Bán nhà nuôi mẹ đơn côi

DƯƠNG HOÀI| 26/11/2009 05:55

Gặp chị vào bình minh sau một đêm mưa tầm tã ở miền sơn cước Dương Bồ, phía Tây tỉnh Quảng Nam.

Bán nhà nuôi mẹ đơn côi

Gặp chị vào bình minh sau một đêm mưa tầm tã ở miền sơn cước Dương Bồ, phía Tây tỉnh Quảng Nam. Chị vừa tất tưởi chạy xe máy gần 50km từ nơi ở lên Trung tâm Dưỡng lão và Đào tạo nghề cho người khuyết tật để xem đêm qua sức khỏe các mẹ thế nào, nhất là khi tiết trời mưa nắng thất thường...

Tuổi thơ của chị Trịnh Thị Lời (1956, quê Bình Tú, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) ngập chìm trong sự thiếu thốn tình cảm của mẹ. Thuở lên năm, Lời đã không còn được nghe tiếng mẹ ru, không còn được nghe mẹ dặn dò mỗi tối. Mẹ lìa trần, các chị em của Lời cũng tan tác mỗi người một ngả. Bố đi kháng chiến chống Mỹ, bị đối phương bắt, tra tấn dã man nên đau ốm suốt, rồi có một người đàn bà khác yêu thương, chăm sóc. Hai người chị của Lời phiêu bạt ra Đà Nẵng ở đợ, làm thêm. Lời vào Tam Kỳ ở với bà cô. Hai đứa em ba tuổi và bảy tháng tuổi được ngoại đưa về nuôi...

Cùng các mẹ trong lúc thảnh thơi

Chăm học, hoàn cảnh mồ côi nên năm nào, lễ Tết gì Lời đều nhận được những suất quà (áo quần, sách vở...) của những người hảo tâm. Cô bé Lời tự hứa với lòng: Sau này có điều kiện sẽ đáp trả công ơn của bao con người nhân ái ấy bằng việc thiện...

Khi thành người lớn, Lời tự đặt ra “tiêu chuẩn” lấy chồng phải là người còn mẹ. “Tôi muốn được sà vào lòng mẹ chồng mỗi lúc vui buồn; muốn được nâng niu tình cảm mẹ con, thứ tình cảm quý giá nhất trên đời mà mình thiếu thốn”, chảy dài hàng lệ, chị tâm sự trong nỗi nhớ mẹ se sắt...

Khi con cái bắt đầu hiểu biết, chị tâm sự với chồng, nói với các con về chuyện xây dựng trung tâm dưỡng lão để chăm sóc các mẹ đơn côi; mở một cơ sở dạy nghề cho các cháu khuyết tật. Để thực hiện ý nguyện ấy, chị vừa dạy học, vừa nuôi heo; cùng chồng kinh doanh xây dựng, kinh doanh cây cảnh để tích lũy tiền mua đất “thủ thế” trước. Sợ đến tuổi hưu mới bắt đầu làm những viêc thiện ấy thì sức khỏe không cho phép, nên chị xin nghỉ dạy sớm, và đầu tháng 10/2008, chị đã được toại nguyện.

Trước khi quyết định xây Trung tâm, chị họp mặt cả gia đình, đi đến quyết định bán nhà và đất mà gia đình đang có. Cuối cùng, ngôi nhà đang ở tại thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình) bán được 600 triệu đồng. Dự tính đầu tư ban đầu khoảng 800 triệu, nên anh chị quyết định bán thêm lô đất 100 triệu và vét hết tiền tích góp 100 triệu nữa để xây Trung tâm.

Hiệp Đức là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, có 40.363 nhân khẩu với 8.600 hộ, 33% hộ nghèo. Mỗi năm huyện thu ngân sách chỉ 5 - 6 tỷ đồng mà chi 55 - 60 tỷ đồng.

Hiệp Đức có 870 thanh thiếu nhi khuyết tật, trong đó chỉ 334 em được đến trường; 250 người già tàn tật, 220 người già không nơi nương tựa.

Theo Phó chủ tịch huyện Hiệp Đức Lê Văn Dũng, nhiều năm qua, huyện đã nỗ lực trong việc chăm lo cho ngườì nghèo, nhưng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ. Bà con nghèo trong huyện đang rất cần sự giúp sức của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để có điều kiện sản xuất, buôn bán nhỏ cải thiện cuộc sống. Về Trung tâm Dưỡng lão và dạy nghề cho trẻ khuyết tật, để tồn tại, nguồn lực cá nhân chị Lời thôi chưa đủ. Muốn duy trì lâu dài cần có sự giúp sức của những tấm lòng hảo tâm.

Hỏi chị sao Trung tâm lại đặt ở Hiệp Đức mà không phải là quê Thăng Bình, chị cho biết: "Có ba điểm có thể xây Trung tâm, đó là Thăng Bình, Quế Sơn và Hiệp Đức. Nhưng trong một lần nói ý định xây Trung tâm với một người bạn, người ấy lại đem chuyện nói lại với lãnh đạo UBND huyện Hiệp Đức, lúc đầu một số vị lãnh đạo rất ngạc nhiên, nhưng ông Lê Văn Dũng, Phó chủ tịch huyện rất “mặn mòi” với ý định của tôi, đã cho mời tôi lên bàn bạc cụ thể”.

Với sự giúp sức của lãnh đạo UBND huyện Hiệp Đức, khuôn viên Trung tâm hình thành trên 5.000m2. Sắp tới, huyện Hiệp Đức sẽ cấp thêm cho Trung tâm 3.000m2 đất bên cạnh để mở cơ sở dạy may cho gần 200 trẻ khuyết tật tại địa phương. Dù bây giờ Trung tâm đã là của cả huyện, của chung, là điểm hẹn của những tấm lòng từ thiện, chị chỉ là người khai phá, nhưng việc quản lý và nhất là việc chi tiêu, nếu không có chị thì khó mà duy trì hoạt động được.

Lúc đầu gia đình dự tính nuôi heo, nuôi gia súc lấy lãi chi phí cho Trung tâm, nhưng việc không thành. Một hôm, chị thử nguồn nước kéo từ trên núi về để phục vụ sinh hoạt hằng ngày cho Trung tâm, thấy nước ngọt và mát lành, liền nảy ra ý định sản xuất nước tinh khiết đóng chai, đóng bình. Chị tất tả lấy mẫu nước đến Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam kiểm nghiệm, mọi tiêu chuẩn lý hóa đều đảm bảo sức khỏe con người.

Được lãnh đạo huyện đồng tình, cấp phép, chị đầu tư 200 triệu đồng xây dựng hệ thống lọc nước khai thác từ núi Dương Bồ để kinh doanh nước uống với nhãn hiệu Nguồn Sống, lấy lãi nuôi Trung tâm. Chị nhớ mãi ngày đầu tiên Nguồn Sống ra đời, cả Trung tâm ngập tràn trong niềm vui và hạnh phúc vì đó cũng là “nguồn sống“ của Trung tâm.

Trung tâm hiện nuôi dưỡng 19 bà mẹ, mỗi mẹ đến đây có mỗi hoàn cảnh nhưng tựu trung là cô đơn, không nơi nương tựa. Mẹ Võ Thị Mô (85 tuổi, quê Hiệp Đức) có chồng và năm người con nhưng đều đã chết. Trước khi về đây, mẹ sống thui thủi một mình trong căn nhà rách nát. Gia cảnh cụ bà Phạm Thị Ưng (91 tuổi, xã Hiệp Thuận - Hiệp Đức) thì ít ai éo le bằng. Cụ bị mù mấy chục năm nay, còn người con gái Nguyễn Thị Hai (55 tuổi) thì tật nguyền, bệnh kinh niên. Hai mẹ con được chị Lời đón về sống trong mái nhà chung này sau một lần đến thăm hỏi.

Chị Lời không ít lần lặn lội đến những vùng hẻo lánh nhất để đón các mẹ về Trung tâm. Điều khiến chị vui nhất là ngày ngày được gọi tên các mẹ. Chị đi đâu vài ngày chưa ghé Trung tâm là các mẹ nhắn về. Mỗi lúc công việc mệt nhọc, trở về Trung tâm, sà vào lòng các mẹ là chị thấy lòng mình ấm lại. Những lúc chị ốm đau, các mẹ xắng xít, mỗi người một tay chăm sóc, khiến chị không cầm lòng...

Đêm đêm, Trung tâm lại vẳng tiếng hò của các mẹ hòa với tiếng rừng khiến lòng người thêm da diết với tình thân ái...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bán nhà nuôi mẹ đơn côi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO