Quy hoạch một tiểu dự án ở Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong. |
Ông Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội nhìn nhận: "Để đảm bảo cho sự thành công của đặc khu, thứ quan trọng nhất là thể chế. Thể chế tốt sẽ có người tài...".
* Thưa ông, trong ba đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, ông đặt niềm tin đặc biệt vào đặc khu nào và vì sao?
- Kinh nghiệm thực tế cho thấy, những đặc khu thành công bao giờ cũng ở gần với một trung tâm kinh tế lớn. Thâm Quyến phát triển nhanh như vậy là vì nó khá gần với Hồng Kông. Vân Đồn thì khá gần với Trung Quốc, một trong hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Mặc dù gần với Trung Quốc cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định, nhưng chưa hẳn là rủi ro kinh tế và tôi tin, tiềm năng của đặc khu này là rất lớn. Phú Quốc là khu vực được định hướng phát triển du lịch khá rõ ràng. Tôi nghĩ, Phú Quốc cũng rất có tiềm năng. Riêng khu Bắc Vân Phong thì có vẻ khó khăn hơn vì vị trí địa lý không thuận lợi như hai khu còn lại. Đặc khu này sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn để có thể thu hút mạnh các nhà đầu tư.
* Vậy yếu tố nào là mấu chốt nhất để đảm bảo sự thành công cho các đặc khu?
- Tôi cho rằng, chúng ta không nên định hướng phát triển cho đặc khu trước khi bổ nhiệm được các trưởng đơn vị này. Nếu định hướng trước thì các trưởng đặc khu còn việc gì để làm nữa? Để đảm bảo sự thành công của đặc khu, quan trọng nhất là thể chế.
Thể chế tốt sẽ thu hút được người tài. Việc định hướng trước chưa hẳn đã hữu hiệu bằng việc để cho người tài họ tự xác định. Còn một vấn đề nữa, các đặc khu kể trên có điều kiện, vị trí khác nhau nên không thể đánh đồng được. Cần phải căn cứ vào những thuận lợi riêng để phát triển.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội |
* Theo ông, thể chế là điều kiện tiên quyết, sau đó là thu hút người tài để họ định hình. Tuy nhiên, hiện đang có một số ý kiến lo ngại cho rằng, Việt Nam đã gia nhập WTO lâu rồi, phải tuân thủ các quy định về tự do thương mại, sòng phẳng trong giao thương với các nước và đó có thể là rào cản khi Việt Nam đưa ra các ưu đãi với đặc khu?
- Thể chế thực chất không phải là một ưu đãi và WTO không cản trở thể chế. Chúng ta đã biết, có những mô hình thể chế đặc biệt hấp dẫn, được cả thế giới ghi nhận như Luật Thương mại ở Anh chẳng hạn. Hiện, có rất nhiều nước đi theo mô hình này như Mỹ, Canada, Singapore, Úc... và cũng đều thành công.
Vậy thì tại sao chúng ta lại không tiếp nhận những thể chế đó mà cứ dứt khoát phải là luật của ta, thể chế của ta? Nếu áp dụng cho các đặc khu, chỉ cần tuyên bố luật thương mại của ta là theo Anh thôi thì cả thế giới cũng biết ta sẽ làm những gì rồi. Đó cũng là một trong những sức hút rất lớn.
Với doanh nghiệp, cái quan trọng nhất không phải là ưu tiên, ưu đãi mà là môi trường làm ăn dễ và thuận lợi. Điều đó phụ thuộc rất lớn vào thể chế. Có thể chế tốt, không nhất thiết phải có bộ máy chính quyền lớn. Phát sinh ra các vấn đề tranh chấp gì, người dân, doanh nghiệp chỉ cần một vài ông thẩm phán để giải quyết chứ không nhất thiết phải cần đến cả một tòa trọng tài làm gì.
* Trong dự thảo đặc khu hành chính cũng có đưa ra các phương án như có HĐND, UBND, ông nghĩ sao về phương án này?
- Ở đây cần xác định rõ, chúng ta cần cái gì. Nếu chọn một mô hình phát triển nhanh, quyết định nhanh, kinh tế có đà phát triển nhanh thì phải lựa chọn mô hình chỉ có một người đứng đầu. Còn nếu chúng ta lựa chọn dân chủ, chế ước quyền lực với HĐND và UBND thì quyền lực sẽ không nằm ở một cơ quan trọn vẹn. Một bên đứng đầu về hành chính, một bên là cơ quan dân cử, và hai cơ quan này kiểm tra, giám sát lẫn nhau. Khi ấy, việc quyết các vấn đề không thể nhanh chóng được. Vì vậy, nếu đã lựa chọn để cho nền kinh tế phát triển nhanh thì không nên có HĐND.
* Hiện nay, mô hình trưởng đặc khu được xem là tối ưu, nhưng việc lựa chọn người tài khá khó khăn. Ông nghĩ sao nếu có phương án đưa chuyên gia nước ngoài về làm trưởng đặc khu?
- Đây cũng là một phương án có thể đưa ra thảo luận. Tuy nhiên, sẽ rất khó khăn vì sẽ bị chi phối bởi các yếu tố văn hóa. Nếu không thấu hiểu văn hóa người Việt thì sẽ rất khó lãnh đạo, định hướng cho sự phát triển. Hơn nữa, nếu thực sự muốn làm, muốn cống hiến nhiều, muốn sự thay đổi cho xã hội thì cũng phải có lòng yêu nước thôi thúc. Thuê người nước ngoài về để điều hành doanh nghiệp thì được còn để điều hành một đặc khu thì rất khó.
* Vậy theo ông, nên giải quyết "bài tóan khó” này bằng cách nào?
- Việc lựa chọn người tài trong nước tuy khó, nhưng không phải không thể làm. Quan trọng là phải thay đổi cách lựa chọn. Không thể dùng cách mà lâu nay chúng ta vẫn làm để lựa chọn cán bộ mà cần phải có một cơ chế thi tuyển công bằng.
Tôi ví dụ, để chọn được những người tài thực chất, hãy đi khắp nước, "ngắm" những ông bí thư huyện, bí thư tỉnh, xem các ông ấy điều hành địa phương mình phụ trách như thế nào, có vực lên được không? Sau đó thì cho các ông ấy đi thăm các đặc khu và thi với nhau. Thử xem nếu được cử làm trưởng đặc khu thì người đó sẽ làm gì để phát triển nhanh nhất, xác định cái gì là quan trọng nhất...
* Cảm ơn ông.