Thời sự

Đảm bảo mục tiêu kép trong điều hành xuất khẩu gạo

Thanh An 27/05/2024 - 11:35

Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động xuất khẩu gạo, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi cho thương nhân xuất khẩu gạo.

Cụ thể, về hỗ trợ xuất khẩu, Bộ Công thương sẽ triển khai các hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, thương hiệu Gạo Việt Nam, hoạt động xúc tiến thương mại để khai thác hiệu quả lợi thế từ hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm đa dạng hóa, chiếm lĩnh thị trường mới, tiềm năng và nâng cao sức cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.

Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các văn phòng xúc tiến thương mại, trung tâm giới thiệu sản phẩm Việt Nam hỗ trợ thương nhân xuất khẩu gạo thiết lập các kênh phân phối trực tiếp; triển khai hoạt động quảng bá gạo Việt Nam, đặc biệt là gạo chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao thâm nhập các thị trường khó tính, thị trường ngách.

Mặt khác, Bộ cũng yêu cầu hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước theo dõi và cập nhật chính sách, động thái của các nước sản xuất và xuất khẩu gạo. Qua đó, kịp thời thông tin đến các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo hiệu quả.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiến hành hướng dẫn Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nâng cao năng lực đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu, cập nhật tình hình xuất khẩu gạo và hỗ trợ thương nhân xử lý vướng mắc trong trường hợp cần thiết.

gao1.jpg
Bộ Công Thương yêu cầu hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước theo dõi và cập nhật chính sách, động thái của các nước sản xuất và xuất khẩu gạo

Về cân đối cung cầu, bình ổn giá, đảm bảo an ninh lương thực trong nước, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường, chủ động chỉ đạo các địa phương có phương án chuẩn bị nguồn cung, đảm bảo cung cầu mặt hàng gạo, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, góp phần bình ổn giá gạo nói riêng và giá lương thực nói chung, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Đặc biệt, chú trọng việc đôn đốc Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, bao gồm việc báo cáo định kỳ về lượng thóc, gạo tồn kho, tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo; tình hình thu mua thóc, gạo hàng hóa nhằm đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa và duy trì mức dự trữ lưu thông theo quy định.

Song song đó, Bộ cũng đề nghị lực lượng quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tại các địa phương theo dõi sát, kiểm tra, giám sát hoạt động lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn và việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, gây bất ổn thị trường trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đảm bảo mục tiêu kép trong điều hành xuất khẩu gạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO