Lương Văn Can

Đạo làm giàu

TS. Lý Tùng Hiếu 10/01/2024 18:00

Xưa nay ở nước ta, nhà trường và gia đình thường dạy cho thế hệ trẻ “đạo làm người” mà chẳng có mấy ai dạy cho họ “đạo làm giàu”.

6767655.jpg

Vì không có “đạo làm giàu”, những người khởi nghiệp có thể mất phương hướng, khi gặp khó khăn có thể bất chấp giá trị đạo đức để ngoi lên.

Vì không có “đạo làm giàu”, những người thành đạt có thể mất động lực, tự hỏi mình phấn đấu để làm gì khi tiền nong, của cải quá dư thừa, lại không thể đem lại tất cả những gì mình muốn. Vì không có “đạo làm giàu”, gian thương có thể “làm thầy” cho lớp trẻ về mánh khoé lừa đảo, gian lận, chạy chọt…

“Đạo làm giàu” là gì?

Người đầu tiên nói đến “đạo làm giàu” của người Việt Nam là danh nhân Lương Văn Can (1854-1927). Trong tác phẩm Thương học phương châm (1928), Cụ viết: “Có làm thực nghiệp thời mới có của. Của là mẹ đẻ ra muôn việc. Thực nghiệp so mấy (với) nhà chính trị, nhà giáo dục rất là trọng yếu. Thế giới bây giờ sở dĩ có vật chất văn minh tức là bởi cái lòng tiến thủ chứa chan ra mà được thế. Cho nên cái bụng hăm hở cầu giàu cũng không phải là đê tiện, mà cái người chính đáng làm giàu cũng không nên khinh bỉ… Anh em trong thương giới ta có chí làm giàu hay không, tiến thủ thực là một vị phúc tinh ở trong thương trường vậy”.

Nội dung chữ “tâm” và chữ “đạo” được Cụ Lương Văn Can đúc kết thành “bình tâm công đạo”: “Cốt phải lòng công đạo, nhưng của gì có lợi tự nhiên mình cứ theo lẽ tự nhiên, thời không có lòng nghĩ càn mà không đến nỗi phải mạo hiểm”.

Trong đoạn văn trên, Cụ chỉ ra hai điều: Khát vọng làm giàu không phải là điều xấu, và thực nghiệp là con đường chính đáng để làm giàu. Thực nghiệp là những nghề nghiệp mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống con người. Thực nghiệp tạo ra của cải, làm cho dân giàu, nước mạnh. Vì vậy, những người kinh doanh thực nghiệp có lòng tiến thủ, có chí làm giàu chính là “phúc tinh” của kinh tế nước nhà.

Nhưng từ cách làm giàu không chính đáng, dân gian đã đúc kết thành tục ngữ “Vi phú bất nhân, vi nhân bất phú”. Do đó, Lương Văn Can muốn giới thiệu một “đạo làm giàu” hướng tới những người chưa hiểu đúng giá trị của kinh doanh, và những doanh nhân Việt Nam đang tìm kiếm phương hướng và động lực. Nội dung “đạo làm giàu” bằng kinh doanh thực nghiệp của cụ có thể đúc gọn trong ba chữ: tâm - đạo - đức.

Tâm: Theo Lương Văn Can, người kinh doanh phải có cái tâm trung thực, công bằng, nhân hậu. Hàng hoá phải là hàng thật. Lại phải biết kiềm chế lòng tham, đừng tham cầu lãi lớn, cũng không tham lợi nhỏ, để thiệt cho người khác. Như vậy, tuy trước mắt có thể thu lợi không nhiều, nhưng lợi nhuận vững bền. Ngược lại, những người kinh doanh lấy xảo trá, lừa lọc cầu lợi, cầu giàu là gây tội ác. Cụ viết: “Người có tâm nhân hậu, dùng thước cân đo thì tất là công bằng như nhất, không tham lợi nhỏ, để thiệt cho người khác, ấy gọi là thiện”. “Còn như kẻ có cái tâm vụng trộm, chuyên toan tính điều lợi cho mình, mua đi bán lại dùng cân thước khác nhau… chưa có ai không bị trời trách phạt”.

Đạo: Là nguyên tắc mà người kinh doanh cần phải tuân theo. Theo Lương Văn Can, để thành công bền vững, người kinh doanh cần phải tuân giữ sáu nguyên tắc căn bản: Thành thực, công bình, khoan hậu, trọng nghề nghiệp, trọng danh dự, trọng chữ tín.

