Trong những nhiệm kỳ Quốc hội và HĐND các cấp gần đây, cơ cấu đại biểu doanh nhân tham gia ứng cử và trúng cử có xu hướng tăng lên. Như vậy, có thể khẳng định đại biểu doanh nhân trong Quốc hội và HĐND có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển đất nước.
Ngoài ra, nếu trước nay các đại biểu doanh nhân tham gia phần lớn thuộc doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn, tổng công ty, thì trong những nhiệm kỳ gần đây, số lượng doanh nhân tư nhân chiếm số lượng nhiều hơn. Điều này hoàn toàn phù hợp khi doanh nghiệp tư nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế đất nước.
Doanh nhân tham gia nghị trường, họ có lợi thế kinh nghiệm thực tiễn trong môi trường kinh doanh. Từ đó, họ sẽ vận dụng tất cả hiểu biết của mình để tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, kiện toàn thể chế, chính sách quốc gia.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Theo đánh giá của Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế”, cùng với sự tăng nhanh về số lượng và quy mô của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đội ngũ doanh nhân nước ta đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động và các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo.
Đội ngũ doanh nhân trong khu vực ngoài nhà nước ngày càng đông đảo, thể hiện tính năng động, hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đội ngũ doanh nhân đã phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm với xã hội, từng bước nâng cao được uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Nhiều doanh nhân đã tích cực tham gia các chương trình xã hội, chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, gắn bó hơn với giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Một thực tế, đất nước ta đang trong quá trình phát triển, cơ chế chính sách chưa hoàn chỉnh, nên doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức.
Và để kinh tế phát triển mạnh mẽ và bền vững, Quốc hội và HĐND các cấp cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đồng thời với việc công khai minh bạch các định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển. Nghiên cứu và hoàn thiện pháp luật về sở hữu, quyền kinh doanh, tạo lập môi trường pháp lý cho cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, xóa bỏ đặc quyền và độc quyền kinh doanh. Tiếp tục cải cách hành chính, bảo đảm các cơ quan và người thi hành công vụ hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nhân. Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nhân trong quá trình ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật...
Quá trình hoàn chỉnh các nội dung trên rất cần sự tham gia của đại biểu doanh nhân với những ý kiến đóng góp chất lượng để có thể giúp hoàn thiện các điều luật hoặc đưa ra các giải pháp hữu hiệu điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.
Trong lần bầu cử này, việc lựa chọn đại biểu doanh nhân xứng đáng trở thành đại biểu của dân có ý nghĩa quan trọng để bảo đảm tiếng nói và vai trò của doanh nhân đối với hoạt động của Quốc hội và HĐND; mặt khác, khuyến khích, tạo điều kiện cho lực lượng doanh nhân tham gia đóng góp xây dựng pháp luật và khát vọng cho Tầm nhìn Việt Nam 2045 phồn vinh khi đất nước kỷ niệm 100 năm độc lập bắt đầu đi vào cuộc sống.
Người đại biểu doanh nhân của dân không được là một danh hiệu trang trí.