5 xu hướng định hình thị trường Việt Nam

NGUYỄN HƯƠNG QUỲNH - TGĐ Nielsen Việt Nam| 01/12/2016 06:37

Việt Nam nằm trong top 3 thị trường tiềm năng nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

5 xu hướng định hình thị trường Việt Nam

Thị trường Việt Nam trong tương lai sẽ được định hình bởi 5 xu hướng: thay đổi về độ tuổi, hạ tầng công nghệ số, sự phân hóa và tập trung của thị trường, sự kỹ tính của người tiêu dùng gia tăng, sức mạnh của nhà bán lẻ truyền thống. Cơ hội hay thách thức phụ thuộc vào hành động của doanh nghiệp (DN).  

Đọc E-paper

Thành công ở hàng tiêu dùng nhanh là do cải tiến để đưa ra sản phẩm mới, thay đổi quy trình tiếp cận với thị trường và phá cách trong trải nghiệm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra, với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5% trong năm nay và vài năm tới, tại sao tốc độ tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh của Việt Nam lại không tăng tương ứng?

Dù có tăng trưởng dương, ngành hàng tiêu dùng nhanh vẫn đang mất đi sức hút đối với người tiêu dùng. Mỗi một năm, thị trường nội địa chỉ có một vài sản phẩm mới nên không thu hút được người tiêu dùng dùng thử, qua đó gia tăng sức mua.

Trong khi ở các thị trường nước ngoài, hàng tiêu dùng nhanh khá đa dạng trong các cửa hàng, siêu thị, nhưng các doanh nghiệp (DN) vẫn tiếp tục tung ra những dòng sản phẩm mới, với những tính năng mới, tạo trải nghiệm mới cho người tiêu dùng.

Sự liên kết giữa nhà sản xuất và nhà bán lẻ trên thị trường còn đang rất yếu, chưa có một sự tổng hợp các sức mạnh để đẩy hàng tới tay người tiêu dùng. Tới đây, tính bất ổn định, tính khó lường vẫn tiếp diễn trên thị trường hàng tiêu dùng nhanh. Người tiêu dùng sẽ theo dõi rất kỹ thị trường và từng hành vi của nhà sản xuất, nhà bán lẻ.

Theo nghiên cứu của chúng tôi, Việt Nam nằm trong top 3 thị trường tiềm năng nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Niềm tin của người tiêu dùng ở thị trường khá tốt, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có chỉ số lạc quan cao nhất trên thế giới.

Thị trường Việt Nam trong tương lai sẽ được định hình bởi 5 xu hướng. Cơ hội hay thách thức phụ thuộc vào hành động của DN.

Thay đổi về độ tuổi

Dân số trẻ, nhóm sinh ra trong giai đoạn 1981 - 1995 của Việt Nam chiếm 30% dân số. Cạnh đó, tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh, sẽ đạt 33 triệu người vào năm 2020. Những yếu tố này sẽ tạo ra tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai. Một cơ hội lớn nữa là nhóm người ở độ tuổi từ 50 - 69 sẽ chiếm 20% dân số.

Đây là nhóm người có tích lũy, vẫn muốn là một phần của cộng đồng, vẫn muốn được kết nối và vẫn muốn những dịch vụ, sản phẩm tốt nhất. Nhắm đến nhóm khách hàng này, DN phải có giải pháp khuyến khích họ tiêu nhiều tiền hơn cho các dịch vụ, sản phẩm tốt.

Hạ tầng công nghệ số

Việt Nam là một trong những nước có hạ tầng cơ sở số hóa cạnh tranh nhất thế giới. Trung bình một người ở thành thị sử dụng intenet sẽ online khoảng 24 tiếng đồng hồ/tuần.

Nhóm khách hàng trẻ online tới 27 tiếng đồng hồ/tuần. Họ online để tìm kiếm thông tin các dòng sản phẩm mới, những chương trình khuyến mãi trước khi quyết định đi đến một cửa hàng. Vì vậy, DN nên đầu tư nhiều hơn cho các công cụ tiếp cận người tiêu dùng.

Tính phân hóa và tính tập trung của thị trường

Theo dự báo của Nielsen, đến năm 2025, vẫn có sự di dân về các thành phố lớn nhưng thị trường lớn nhất vẫn là nông thôn. Hơn 65% dân số đang và sẽ tiếp tục sống ở khu vực nông thôn. Như vậy, các DN buộc phải mang sản phẩm và dịch vụ đến khu vực nông thôn, thay vì chỉ tập trung ở những thành phố lớn.

Người tiêu dùng kỹ tính

Tỷ lệ người tiêu dùng Việt Nam tiết kiệm cao nhất thế giới nhưng bây giờ đã kỹ tính hơn trong tiêu tiền. Do đó, trong tương lai gần, marketing phải đánh vào từng cá nhân, để mỗi một người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ, sản phẩm đều cảm nhận sản phẩm, dịch vụ đó là phục vụ cho riêng mình.

Muốn vậy, DN phải gắn kết được với từng nhóm khách hàng, đồng thời phải nghĩ nhiều hơn đến tối ưu hóa hiệu quả marketing. Đặc biệt, những DN có nhiều sản phẩm phải tìm được những khách hàng sẵn sàng trở thành đại sứ thương hiệu.

Sức mạnh của các nhà bán lẻ truyền thống

Với 1,3 triệu cửa hàng, Việt Nam có số lượng cửa hàng trên kênh truyền thống lớn nhất khu vực. Bán lẻ truyền thống trong 10 năm nữa vẫn tiếp tục là kênh phân phối lớn nhất tại thị trường Việt Nam bên cạnh sự phát triển của kênh bán hàng hiện đại và thương mại điện tử.

Hai phần ba người mua hàng sẽ mua sản phẩm theo gợi ý của người bán hàng. Tuy nhiên, một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của thị trường nội địa Việt Nam hiện nay là sự kết nối giữa nhà sản xuất, nhà bán lẻ chưa thực sự mạnh để có thể thúc đẩy được sức mua của người tiêu dùng.

HẢI VÂN ghi

>Mua sắm thông minh - xu hướng tiêu dùng hiện đại

>10 xu hướng tiêu dùng đang lên ở Trung Quốc

>10 dự báo về xu hướng của ngành quảng cáo

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
5 xu hướng định hình thị trường Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO