Đảm bảo nguồn cung hàng hoá cho thị trường phía Bắc
Trước ảnh hưởng nặng nề của bão số 3 (Yagi), nhiều doanh nghiệp (DN) lớn trong ngành thực phẩm và bán lẻ đã tăng cường sản xuất, cung ứng đảm bảo nguồn cung cấp hàng hóa, giữ ổn định giá cả và hỗ trợ cộng đồng.
Sẵn sàng tăng ca, tăng cường sản xuất
Mấy ngày qua, MM Mega Market ghi nhận lượng tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm khô như dầu ăn, bột mì, mì gói, đồ hộp, các loại đồ khô... tăng trên 50%, có lúc lên đến 80% tại các trung tâm khu vực miền Bắc. Các sản phẩm pin, đèn pin, bếp cồn, cồn khô, nước ngọt và bánh mỳ được tăng cường hơn thường ngày, dự kiến còn có nhu cầu trong những ngày kế tiếp.
Trong khi đó, sức mua và lượng khách tại siêu thị Co.opmart cũng tăng 50% so với ngày thường. Các đơn hàng đặt trực tuyến tăng gấp 2-3 lần, tập trung vào nhóm các thực phẩm khô như mì, bún, miến, phở ăn liền, lương khô, sữa, bánh kẹo.
Trước nhu cầu lương thực, thực phẩm tăng cao trong những ngày sau bão, các DN ngành thực phẩm tại TP.HCM cho biết đang tăng cường sản xuất, thậm chí là tăng ca. Ông Nguyễn Ngọc An - Tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết, nguồn cung cho thị trường phía Bắc không thiếu. Nhà máy sản xuất của Vissan tại Bắc Ninh luôn sẵn sàng tăng ca. Trong khi chi nhánh tại Hà Nội quản lý hơn 110 nhà phân phối ở các tỉnh thành đang hoạt động ổn định. Công ty duy trì chính sách sản xuất với lượng tồn kho đủ cung ứng trong 10 - 20 ngày liên tiếp.
Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA), cộng đồng DN ngành thực phẩm thành phố sẵn sàng tăng ca, tăng cường sản xuất, đưa lương thực thực phẩm ra miền Bắc nhằm bình ổn thị trường, không để thiếu hàng và đảm bảo không tăng giá bán. Theo bà Chi, ngay khi nhận được thông tin bão số 3 gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh phía Bắc, lãnh đạo FFA đã làm việc với các đơn vị sản xuất chủ lực thuộc hiệp hội để đánh giá tình hình cung ứng và tăng cường sản xuất trong tình hình miền Bắc thiếu hàng tạm thời.
“Chúng tôi sẽ đảm bảo cung cấp đủ các loại thực phẩm khô và thực phẩm chế biến cho các tỉnh miền Bắc để ổn định thị trường, cam kết không tăng giá bán trong suốt giai đoạn khắc phục hậu quả bão lũ. Các DN thành viên FFA cũng đang làm việc với các đơn vị bán lẻ, đơn vị vận chuyển nhanh chóng đưa hàng hóa ra miền Bắc trong thời gian sớm nhất", bà Chi cho biết.
Đảm bảo nguồn cung ứng, ổn định giá cả
Trong khi các DN tăng cường sản xuất, các nhà bán lẻ cũng đẩy mạnh cung ứng hàng hóa cho thị trường phía Bắc. Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, Co.opmart khu vực miền Bắc phối hợp cùng Trung ương hội Chữ thập đỏ vận chuyển hàng đến các địa phương bị thiệt hại do mưa lũ, sạt lở. Saigon Co.op đã nhanh chóng tăng lượng hàng dự trữ dành cho khu vực miền Bắc gấp 3 lần so với ngày thường. Các đơn hàng được nhân viên sắp xếp, nỗ lực giao trong ngày.
Đối với những khu vực đang bị giao thông chia cắt, Co.opmart trao đổi với khách hàng nhằm tìm kiếm giải pháp giao nhận thuận tiện nhất. Ngoài việc đảm bảo nguồn hàng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả bình ổn, Co.opmart tiếp tục giảm giá sâu 15-40% đối với các mặt hàng thiết yếu.
“Trung tâm phân phối miền Bắc của Saigon Co.op (tại Bắc Ninh) được đặt trong trạng thái khẩn trương nhất, toàn bộ nhân viên tăng ca làm việc 24/24 để xử lý và điều phối xe vận chuyển hàng hóa. Số lượng xe được Saigon Co.op điều hướng từ các trung tâm khác đến phục vụ riêng cho thị trường miền Bắc tăng gấp 3 lần so với ngày thường”, ông Thắng nói.
Rau ăn lá, trái cây là mặt hàng chịu ảnh hưởng nhiều nhất theo tình hình thời tiết, nên Saigon Co.op đã tăng cường mặt hàng này từ Đồng Nai, Lâm Đồng, Đà Lạt và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Saigon Co.op đã đặt hơn 200 tấn và sẽ vận chuyển liên tục từ Nam ra Bắc. Co.opmart hướng dẫn nhà cung ứng thịt gia súc, thịt gia cầm giao sản phẩm trực tiếp đến siêu thị. Như vậy, sản phẩm sẽ giữ được độ tươi mát đồng thời khai thác tối đa hệ thống vận chuyển của 2 bên.
Hệ thống MM Mega Market cũng đang tăng dự trữ nguồn hàng thực phẩm do lo ngại sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể xảy tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ, bảo đảm có đủ nguồn hàng tươi sống như rau củ quả, thịt heo… đi khắp các tỉnh, thành Bắc Bộ, đặc biệt là Quảng Ninh, Hải Phòng...
“MM Mega Market đã tăng lên 2 chuyến xe vận chuyển rau củ quả (tương đương 16 tấn) từ Bình Dương và Lâm Đồng đến Hà Nội mỗi ngày. Riêng trong ngày 11/9, MM Mega Market đã vận chuyển 1.000 thùng mì và 300 thùng nước khoáng (500mlx24 chai) từ Thăng Long (Hà Nội) lên Lạng Sơn. Chúng tôi vẫn nỗ lực duy trì nguồn cung ổn định nhất có thể với cam kết không tăng giá hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng tươi sống như rau củ quả, thịt cá...”, Giám đốc đối ngoại MM Mega Market Việt Nam Trần Phương Nga cho biết.
Tương tự, ông Olivier Langlet - Tổng giám đốc Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, ngay từ cuối tuần trước, Central Retail Việt Nam đã chuẩn bị những chuyến xe tăng cường hàng hóa cho miền Bắc. Theo đó, trung bình mỗi chuyến xe đi từ Đà Lạt giao cho miền Trung và miền Bắc 40 tấn/chuyến, nay tăng lên 75 - 80 tấn/chuyến.
Tính đến ngày 9/9/2024, Central Retail Việt Nam đã vận chuyển 3 chuyến hàng đến các siêu thị GO!, Big C miền Bắc, với khoảng 150 tấn rau, củ, quả các loại. Nhờ vậy, lượng hàng những ngày ngay sau bão tại GO!, Big C đã tăng 100% sản lượng so với ngày thường.
“Cùng với việc tăng cường nguồn hàng, tại những địa phương có siêu thị GO!, Big C hoạt động, chúng tôi cử nhân viên tham gia, phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan ban ngành, trực tiếp đi trao hàng cứu trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Ngay từ chiều ngày 10/9, nhân viên GO! Hà Nam đã trao các mặt hàng thiết yếu cho các hộ dân chịu ảnh hưởng bão lụt”, ông Olivier Langlet cho biết.