Nền kinh tế phụ thuộc vào việc dập dịch Covid-19

Nguyễn Hoàng| 16/04/2020 00:30

Sự lây lan của Covid-19 và hệ quả là sự giảm tốc đột ngột của nền kinh tế toàn cầu đã làm tốc độ tăng trưởng quý I/2020 của Việt Nam giảm xuống mức 3,8% so với mức 6,8% của cùng kỳ năm 2019. Tới đây, nếu các rủi ro do Covid-19 gia tăng, kinh tế có thể suy giảm mạnh hơn.

Nền kinh tế phụ thuộc vào việc dập dịch Covid-19

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á, sự bùng phát của dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến kinh tế Việt Nam, hình thành các cú sốc đối với cả phía cung và cầu ở hầu hết lĩnh vực. 

Về phía cầu, việc hạn chế đi lại đã làm cho tăng trưởng doanh số bán lẻ giảm còn 4,7% trong quý I/2020, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng trưởng 12%. Tháng 1 và tháng 2, vốn đăng ký đầu tư nước ngoài giảm 23,6%, số vốn giải ngân giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng xuất khẩu được dự báo sẽ giảm còn 5,3%, tăng trưởng nhập khẩu giảm còn 4,7% trong năm 2020. 

Về phía cung cũng không khả quan. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì được sản xuất trong tháng 1 và 2 chủ yếu dựa vào nguyên liệu tồn kho, trong tháng 3 đã cạn dần do chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu bị gián đoạn. Chỉ số quản trị mua hàng của công nghiệp chế biến, chế tạo - chỉ số đo lường cơ bản của ngành - đã giảm từ 50,6 vào tháng 1/2020 qua ngưỡng 50 và còn 49 vào tháng 2, lần đầu tiên xuống mức thấp như vậy trong 4 năm qua. Sản lượng công nghiệp giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 6 năm qua, khi các đơn hàng mới lần đầu tiên giảm mạnh kể từ tháng 11/2015, một phần do kim ngạch xuất khẩu giảm cùng với việc giảm đơn hàng từ các nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Khảo sát của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính thực hiện cuối tháng 3 cho thấy, 74% số doanh nghiệp được khảo sát dự kiến phải tạm dừng hoạt động nếu đến tháng 6/2020 bệnh dịch chưa được khống chế.

Tính đến thời điểm hiện nay, dịch vụ là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Với tỷ trọng 42% GDP, khu vực dịch vụ tăng trưởng chậm lại sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tác động lớn nhất là suy giảm du lịch và các dịch vụ liên quan, vốn chiếm đến 40% doanh thu của khu vực dịch vụ. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế ước tính, sự lây lan của đại dịch sẽ khiến Việt Nam mất 23% lượng khách du lịch. Tăng trưởng của khu vực dịch vụ đã giảm một nửa, xuống còn 3,2% trong quý I, từ mức 6,5% của cùng kỳ năm 2019.

Link bài viết

Sự bùng phát dịch Covid-19 cũng làm đình trệ sản xuất, kinh doanh và làm suy yếu đáng kể nhu cầu tín dụng. Vào cuối tháng 2, tín dụng ước tăng 0,1% so với cuối năm 2019, mức thấp nhất trong cùng kỳ 6 năm qua. Để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, ngày 4/3/2020, Chính phủ đã công bố gói hỗ trợ trị giá khoảng 10,8 tỷ USD để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất và phí. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm 0,5-1% các lãi suất chính sách, hạ trần đối với tiền gửi bằng tiền đồng với các kỳ hạn dưới 6 tháng và trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên, cùng một loạt biện pháp khác.

Mục tiêu bội chi ngân sách 3,4% GDP cho năm 2020 giờ đây có thể khó đạt được, khi doanh thu thuế từ các khoản thu nhập và thu từ xuất khẩu đều giảm, chi tiêu cho y tế và các quỹ hỗ trợ người lao động đều tăng, cùng với gói hỗ trợ tài khóa mới công bố gần đây trị giá khoảng 1,3 tỷ USD thông qua giảm thuế, phí và gia hạn nộp thuế đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vì vậy, thâm hụt ngân sách dự báo sẽ tăng tương đương 4,2% GDP trong năm 2020 trước khi có sự cải thiện ở mức 3,5% GDP vào năm 2021.

Thách thức rất lớn, nhưng nếu khống chế được dịch bệnh trong nửa đầu năm 2020, tăng trưởng kinh tế sẽ hồi phục trở lại mức 6,8% vào năm 2021 và duy trì trong trung và dài hạn. Ngày 4/3/2020, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg, đặt mục tiêu số một là dập dịch và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. 

Dù vậy, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cảnh báo, việc đưa ra các gói hỗ trợ có thể khiến ngân sách nhà nước thâm hụt ở mức lớn hơn trong bối cảnh nguồn thu hạn chế. Trong bức tranh màu xám của đại dịch, điểm sáng là các yếu tố nền tảng của kinh tế Việt Nam vẫn được duy trì. Các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là khu vực tư nhân năng động, đáng chú ý là kinh tế hộ gia đình và doanh nghiệp tư nhân vẫn vững mạnh. Môi trường kinh doanh tiếp tục cải thiện. Giải ngân đầu tư công được cải thiện đáng kể, tăng gần 18% trong tháng 1 và 2 so với cùng kỳ năm 2019. Giải ngân sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm 2020 vì đây là một trong các biện pháp tài khóa ưu tiên để ứng phó với dịch Covid-19.

Trong bức tranh màu xám của đại dịch, điểm sáng là các yếu tố nền tảng của kinh tế Việt Nam vẫn được duy trì. Các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là khu vực tư nhân năng động, đáng chú ý là kinh tế hộ gia đình và doanh nghiệp tư nhân vẫn vững mạnh. 

Quan trọng không kém, các hiệp định thương mại song phương và đa phương hứa hẹn tăng cường việc tiếp cận và mở rộng thị trường cho hàng hóa Việt Nam. Đây là yếu tố thiết yếu cho sự phục hồi kinh tế sau đại dịch. Việc Trung Quốc khống chế được Covid-19 và khả năng thị trường Trung Quốc có thể trở lại bình thường sẽ giúp hồi sinh chuỗi giá trị toàn cầu và tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế Việt Nam phục hồi. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nền kinh tế phụ thuộc vào việc dập dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO