Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), hiện VEC đang là chủ đầu tư và quản lý, vận hành, khai thác đường cao tốc TPHCM - Long Thành để thu hồi vốn trả ADB và JICA. Trong bối cảnh Bộ GTVT không thể cân đối được thêm vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đầu tư mở rộng tuyến cao tốc này, phương án VEC thực hiện dự án là phương án phù hợp.
VEC sẽ tự huy động vốn để thực hiện đầu tư mở rộng, tổ chức vận hành, khai thác và thu phí toàn bộ tuyến đường để hoàn vốn đầu tư.
Bộ GTVT cho rằng, phương án này sẽ không phải xử lý xung đột lợi ích giữa nhà đầu tư mới và VEC; phù hợp với mục tiêu hình thành VEC là cân đối nguồn thu của các cao tốc đã đầu tư để đầu tư cao tốc mới, gồm cả việc mở rộng tuyến cao tốc VEC đang khai thác. Trong khi nghiên cứu, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, VEC sẽ phải tính toán và báo cáo cụ thể khả năng cân đối vốn và cơ chế có liên quan để có thể thực hiện dự án.
VEC đã tự đề xuất phương án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành lên 8-10 làn xe. Dự kiến, đoạn cao tốc được mở rộng dài 21,9km, từ nút giao vành đai 2 đến vành đai 3 mở rộng lên 8 làn xe; từ vành đai 3 đến nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu lên 10 làn xe.
Tổng mức đầu tư dự án theo đề xuất từ VEC khoảng 14.700 tỷ đồng. Trong đó chi phí xây dựng gần 10.800 tỷ đồng; giải tỏa mặt bằng gần 800 tỷ đồng; quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác hơn 1.000 tỷ đồng; dự phòng hơn 2.100 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ quý IV/2022 đến quý I/2026.