Đức: Là đức tính, biểu hiện tốt đẹp cần được người kinh doanh gìn giữ. Theo Lương Văn Can, để thành công bền vững, người kinh doanh cần có sáu đức tính căn bản: Lương thiện, chuyên cần, tiết kiệm, kiên tâm, nghị lực, quý thì giờ. Bởi vì, lương thiện tạo nên lòng tin. Chuyên cần đem lại sự thành thạo. Tiết kiệm tạo ra tích luỹ. Kiên tâm tạo nên sự vững bền. Nghị lực tạo nên sự kiên quyết. Quý thì giờ tạo nên sự tập trung.

Trong đó, lương thiện và chuyên cần là hai đức tính được Lương Văn Can lưu ý nhiều lần. Lương thiện là không làm điều gì trái với pháp luật và đạo đức. Sự lương thiện tạo ra lòng tin và uy tín. Trong khi theo đuổi nghề nghiệp kinh doanh, cũng phải chuyên cần, để làm tròn phận sự. Trong Kim cổ cách ngôn, Cụ viết: “Cổ nhân nói rằng: người ta giàu có tuy nhờ có trí thức, khó nhọc, nhưng cũng do số mạng. Thế mà có loại người lấy xảo trá cầu giàu… không biết rằng tạo hoá lập tức lấy lại bằng cách khác chứ không được hưởng lâu, thế là tự mình gây tội ác, có ích gì đâu”. “Người ta chỉ tại siêng năng thời nghề nghiệp mới rộng nhiều được, chỉ tại lập chí cho bền thời công việc mới cao nhớn được, lại phải quyết đoán mà làm ngay thời ngày sau mới khỏi khó khăn”.

Nhưng chuyên cần không phải chỉ để làm tròn phận sự, mà còn để thạo việc thạo nghề và cầu tiến nữa. Cụ viết: “Thế giới tiến hoá vô cùng thì người ta tiến thủ cũng phải vô cùng, nếu không gắng sức tiến thủ thời không thành được sự nghiệp lớn”.

Tóm lại, ba chữ tâm - đạo - đức của Lương Văn Can là nền tảng bền vững của “đạo làm giàu” bằng kinh doanh thực nghiệp. Và khi đã làm giàu một cách bền vững, người làm giàu sẽ dễ dàng cống hiến cho xã hội.

Ngày nay càng cần “đạo làm giàu”

Xưa nay, làm giàu thì hầu như ai cũng muốn, nhưng nói đến “đạo làm giàu” thì hầu như ai cũng lấy làm khó hiểu. Bởi vì, những chủ thể làm giàu xưa nay ở Việt Nam hầu như không có ai giảng giải cho người khác về cái “đạo làm giàu” nếu có của mình, và sự giàu có của họ thường bị nghi ngờ vì thiếu minh bạch. Do đó, chủ đề “đạo làm giàu” cần được phổ biến để cung cấp phương hướng, động lực và mục tiêu tốt đẹp cho thế hệ trẻ mà trong bối cảnh hôm nay đang có điều kiện để làm giàu hơn bao giờ hết.

Thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay có lẽ đã từ bỏ lý tưởng lập thân: “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà/ Xong ba việc ấy, mới là đàn ông”; “Lấy chồng cho đáng tấm chồng/ Bõ công trang điểm má hồng, răng đen”. Có thể họ đã đạt được hay đang hướng đến: “Một vợ, hai con, ba lầu, bốn bánh” (nam); “Làm chủ tài chính, làm chủ cuộc đời” (nữ). Có gì không ổn với những mục đích đó không? Thiết nghĩ là không. Trái lại cần khuyến khích họ phấn đấu làm giàu. Đồng thời, trang bị cho họ “đạo làm giàu” chân chính. Người có “đạo làm giàu” là người biết nghĩ lớn, nhìn xa. “Nghĩ lớn” trong việc làm giàu là gắn các mục tiêu làm giàu của bản thân với ảnh hưởng xã hội, lợi ích của cộng đồng. “Nhìn xa” trong việc làm giàu là hướng tới sự thịnh vượng của xã hội, sự giàu mạnh của quốc gia.

“Thành thực và công bình là hai nguyên tắc được Lương Văn Can lưu ý nhiều lần. Trong Kim cổ cách ngôn”, Cụ viết: “Đừng lo thiếu thông minh, hãy lo không trung thực. Nếu gian dối mà được thời chỉ là bất nghĩa mà thôi”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đạo làm giàu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO