm phát về cơ bản do yếu tố giá cả. Lạm phát cơ bản năm 2018 dự tính ở mức 1,4 đến 1,5%, cho thấy lạm phát do yếu tố tiền tệ về cơ bản ở mức dưới 2%, một mức tích cực. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản do yếu tố giá cả, hay còn gọi là chi phí đẩy đã có nhiều biến động cả bên trong lẫn bên ngoài.

Đến nay, lạm phát vẫn là con dao hai lưỡi. Lạm phát cao sẽ khiến nền kinh tế không ổn định, doanh nghiệp không yên tâm làm ăn và môi trường đầu tư, kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Do đó, kiểm soát lạm phát là mục tiêu quan trọng, nhất quán của Chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế còn không ít rủi ro và bị tác động từ bên ngoài.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, lạm phát 2019: Phù hợp nhưng áp lực sẽ rất lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO