Thông tin trên được ghi nhận tại tọa đàm trực tuyến Sống chung với Covid-19 - nhận định và dự báo do YBA - Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM tổ chức tối 20/8.
Dự báo về cuộc sống bình thường mới ở Việt Nam, TS. Bách nhận định vào năm 2024 nền kinh tế Việt Nam sẽ vực lại được nếu trong nước có đủ vaccine. Đây là mấu chốt để giữ chân các công ty FDI và những người yêu thích nền kinh tế mới nổi Việt Nam.
Khi DN tích cực tiêm phòng Covid-19 cho nhân viên, họ sẽ hoạt động và sản xuất lại bình thường. Tuy nhiên, ông Bách cảnh báo, Việt Nam cần phải cảnh giác khi chuỗi cung ứng đứt gãy trong thời gian giãn cách xã hội, nguy cơ các đơn hàng tương lai từ Việt Nam sẽ rơi vào những nước xuất khẩu thay thế trong thời gian này.
TS. Bách cũng cảnh báo bài học từ Trung Quốc, hơn 1 triệu người dân lao động nhập cư đã rời thành phố Vũ Hán trong làn sóng dịch đầu tiên. Câu chuyện này cũng tương tự những người lao động từ các tỉnh thành đến TP.HCM đang tìm mọi cách về quê vì không đủ điều kiện sinh sống trong thời gian này.
Để tránh xảy ra khủng hoảng xã hội khi không thể an sinh, lúc này Nhà nước nên vét ngân khố để cứu họ. Ông Bách cho rằng không tránh khỏi một số trường hợp gian lận để nhận tiền cứu trợ, nhưng ông tán thành quan điểm dù phát nhầm còn hơn bỏ sót những người đã từng góp phần làm nên nền kinh tế phồn thịnh ở Việt Nam.
Kinh tế Việt Nam sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng khi xu hướng toàn cầu hóa đang sắp xếp lại. Theo đó, Đông Nam Á sẽ là điểm nóng của thế giới cần phải bảo vệ, khi các trung tâm kinh tế thế giới là Mỹ, châu Âu và Trung Quốc xung đột.
Khi dịch bệnh xảy ra, ngành tổn thương lớn nhất là hàng không, du lịch, nghệ thuật, thể thao kéo theo hàng loạt công ty phá sản và lực lượng thất nghiệp tăng nhanh. Giá thực phẩm, xăng dầu tăng 5%, vật liệu khan hiếm, nhiều siêu thị cửa hàng dần biến mất.
Ngành được hưởng lợi nhất là thương mại điện tử (TMĐT), các công ty giao nhận và các công ty phần mềm. Dịch vụ chăm sóc khách hàng của các công ty TMĐT toàn cầu hiện đang ở giai đoạn bùng nổ, lớn mạnh đến nỗi phải dùng máy bay riêng để giao hàng, điều hiếm hoi trước kia. Việt Nam rồi cũng sẽ giống như vậy.
Nợ công tăng cao ở rất nhiều quốc gia sẽ là gánh nặng trong tương lai. Do đó, tiền mã hóa sẽ được cân nhắc như một phương tiện trao đổi giao dịch để giảm bớt sức nặng trả nợ. Bất động sản sẽ trở thành phương tiện tích trữ trong tương lai trong khi việc trả nợ công còn bất định.
Nhiều ngành nghề sẽ quen dần với xu hướng làm việc ở nhà (Home Office). Theo đó, giá bất động sản xa thành phố sẽ tăng cao, có thể xa hơn 50km từ trung tâm. Số dân nhập cư vào thành phố sẽ giảm vì người dân giảm đi lại làm việc và học hành. Theo đó, các khách sạn nhà hàng cũng sẽ giảm khách.
Dưới ảnh hưởng của đại dịch, sức khỏe của con người và Trái Đất trở thành mối quan tâm hàng đầu. Trong khi con người đấu tranh với bệnh dịch thì Trái Đất phải đấu tranh với các hiện tượng biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan hơn.
Về ngành giáo dục, TS. Bách dự báo trong tương lai các nước sẽ ưu tiên tạo điều kiện cho học sinh sinh viên quay trở lại trường để học, vì đây mới là cách học hiệu quả nhất. Giới trẻ đang bị hổng kiến thức do đại dịch rất cần quay lại trường.
Từ những dự báo, TS Bách kết luận rằng đây là lúc con người nên thực hành nguyên lý cho và nhận hài hòa - nguyên lý sống quan trọng nhất của Phật giáo. Thăng trầm của đại dịch giúp con người thấu hiểu hơn về luật vô thường mà tạo hóa đã luôn chi phối con người và thế giới. Người châu Á từng sống với xã hội nhiều hơn với gia đình, nay có cơ hội gần gũi hơn với người thân. Theo TS. gia đình là chỗ dựa của con người dù xã hội có bất ổn đến đâu.
Người Việt từng nhận quá nhiều từ xã hội và thiên nhiên, theo TS. Nguyễn Tường Bách đây chính là thời điểm nên cho đi. "Đây là lúc chúng ta dạy trẻ em cách chia sẻ, dạy giới trẻ biết cho đi công sức, dạy người lớn biết cho đi tiền bạc... Khi thực hành được điều này, bình an sẽ đến với chúng ta" - TS. Nguyễn Tường Bách kết luận.