Đề xuất không dùng khái niệm “xuất khẩu lao động”

HT| 18/06/2020 01:25

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, từ nay không dùng khái niệm “xuất khẩu lao động” mà sử dụng “người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài”.

Đề xuất không dùng khái niệm “xuất khẩu lao động”

Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cho biết, hằng năm có khoảng hơn 100.000 người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hiện có 580.000 người đang lao động ở 43 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhấn mạnh đây là lĩnh vực thời gian được quan tâm nên phát triển tương đối nhanh, ông Đào Ngọc Dung cho biết, nguồn thu bình quân cho ngân sách Việt Nam khoảng 5 tỷ USD và tỉnh cao nhất xấp xỉ 300 triệu USD/1 năm.

Về thị trường, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết những thị trường truyền thống tiếp tục được duy trì như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Chúng ta cũng mở được một số thị trường mới như Đức, Ba Lan, Rumani và gần đây là Hungary. Một trong những hạn chế được chỉ ra từ đầu nhiệm kỳ là tình trạng lao động bỏ trốn ở lại bất hợp pháp cũng được cải thiện.

Tuy vậy, theo ông Đào Ngọc Dung, vẫn còn nhiều thách thức, yếu kém, nhất là tình trạng môi giới bất hợp pháp, vi phạm hợp đồng, nhiều trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng hình ảnh Việt Nam, đối với huyện nghèo có quan tâm nhưng số lượng lao động được đưa đi không nhiều... Thời gian qua có nhiều sự chấn chỉnh, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cho biết đã xử phạt tới 118 doanh nghiệp trong tổng số 459 doanh nghiệp. Do đó, tình hình có nhiều tiến bộ.

Về hình thức, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết hiện nay các hình thức lao động đi qua doanh nghiệp được cấp giấy phép của Bộ LĐ-TB&XH; đi qua doanh nghiệp trúng thầu nhận công trình ở nước ngoài; qua doanh nghiệp và cá nhân tổ chức đầu tư ra nước ngoài; theo hợp đồng lao động tự do được giao kết hợp đồng và đăng ký với cơ quan quản lý lao động địa phương.

Đề cập lao động ở nước ngoài thông qua kỳ nghỉ, ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh phải đưa vào luật và đang thí điểm ở thị trường Úc. Năm 2020 có 1.500 trường hợp được đi, đăng ký qua Bộ LĐ-TB&XH và sau khi được sứ quán ở Úc nhất trí thì quá trình du lịch mới được lao động, khác với việc ai đó sang nước bạn rồi mới tìm kiếm việc làm.

Một hình thức mới xuất hiện cách đây hai năm là giữa các địa phương của Việt Nam với địa phương ở nước khác hợp tác lao động ngắn hạn và hết thời vụ thì trở về. UBND tỉnh ký kết thì phải có cơ quan đứng ra giúp UBND tỉnh là đơn vị sự nghiệp, chính là trung tâm lao động trực thuộc tỉnh hay thuộc Sở LĐ-TB&XH và đây không phải pháp nhân mới. Đơn vị này tương đương như đơn vị sự nghiệp công lập ở bộ ngành mà luật cho phép.

Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu về chính sách, nhất là với lao động sau khi từ nước ngoài về, thời hạn giấy phép, tiêu chuẩn thành lập doanh nghiệp... “Chúng tôi muốn Quốc hội ủng hộ từ nay trở đi không dùng khái niệm xuất khẩu lao động mà sử dụng từ trong luật này để điều chỉnh. Ngoài ra, luật quy định rõ không có sự tham gia của nước ngoài, không có đóng góp cổ phần, góp vốn, sở hữu hay đứng pháp nhân lĩnh vực này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đề xuất không dùng khái niệm “xuất khẩu lao động”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO