![]() |
Trong một năm qua, thị trường giải trí có không ít sự kiện, hay - dở đều không thiếu, nhưng trên tất cả vẫn là sự thích nghi với thời cuộc, sự nỗ lực cũng như sáng tạo của người nghệ sĩ cống hiến cho nghề nghiệp.
Đọc E-paper
Ca sĩ trong thời kỹ thuật số
Trong năm 2016, làng nhạc Việt (V-Pop) có một số thay đổi, đáng chú ý là sự ra đời của những MV (music video) được các ca sĩ trẻ đầu tư công phu từ ý tưởng, nội dung đến các cảnh quay, phù hợp với thời "bùng nổ" của kỹ thuật số.
Có thể kể, MV Beautiful (Khắc Hưng sáng tác) được công chúng đón nhận, chứng tỏ sự nỗ lực đổi mới của ca sĩ trẻ Văn Mai Hương. Ca sĩ Hoàng Thùy Linh cũng có một thử nghiệm táo bạo khi giới thiệu đến công chúng MV Bánh trôi nước (nhạc sĩ Hồ Hoài Anh sáng tác, phổ thơ của Hồ Xuân Hương).
Với Đinh Mạnh Ninh Live, Đinh Mạnh Ninh là ca sĩ mở màn xu hướng sử dụng công nghệ live stream để tường thuật đêm diễn, được đánh giá thành công với số lượng người xem live stream trên Facebook là 285 nghìn và trên ứng dụng FPT Play cùng thời điểm là 46 nghìn; sau đêm diễn, số lượt người xem vẫn tiếp tục tăng. Đây là sự cố gắng của Đinh Mạnh Ninh và ekip khi mạnh dạn đổi mới, sử dụng công nghệ để tiếp cận, tương tác nhiều hơn với khán giả.
Không chỉ Văn Mai Hương, Hoàng Thùy Linh, Đinh Mạnh Ninh, một số ca sĩ trẻ khác cũng nỗ lực để cho ra đời những sản phẩm âm nhạc phù hợp với công chúng trẻ và bắt nhịp với xu hướng âm nhạc thế giới.
Sự phát triển và tiện lợi của hệ thống truyền hình, kênh YouTube đã giúp giới ca sĩ có nhiều cơ hội xuất hiện trước khán giả hơn. Nhưng, trừ số ít ca sĩ mới kể trên thì thị trường V-Pop hiện nay vẫn chỉ loanh quanh vài cái tên như Hồ Ngọc Hà, Tóc Tiên, Sơn Tùng, Noo Phước Thịnh, Đông Nhi.
Dù gửi đến khán giả nhiều sản phẩm âm nhạc được đầu tư hoành tráng nhưng họ vẫn chưa tạo được cú hích lớn bởi chưa thật sự vượt trội so với các sản phẩm cũ.
Nhiều ca sĩ đã có tên tuổi lại "phủ sóng" hình ảnh bằng cách "lấn sân" trở thành giám khảo, huấn luyện viên cho các gameshow truyền hình, đây cũng là cách để làm mới hình ảnh của bản thân, khi sản phẩm ca hát không có gì mới.
Dù nở rộ những gameshow ca nhạc trên sóng truyền hình, kéo theo tình trạng liveshow khó bán vé, nhưng không vì thế mà năm qua thiếu vắng liveshow, thậm chí có thời điểm chúng còn xếp hàng ra mắt.
Có thể kể đến liveshow của Việt Anh, Lê Cát Trọng Lý, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Noo Phước Thịnh, Thanh Thảo, Lệ Quyên, Trọng Tấn, Khánh Ly, Tuấn Hưng, Đông Nhi, Hà Trần, Hà Anh Tuấn... Bên cạnh đó còn nhiều chương trình ra mắt sản phẩm âm nhạc mới hay đánh dấu một sự kiện đáng nhớ nào đó của nhiều ca sĩ khác.
![]() |
Liveshow của ca sĩ Mỹ Tâm |
![]() |
Liveshow của ca sĩ Thanh Thảo |
Hầu hết liveshow đều được đầu tư khá tốt cả phần nghe lẫn phần nhìn, nhưng câu chuyện về việc giải bài toán giữa doanh thu và nghệ thuật luôn "nóng" trước khi mỗi liveshow sắp diễn ra. Tất nhiên, nghệ sĩ đầu tư làm chương trình vẫn "lãi" ở danh tiếng, nâng bậc thứ hạng, dù không phải ai cũng thành công.
Năm mới, V-Pop vẫn đang chờ đợi một lớp ca sĩ có khát vọng đi xa hơn, nỗ lực đúng đắn trong sự nghiệp của mình...
Nỗ lực để sân khấu sáng đèn
Khó tìm được vở diễn hay để người xem có thể trăn trở, đồng cảm. Đôi khi những vở rất "ăn khách" mà vẫn không thể diễn được vì diễn viên bận đi đóng phim, tham gia gameshow truyền hình. Vé bán ra không được, vở diễn "chết yểu", sân khấu ít sáng đèn. Đó là tình trạng chung của các sân khấu kịch năm qua tại TP.HCM và cả nước.
Nhưng, nói như NSƯT Thành Lộc thì may mắn vẫn còn khá nhiều nghệ sĩ trụ cột bám trụ sàn diễn với ý thức cao, họ sống có trách nhiệm, đồng cam cộng khổ để sàn diễn kịch sáng đèn.
Đó là kịch Hoàng Thái Thanh của nghệ sĩ Ái Như và Thành Hội, không dừng lại ở việc đầu tư sâu vào chất lượng nghệ thuật, mà còn mở rộng đối tượng phục vụ sang nhóm khán giả thiếu nhi thông qua sự ra đời của Câu lạc bộ Ngày mai - một chương trình phi lợi nhuận, tích hợp diễn kịch, giáo dục, tư vấn tâm lý rất thu hút học sinh và phụ huynh.
Đạo diễn Việt Linh cùng các diễn viên Hồng Ánh, Lan Phương thì chăm chút cho Sân khấu Hồng Hạc - một sân khấu thể nghiệm ra đời đầu năm 2016. Ngoài những tác phẩm được xây dựng bằng sự kết hợp các thủ pháp nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, văn học, Hồng Hạc còn có những tác phẩm có chủ đề gần gũi về gia đình, xã hội.
Cảnh trong vở Thiên thần nhỏ của Sân khấu kịch Hồng Hạc
Sân khấu Lê Hoàng thì trở thành "đất sống" của các vở cải lương, quy tụ nhiều tài danh được công chúng mến mộ. Sân khấu Trịnh Kim Chi thì mạnh dạn thử nghiệm dàn dựng kịch cổ trang, mang lại "món ăn" mới hấp dẫn cho khán giả. Các sân khấu khác như Thế Giới Trẻ, Kịch Hồng Vân, Idecaf dù khó khăn do đây là nơi vốn tập trung nhiều nghệ sĩ đang "đắt sô" của phim truyền hình, gameshow, nhưng vẫn duy trì được đội ngũ nghệ sĩ "ruột", thay phiên nhau để có những suất diễn các ngày cuối tuần phục vụ khán giả.
Trong bối cảnh hầu hết các sân khấu không dám đầu tư mạnh tay để có vở mới chất lượng cao, thì Liên hoan Sân khấu thể nghiệm quốc tế 2016 đã trở thành "bệ phóng" để các vở kịch Giấc mơ (chính kịch) của Sân khấu kịch 5B, Mê Đê (kịch kinh điển nước ngoài) của Đại học Sân khấu và Điện ảnh TP.HCM gây hiệu ứng tích cực, được khán giả trẻ đón nhận và cổ vũ...
Bên cạnh đó, sân khấu năm 2016 còn đón nhận sự mạnh dạn đầu tư các vở nhạc kịch, như Tấm Cám của nhóm Buffalo, Chuyện tình nàng Giáng Hương của Công ty Sunflower Media. Sự đầu tư đó đã góp phần khuấy động bầu không khí đang chìm lắng của sân khấu TP.HCM.
Nhạc sĩ Thanh Bùi với vở nhạc kịch The secret garden (Khu vườn bí ẩn) phiên bản Việt đã có những đêm diễn "cháy vé”, mang đến cho khán giả góc nhìn thực sự mới mẻ và thú vị về thể loại này, đồng thời mở ra hướng đi cho nhiều dự án khác trong năm mới.
Những vở nhạc kịch trên sàn diễn của Nhà hát TP.HCM hay Nhà hát lớn Hà Nội và một số dự án của các nghệ sĩ tâm huyết khác đã cho thấy, sân khấu vẫn là nơi được khán giả trân trọng.
"Cuộc chiến" xoay lại cán cân phát hành
Năm 2015, doanh thu của phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (80 tỷ đồng), Em là bà nội của anh (105 tỷ đồng) và nhiều phim ở mức từ 30 - 50 tỷ đồng đã trở thành động lực giúp số lượng phim tăng mạnh.
Năm 2016, đã có 45 phim điện ảnh được phát hành. Không bó hẹp ở thể loại hài, hành động mà có sự xuất hiện của nhiều dòng phim khác như fantasy (giả tưởng - cổ trang), kinh dị, xuyên không, ngôn tình. Nhiều đạo diễn trẻ như Luk Vân, Ngô Thanh Vân, Đinh Tuấn Vũ, Việt Max, Lý Minh Thắng cùng "xông pha" với những nhà sản xuất mới, thực chất là góp vốn đầu tư. Đội ngũ diễn viên được huy động tối đa, từ danh hài đến các gương mặt trẻ xuất thân từ ca sĩ, người mẫu, cầu thủ, gameshow.
Ở Việt Nam, hệ thống sản xuất và phân phối phim được hợp thức theo mô hình chiều dọc, khi phần lớn nhà sản xuất phim (như CGV, Galaxy, Lotte, BHD, Saigon Media) đồng thời cũng sở hữu hệ thống rạp riêng. Bởi vậy, không phải đạo diễn hay nhà sản xuất mà là nhà phát hành đang nắm quyền buộc nhà sản xuất muốn phim được chiếu rộng rãi phải chấp nhận tỷ lệ ăn chia do họ đề xuất.
Trước đây, khi hệ thống rạp còn ít, phim Việt đã bí "đầu ra", nay số lượng rạp đã tăng, nhưng đội ngũ phát hành vẫn tập trung ở 5 - 6 chủ rạp, vì thế "đầu ra" vẫn chưa thông thoáng. Năm qua, bên cạnh chuyện phim "bom tấn" thành "bom xịt", doanh thu thấp lè tè, nổi cộm vẫn là việc không tìm được tiếng nói chung giữa chủ hệ thống rạp CGV (đang nắm 40% thị phần với hơn 30 cụm rạp) và các nhà sản xuất, phát hành phim Việt, mà vụ "bất đồng quan điểm" trong việc phát hành phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể chính là "giọt nước tràn ly".
Bởi nhà phát hành BHD muốn tỷ lệ ăn chia 50 - 50% (như các chủ rạp khác) thay vì 45% (nhà sản xuất phát hành) - 55% (chủ rạp) như CGV vẫn áp dụng với phim Việt, nhưng CGV không chấp nhận.
![]() |
Một cảnh trong phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể |
Sự thất bại về doanh thu của Fan cuồng, Truy sát có kinh phí trên 20 tỷ đồng trước đó khiến người ta vừa khâm phục, vừa lo lắng cho hành động "khiêu chiến" của Tấm Cám: Chuyện chưa kể. Mất 40% số rạp chiếu, thiệt thòi là nhà sản xuất, nhưng lớn hơn là khán giả, khi nhiều nơi chỉ có mỗi rạp CGV. Nếu trong "cuộc chiến" này, nhà phát hành BHD thua thì vị thế của CGV càng lớn, đường ra rạp của nhiều phim Việt khác sẽ thêm gian nan.
Không "đánh bạc", nhà phát hành có thâm niên hơn 10 năm này đủ niềm tin vào sức hút của phim, lại có được sự hậu thuẫn của các nhà phát hành khác.
Kết quả, Tấm Cám: Chuyện chưa kể đạt doanh thu 66,5 tỷ đồng trong 5 tuần chiếu ngoài rạp, và quan trọng hơn là truyền đi thông điệp: chính chất lượng phim chứ không phải hệ thống rạp tiện nghi sẽ thu hút khán giả.
Chia tay với năm 2016, "cuộc chiến" xoay lại cán cân phát hành vẫn chưa có hồi kết, song vấn đề làm thế nào để phát hành công bằng đã chính thức được đặt ra. Thiết nghĩ, chỉ khi phim Việt được ủng hộ, được phổ biến đến khán giả rộng rãi hơn thì doanh thu mới được cải thiện, và khi ấy mới có nhiều hơn phim chất lượng cao giúp thị trường phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh với phim ngoại.
>Phát hành phim: Đến lúc "đàm phán cứng"
>Gameshow ca nhạc năm 2017: Vui là chính