Đề xuất "nới lỏng" chính sách nhập tịch, trở lại quốc tịch Việt Nam
Bộ Tư pháp kiến nghị sửa đổi Luật Quốc tịch nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người gốc Việt và chuyên gia nước ngoài nhập hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam, đồng thời trao quyền linh hoạt hơn cho Chính phủ trong việc xem xét các trường hợp giữ song tịch.
Trong tài liệu công bố phục vụ cuộc họp thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, Bộ Tư pháp đề xuất điều chỉnh một số quy định quan trọng liên quan đến thủ tục nhập và trở lại quốc tịch Việt Nam. Mục tiêu của lần sửa đổi này là cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và xu thế toàn cầu hóa.
Một trong những điểm nổi bật tại dự thảo là việc "nới lỏng" điều kiện nhập quốc tịch đối với những người có yếu tố liên quan đến nguồn gốc Việt Nam như: có cha, mẹ hoặc ông bà nội/ngoại là công dân Việt Nam; nhà đầu tư, nhà khoa học, chuyên gia có mong muốn định cư và làm việc lâu dài tại Việt Nam.
Đáng chú ý, dự thảo đề xuất miễn một số điều kiện khi xét nhập quốc tịch Việt Nam như yêu cầu biết tiếng Việt, đang thường trú tại Việt Nam từ 5 năm trở lên, hay có khả năng bảo đảm cuộc sống nếu người xin nhập quốc tịch thuộc diện có nguồn gốc Việt Nam hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước.

Đối với trẻ chưa thành niên có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, dự thảo đề nghị bỏ điều kiện có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để phù hợp với thực tế và đảm bảo quyền lợi cho trẻ.
Về thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam, Bộ Tư pháp đề xuất bãi bỏ quy định giới hạn trong sáu trường hợp cụ thể như hồi hương, có người thân là công dân Việt Nam, đầu tư tại Việt Nam, hoặc không được nhập quốc tịch nước ngoài. Thay vào đó, bất kỳ người nào đã mất quốc tịch Việt Nam và có nguyện vọng trở lại đều có thể được xem xét, trên cơ sở điều kiện mới được xác lập phù hợp hơn với thực tiễn.
Tên gọi của điều luật tương ứng trong dự thảo cũng được sửa đổi thành "Điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam", phản ánh rõ hơn tinh thần cởi mở và bao trùm của quy định.
Một nội dung mang tính đột phá khác trong dự thảo lần này là việc đề nghị trao quyền cho Chính phủ quy định cụ thể các trường hợp được giữ quốc tịch nước ngoài khi nhập hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam thay vì quy định cứng như hiện hành.
Điều kiện tiên quyết để được giữ song tịch, theo dự thảo, là không vi phạm pháp luật quốc tế, không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.
Theo Bộ Tư pháp, hiện có khoảng 6 triệu người Việt Nam sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó tính đến tháng 3/2025 đã có 229.336 người được Chủ tịch nước cho thôi quốc tịch Việt Nam.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi chính sách, cho phép công dân mang hai quốc tịch, điển hình như Cộng hòa Séc, Cộng hòa Liên bang Đức, nhu cầu của người gốc Việt được trở lại quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài có xu hướng tăng rõ rệt.
Tại các sự kiện như "Xuân Quê hương" hằng năm, cộng đồng người Việt ở nước ngoài thường xuyên bày tỏ nguyện vọng với lãnh đạo Đảng, Nhà nước về việc được song tịch nhằm thuận tiện trong sinh sống, đầu tư và làm ăn tại Việt Nam.
Tính đến tháng 3/2025, Chủ tịch nước đã quyết định cho 311 trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam, và 7.014 trường hợp được nhập quốc tịch Việt Nam, trong đó có 60 trường hợp được giữ cả hai quốc tịch, phần lớn là những cá nhân có công lao đặc biệt với đất nước.
Bộ Tư pháp cho rằng, chính sách quốc tịch hiện hành tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi để thu hút cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là những người có năng lực chuyên môn, trình độ khoa học kỹ thuật cao, trở về đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Việc sửa đổi Luật Quốc tịch lần này được kỳ vọng tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy làn sóng hồi hương, thu hút đầu tư, tri thức và nhân lực chất lượng cao, những yếu tố then chốt trong tiến trình hiện đại hóa, chuyển đổi số và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.