Hành động để nền kinh tế không “đổ gãy”

Nguyễn Hoàng| 10/04/2020 00:30

Hành động sớm, vấn đề cấp bách, mang tính sống còn với nền kinh tế và phần lớn doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định tại hội nghị trực tuyến ngày 10/4/2020 của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Hành động để nền kinh tế không “đổ gãy”

Dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh và sâu rộng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở cao. GDP của Việt Nam trong quý I chỉ tăng 3,82%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2011. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảnh báo, nếu không có biện pháp duy trì hoạt động kinh tế xã hội bình thường và thúc đẩy mạnh mẽ việc phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy lớn, thậm chí gây bất ổn trong xã hội. 

Tác động của dịch bệnh tới các ngành kinh tế có sự khác biệt rất lớn. Một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề, các doanh nghiệp có khả năng phá sản hàng loạt (hàng không, du lịch, dịch vụ...). Thế nhưng, một số ngành vẫn có cơ hội phát triển tốt (nông sản, thực phẩm, dược phẩm...).

Theo các nhà kinh tế, các chính sách điều hành vĩ mô có ảnh hưởng quan trọng tới sức đề kháng (khả năng chịu đựng) của nền kinh tế, giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch bệnh. Các chính sách điều hành vĩ mô cũng sẽ quyết định nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh chóng hay không một khi bệnh dịch được kiểm soát.

Một điểm nữa, mức độ kết nối rất lớn của Việt Nam với chuỗi giá trị toàn cầu và các biện pháp cách ly xã hội do các nước áp dụng dẫn đến việc đại dịch nếu được kiểm soát ở Việt Nam cũng không thể làm cho nền kinh tế phục hồi ngay nếu nó vẫn tiếp diễn ở các quốc gia khác. Do đó, việc kích thích tổng cầu trong bối cảnh hiện nay, theo các nhà kinh tế, hầu như không có tác dụng trong ngắn hạn bởi sức mua ở những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp sẽ không thể tăng một khi bệnh dịch chưa được kiểm soát.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có hai gói chính sách: gói tài khóa nhằm kích cầu nội địa và gói chính sách tiền tệ với tổng số 300 nghìn tỷ đồng. Cạnh đó là gói giãn, hoãn thuế với tổng số tiền khoảng 185 nghìn tỷ đồng với mục tiêu 98% số doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi. 

Link bài viết

Tuy nhiên, sự lựa chọn hợp lý các chính sách cũng như đối tượng hỗ trợ đang là vấn đề được đặt ra, dù những phản ứng bước đầu của thị trường là khá tích cực khi các chính sách khác có sự phối hợp tích cực để chia sẻ với chính sách tiền tệ. Chẳng hạn, Bộ Tài chính đang khẩn trương hoàn tất dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo hướng cụ thể hóa để có thể áp dụng ngay, không cần thông tư hướng dẫn và sẽ có hiệu lực ngay sau khi ban hành.

Theo quan sát của ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Ciem), các công cụ chính sách tiền tệ có thể phát huy tác động tương đối nhanh hơn so với các chính sách khác, đặc biệt là chính sách tài khóa. Do đó, chính sách tiền tệ cần “linh hoạt và thận trọng”. 

Sự thận trọng ở đây, theo ông Dương sẽ giúp bảo đảm mỗi động thái chính sách tiền tệ được sử dụng sẽ phát huy lợi ích lớn nhất cho nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, cũng như giúp giữ được những dư địa chính sách tiền tệ cần thiết để vận dụng trong các kịch bản kinh tế trong tương lai. Kế đến, sự linh hoạt trong chính sách tiền tệ nói riêng, khung chính sách kinh tế nói chung, cũng có ý nghĩa căn bản và dài hạn đối với cộng đồng doanh nghiệp, có thể giúp doanh nghiệp phát huy hơn nữa sức sống và khả năng thích nghi. 

Dù vậy, kinh tế Việt Nam đang đứng trước một đợt suy giảm lớn xuất phát từ một nguyên nhân phi kinh tế. Tính chất của đại dịch Covid-19 lần này cho thấy việc dự báo tác động của nó đến nền kinh tế Việt Nam diễn ra trong thời gian bao lâu là khó đoán định.  

Một giải pháp cấp bách, theo các nhà kinh tế, Việt Nam cần đảm an ninh lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu cho người dân. Đây không phải những lĩnh vực chịu tác động lớn bởi đại dịch, nhưng cần giám sát chặt chẽ và có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nếu cần, để tránh xảy ra "đứt gãy" trong sản xuất và cung ứng.

Cạnh đó, Việt Nam cần chủ động xây dựng các kịch bản chính sách kinh tế ứng phó khác nhau tùy theo thời gian kéo dài và mức độ nghiêm trọng của bệnh dịch. Các giải pháp chính sách đưa ra cần tính đến độ trễ trong quá trình ban hành và triển khai để đảm bảo tính kịp thời và hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hành động để nền kinh tế không “đổ gãy”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO