Cạnh tranh giữa các ngân hàng: Sao cho lành mạnh?

HẢI VÂN thực hiện| 22/02/2017 06:27

Ngân hàng phải cạnh tranh bằng chất lượng, trong đó tính chuyên nghiệp và thái độ ứng xử với khách hàng là quan trọng hàng đầu.

Cạnh tranh giữa các ngân hàng: Sao cho lành mạnh?

Cạnh tranh giành thị phần giữa các ngân hàng ngày càng khốc liệt. Chuyên gia kinh tế Trương Thanh Đức nhận xét: "Ngân hàng phải cạnh tranh bằng chất lượng, trong đó tính chuyên nghiệp và thái độ ứng xử với khách hàng là quan trọng hàng đầu". 

Đọc E-paper

* Lợi nhuận chung của ngành ngân hàng trong năm 2016 đã có sự thay đổi ngôi vị. Ông nhận xét thế nào về điều này?

- Con số lợi nhuận phản ánh tương đối chính xác quy mô và chất lượng kinh doanh của các ngân hàng. Vì lợi nhuận vẫn chủ yếu đến từ tín dụng, nên các ngân hàng có số lợi nhuận cao thường là có dư nợ cho vay cao.

Tuy nhiên, lợi nhuận tăng giảm cao trong năm 2016 lại phụ thuộc rất nhiều vào mấy năm trước đó có trích lập dự phòng nhiều hay ít, hạch toán có đúng, có đủ hay không. Nhìn chung lợi nhuận cả hệ thống ngân hàng tăng đáng kể nhưng hiệu quả kinh doanh vẫn còn khá thấp, nhất là tỷ suất lợi nhuận so với vốn điều lệ, kể cả đối với mấy ngân hàng có số lợi nhuận cao nhất.

* Theo ông, điều gì đã làm nên thành công cho các ngân hàng đang dẫn đầu về lợi nhuận?

- Có 2 điểm đáng chú ý. Thứ nhất là ngân hàng nào có tỷ lệ nợ xấu thấp, tức là phải trích lập dự phòng ít và hoàn dự phòng nhiều thì lợi nhuận cao. Ví vụ như Vietcombank. Thứ hai là mảng cho vay tiêu dùng lãi suất rất cao, nên ngân hàng nào tăng trưởng mạnh mảng này thì có lợi nhuận cao. Ví dụ như VPBank, khoảng một nửa lợi nhuận là do tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính mang lại.

VPBank còn đồng thời thu hồi được nhiều nợ xấu. Doanh thu có được từ các khoản nợ trong hạn sẽ mang lại lợi nhuận thấp hơn nhiều so với thu được từ các khoản nợ xấu, nếu trước đó đã trích lập đủ dự phòng theo quy định.

* Khác biệt về chiến lược kinh doanh và "thời thế” đã tạo nên khoảng cách rất lớn giữa các ngân hàng. Ông nói gì về điều này?

- Khoảng cách rất lớn giữa các ngân hàng không hẳn là do chiến lược kinh doanh. Ví dụ 3 ngân hàng là Vietcombank, Vietinbank và BIDV cùng ra đời mấy chục năm trước và luôn có những lợi thế rất lớn mà các ngân hàng khác không có được nhưng thành quả kinh doanh lại khác nhau.

Riêng Agribank thì do đặc thù là ngân hàng nông nghiệp nên tuy lớn nhất nhưng lại rất khó đạt được hiệu quả kinh doanh cao. Còn các ngân hàng thương mại cổ phần thì kết quả tăng tốc và lợi nhuận khá thất thường, thiếu bền vững. Điều này cũng phản ánh khá trung thực nền kinh tế và tình trạng doanh nghiệp Việt Nam.

* Ông đánh giá thế nào về sự cạnh tranh giành thị phần giữa các ngân hàng hiện nay?

- Với số lượng và quy mô ngân hàng như hiện nay, việc cạnh tranh thị phần khá căng thẳng. Các ngân hàng chưa thực sự cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, mà vẫn còn khá phổ biến tình trạng cạnh tranh bằng lãi suất (tức cạnh tranh giá) và bằng cách giảm tiêu chuẩn cấp tín dụng. Sự cạnh tranh này giữa các ngân hàng là không cân sức và càng nhanh chóng tạo ra khoảng cách lớn hơn.

* Theo ông, giải pháp phù hợp để tạo ra cạnh tranh lành mạnh giữa các ngân hàng hiện nay nên là gì?

- Sau mấy cuộc sàng lọc "thập tử nhất sinh", ngành ngân hàng cũng như thị trường đã "ngộ” ra nhiều điều về kinh doanh ngân hàng. Vì vậy, cạnh trạnh trong lĩnh vực ngân hàng đã đến giai đoạn đi vào chiều sâu, chứ không dựa quá nhiều vào bề nổi như trước đây.

Muốn thu hút được khách hàng vay tiền và sử dụng dịch vụ, thì chất lượng dịch vụ là yếu tố số 1, vượt trên giá cả. Chất lượng dịch vụ gồm nhiều yếu tố, nhưng tính chuyên nghiệp và thái độ ứng xử với khách hàng là quan trọng hàng đầu.

Riêng để cạnh tranh về tiền gửi diễn ra khách quan, sòng phẳng, theo tôi, Ngân hàng Nhà nước cần sớm dỡ bỏ mọi trần lãi suất, cùng với việc thông tin công khai, rộng rãi, chính xác về kết quả xếp hạng và chất lượng hoạt động của các ngân hàng, đồng thời đề ra lộ trình chấp nhận việc phá sản để người gửi tiền cân nhắc trước việc gửi theo mức lãi suất cao hay thấp.

* Ông dự báo thế nào về việc kinh doanh của ngành ngân hàng trong năm 2017?

- Xu thế chung là tốt hơn, bài bản hơn, thực chất hơn và tử tế hơn. Và như vậy thì sự phân hoá giữa các ngân hàng sẽ càng rõ nét. Đây sẽ là năm gần như ngã ngũ ghi dấu kẻ thắng người thua trên "đấu trường nhà băng" để quyết định số phận của các ngân hàng trong chặng đường tiếp theo.

* Cám ơn ông!

>Động lực cho cổ phiếu ngân hàng năm 2017

>Quản trị rủi ro ngân hàng: Kỳ vọng vào Basel III, IFRS 9

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cạnh tranh giữa các ngân hàng: Sao cho lành mạnh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO