Phòng thí nghiệm trọng điểm: Xây “giấc mơ R&D”

HÀ CÚC| 03/11/2008 09:40

TP.HCM có thêm ba phòng thí nghiệm với quy mô hiện đại nhất nước, được đầu tư nhiều chục tỷ đồng. Thêm những nỗ lực mới để VN bắt đầu bước vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), nhưng trước mắt vẫn còn nhiều câu hỏi lớn.

Phòng thí nghiệm trọng điểm: Xây “giấc mơ R&D”

TP.HCM có thêm ba phòng thí nghiệm với quy mô hiện đại nhất nước, được đầu tư nhiều chục tỷ đồng. Thêm những nỗ lực mới để VN bắt đầu bước vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), nhưng trước mắt vẫn còn nhiều câu hỏi lớn.

Ngày 24/10, Trung tâm Nghiên cứu và triển khai Khu công nghệ cao (KCNC) TP.HCM đã khai trương ba phòng thí nghiệm (PTN). Ba PTN gồm Nghiên cứu vật liệu Nano (Nano Technology Lab), Công nghệ vi mạch bán dẫn (Semiconductor Lab) và Cơ khí chính xác-tự động hóa (Precision Mechanics and Automation Lab).

Ngoài ra, để phục vụ cho các phòng thí nghiệm này, tại KCNC còn có phòng sạch, dùng cho các thí nghiệm chế tạo linh kiện vi cơ điện tử của cả hai phòng thí nghiệm Nano và bán dẫn. Chỉ riêng tổng giá trị đầu tư của Phòng sạch là hơn 37 tỷ đồng; hay thiết bị FESEM S4800 (Nhật) tại PTN nghiên cứu vật liệu Nano có giá trị khoảng nửa triệu USD...

Phòng sạch tại Khu Công nghệ cao TP.HCM được đầu tư hơn 37 tỷ đồng - Ảnh: Quý Hòa


Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai (R&D) KCNC, đơn vị chủ quản của 3 phòng PTN kể trên được đầu tư hơn 190 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Ba chức năng chính của Trung tâm R&D là nghiên cứu và triển khai các đề tài, dự án khoa học công nghệ; sản xuất và kinh doanh; tham gia đào tạo nhân lực công nghệ cao.

Đây là những PTN có quy mô và công nghệ hiện đại nhất tại VN ở thời điểm này, được phát triển theo quy hoạch các PTN trọng điểm (PTNTĐ). Theo các nhà quản lý tại đây, các PTN này có thể là bệ phóng cho việc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ trong nước.

Cùng với ba PTNTĐ tại TP.HCM, cả nước hiện có 17 PTNTĐ đã hoàn thành giai đoạn đầu tư và một số bắt đầu đi vào hoạt động. PTNTĐ được phát triển theo định hướng trở thành những trung tâm nghiên cứu xuất sắc nhằm tập hợp được những lực lượng nghiên cứu mạnh, nhằm giải quyết những vấn đề mới trong lĩnh vực công nghệ cao.

Trong thực tế, do có các trang thiết bị hiện đại nên nhiều PTNTĐ đã cho ra đời các kết quả nghiên cứu có ý nghĩa lớn mà trước đây không thể làm được. Ví dụ các công trình được công bố quốc tế của PTN Công nghệ gen năm 2007 có 17 công trình, trên 400 trình tự gen được công bố trên ngân hàng dữ liệu gen quốc tế; PTN vật liệu và linh kiện điện tử có trên 40 công trình được công bố trên các tạp chí nổi tiếng của thế giới...

Tuy nhiên, một số PTNTĐ có hiệu quả khai thác rất thấp, thậm chí rất vất vả để duy trì hoạt động. Cách đây không lâu, báo chí từng thông tin về các PTNTĐ không hiệu quả, đầu tư lớn nhưng rồi “trùm mền”. Chẳng hạn, PTNTĐ Viện Sinh học nhiệt đới được phê duyệt đầu tư từ năm 2003 với tổng kinh phí ngân sách khoảng 54 tỷ đồng và hoàn thành vào năm 2007.

Theo lãnh đạo Phòng Quản lý tổng hợp thì chỉ mới đưa vào sử dụng được 30% trong tổng số máy móc, thiết bị đã mua sắm. Nguyên nhân là do thiếu đề tài, dự án thực hiện. Tình hình cũng tương tự đối với các PTN của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM về vật liệu polymer và composite nhưng chưa có đề tài “tầm cỡ” nào để thực hiện, mà chủ yếu phục vụ những thí nghiệm của sinh viên, nghiên cứu sinh...

Chính vì vậy, nhiều người cũng đã đặt vấn đề về thời điểm khai trương ba PTNTĐ mới, nếu không được triển khai ngay thì nhiều PTNTĐ có nguy cơ khi được đưa vào hoạt động thì trình độ kỹ thuật đã lỗi thời. Làm sao tránh hiện tượng lãng phí trong mua sắm trang thiết bị, gây tình trạng máy móc thiếu đồng bộ?

Theo thông tin từ KCNC TP.HCM, hiện Trung tâm R&D vừa có một số thành công nhất định trong việc nghiên cứu phát triển công nghệ mới, gắn liền với hoạt động của doanh nghiệp. Cụ thể như Dự án mực in Nano cho máy in offset bằng kỹ thuật số (Digital Offset) hợp tác với Công ty Bút bi Thiên Long; hợp tác sản xuất đầu dị kính hiển vi điện tử AFM dùng carbon nano tube với Trung tâm Không gian Hoa Kỳ Nasa...

Hiện nay Trung tâm cũng có nhiều đề tài và dự án hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước sắp được thực hiện. Một lãnh đạo của Trung tâm nói rằng, các dự án đã thực hiện có phần quan trọng là nhờ mối quan hệ của chính các chuyên gia của PTN. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu tại các PTN tại đây bao gồm 5 tiến sĩ (các chuyên gia Việt kiều) và 24 kỹ sư.

Nhân lực vẫn là một vấn đề lớn khi mà lương của các kỹ sư chỉ khoảng 3 triệu đồng. Trả lời báo chí, PGS.TS Trần Văn Minh, Giám đốc PTN phía Nam về Công nghệ tế bào thực vật thuộc Viện Sinh học nhiệt đới cho biết, tổng kinh phí vừa đủ cho bộ máy hoạt động, cũng như dùng để trả lương cho cán bộ và bảo trì máy móc tối thiểu phải là 1,5 tỷ đồng/năm.

Do khó khăn trong việc duy trì nguồn kinh phí này, ngày càng nhiều cán bộ làm việc lâu năm, có thể vận hành thành thạo nhiều loại thiết bị phức tạp, xin chuyển công tác. Vì vậy, câu hỏi dư luận đặt ra là vốn đầu tư khổng lồ của Nhà nước sẽ đi về đâu nếu tiếp tục kéo dài hoạt động của các PTN không hiệu quả?

Về vấn đề này, PGS.TS Trần Quốc Thắng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết Bộ phối hợp với các bộ ngành liên quan có cơ chế giám sát, đánh giá hoạt động của các PTN hai năm một lần. Từ kết quả đánh giá đó sẽ có những chế tài cụ thể đối với những PTN không hiệu quả và có các thiết bị “trùm mền” như không tiếp tục đầu tư, cơ cấu lại tổ chức quản lý và hoạt động, thậm chí là giải thể PTN đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phòng thí nghiệm trọng điểm: Xây “giấc mơ R&D”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO