Doanh nhân Lê Viết Hải chủ trì một cuộc họp với ban lãnh đạo Hoà Bình |
Theo doanh nhân Lê Viết Hải, để xây dựng văn hoá kinh doanh (VHKD) Việt Nam, VCCI nên áp dụng ngay Bộ tiêu chí VHKD Việt Nam đã được công bố ngày 14/07/21. Đây là bộ tiêu chí đầu tiên về VHKD Việt Nam do Ban 248 của Chính phủ và Hiệp hội Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam đã dày công soạn thảo. Bộ tiêu chí này được soạn thảo bởi nhiều giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cùng sự tham gia góp ý của một số lãnh đạo doanh nghiệp và lãnh đạo của các bộ ngành có liên quan. Bộ tiêu chí này đã được Thủ tướng Chính phủ chuẩn y và chỉ đạo Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam ban hành và vận động đưa vào áp dụng trong cộng đồng doanh nghiệp. Bộ Tiêu chí VHKD Việt Nam bao gồm 19 tiêu chí cụ thể và 51 chỉ số đánh giá rất khoa học.
Doanh nhân Lê Viết Hải cho rằng, VCCI nên sử dụng ngay Bộ Tiêu chí VHKD Việt Nam này để làm căn cứ đánh giá và xem đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng. Số lượng hội viên VCCI đạt chuẩn VHKD Việt Nam cần được xem là một KPI của VCCI nhiệm kỳ VII.
Cùng với đó, doanh nhân Lê Viết Hải cũng đề xuất, VCCI cần xác định cụ thể những sản phẩm, dịch vụ nào có tiềm năng để khai thác và có lợi thế để phát huy. VCCI cần tập trung nỗ lực hỗ trợ Chính phủ và doanh nghiệp xây dựng những chiến lược đột phá để các sản phẩm, dịch vụ có tiềm năng và lợi thế có thể xuất khẩu ra thị trường toàn cầu.
Trong đó, doanh nhân Lê Viết Hải kiên định với đề xuất trước đó rằng, ngành xây dựng hoàn toàn có thể trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm một tỷ trọng đáng kể trong GDP nếu chúng ta có một chiến lược tốt mang tầm quốc gia. Dịch vụ tổng thầu phát triển sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của chuỗi giá trị trong công nghiệp xây dựng. Hiệu quả cho nền kinh tế quốc gia sẽ rất lớn.
Ngoài ra, theo doanh nhân Lê Viết Hải để xây dựng hệ giá trị VHKD Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam khi hội nhập với nền kinh tế toàn cầu cần có sự khác biệt dựa vào bản sắc văn hóa của dân tộc.
“Chúng ta cần xác định thật rõ sứ mệnh của doanh nghiệp Việt Nam ngoài đóng góp vào sự phát triển của quốc gia là đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế toàn cầu, đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của thế giới do Liên Hợp Quốc khởi xướng. Sự cống hiến, phụng sự cho nhân loại cần được xem là một nghĩa vụ cao cả chứ không chỉ là trách nhiệm xã hội”, ông Hải trình bày.
Bộ Tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam được sắp xếp thành 2 chương: Chương một là điều kiện bắt buộc mà doanh nghiệp phải vượt qua mới được xem xét có đạt chuẩn hay không. Điều kiện bắt buộc đó là không vi phạm pháp luật bao gồm 5 nội dung cụ thể (5 vùng cấm mà một doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh tuyệt đối không được phép vi phạm): 1. Không buôn lậu; 2. Không trốn thuế; 3. Không sản xuất, kinh doanh hàng giả, sản phẩm độc hại; 4. Không nợ lương và bảo hiểm xã hội của người lao động; 5. Không lừa đảo, lợi dụng tín nhiệm làm hại các tổ chức, cá nhân khác. Chương hai là các tiêu chí đánh giá chi tiết phân thành năm nhóm: 1. Lãnh đạo doanh nghiệp phát triển bền vững; 2. Xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp; 3. Thượng tôn pháp luật; 4. Đạo đức kinh doanh; 5. Trách nhiệm xã hội. Việc đánh giá doanh nghiệp có đạt chuẩn VHKD hay không khá rõ ràng và khoa học trên cơ sở xem xét 51 chỉ số với các yêu cầu cung cấp các bằng chứng cụ thể. |