"Lỗi hệ thống"

THƯ ANH| 23/07/2009 09:13

Kết quả khảo sát Chỉ số Dịch vụ Toàn cầu 2009 do hãng AT Kearney tiến hành tại 50 quốc gia cho biết, VN lần đầu tiên lọt vào bảng 10 nước dẫn đầu về gia công phần mềm.

Kết quả khảo sát Chỉ số Dịch vụ Toàn cầu 2009 (GSLI) do hãng AT Kearney tiến hành tại 50 quốc gia cho biết, VN lần đầu tiên lọt vào bảng 10 nước dẫn đầu về gia công phần mềm (GCPM). Đồng thời, đây cũng là năm đầu tiên VN được Gartner đưa vào danh sách 30 địa điểm đáng chú ý trong ngành này.

Thông qua các báo cáo trên, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM (HCA) nhận định, trong hai năm liền (2008 và 2009), ưu thế duy nhất của GCPM VN là chi phí thấp. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đưa ra cái nhìn xa hơn khi dự đoán VN sẽ duy trì ưu thế này trong vòng 30 năm nữa, đến khi thoát khỏi nhóm quốc gia có GDP thấp trên thế giới. Bài toán đặt ra là liệu VN có nên duy trì lợi thế này hay không?

Trong 5 năm tới, Chính phủ sẽ chi 900 tỷ đồng đào tạo nguồn nhân lực CNTT, phấn đấu đưa VN trở thành quốc gia mạnh về CNTT

Mặc dù được thế giới đánh giá cao, nhưng nghịch lý là doanh thu từ GCPM của VN rất thấp. Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm VN (Vinasa), doanh thu của toàn ngành phần mềm VN đạt 300 triệu USD trong năm 2006; 498 triệu USD năm 2007; khoảng 600 triệu USD năm 2008 và năm nay dự báo toàn ngành chỉ tăng 10%. Trong đó, GCPM chỉ chiếm khoảng 30% tổng doanh thu của toàn ngành phần mềm. Con số này quả là nhỏ bé nếu so sánh với những quốc gia mạnh về GCPM cùng đứng trong top 10 với VN, như Trung Quốc đạt 110 tỷ USD năm 2008, còn Ấn Độ là 52 tỷ USD.

Nhìn lại ngành công nghiệp phần mềm VN nhiều năm qua mới thấy, mặc dù được xếp vào hàng “lĩnh vực mũi nhọn”, nhưng công nghiệp phần mềm VN vẫn chưa bước qua được giới hạn “bán sức lao động” - lặp lại yếu kém của các ngành dệt may hay thủ công tốn tài nguyên khác. Một loạt trở ngại đang đe dọa cái gọi là “tiềm năng” của cả ngành.

Nếu xét về trình độ, VN còn kém xa các nước như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Philippines, và cả Ấn Độ. Phần nhiều kỹ sư của VN mới chỉ có một vài kỹ năng lập trình đơn giản, năng suất thấp. Thêm vào đó là tình trạng hỗn loạn tự phát về thị trường nguồn cung; nhân lực biết ngoại ngữ Anh/Pháp/Nhật hiếm; chi phí quá cao cho văn phòng, viễn thông... Theo đánh giá mới đây của International Telecommunication Union (ITU), chỉ tiêu kỹ năng ICT (ICT Skill Index) của VN xếp ở vị trí 102, khá thấp so với 5 năm trước đây - một bước lùi đáng kể.

Theo một khảo sát của Hội Tin học TP.HCM (HCA), tổng nhân lực toàn ngành phần mềm hiện nay khoảng 30.000 người. Hội ước tính, để VN có mặt trong nhóm các quốc gia hàng đầu về công nghiệp phần mềm vào khoảng năm 2025 thì phải có khoảng 1 triệu kỹ sư phần mềm, tương đương với việc phải đào tạo 65.000 kỹ sư phần mềm mỗi năm. Nếu tính mỗi 10.000USD sẽ đào tạo được 1 kỹ sư phần mềm đủ sức làm việc trên thị trường quốc tế, thì phải đầu tư 10 tỷ USD từ nay đến 2025. Dẫn con số trên, Tiến sĩ Nguyễn Trọng, nguyên Chủ tịch HCA cho rằng, ngành công nghiệp phần mềm chưa được Chính phủ đặt thành ngành công nghiệp chiến lược.

Theo đánh giá của BSA về nguồn nhân lực phần mềm VN, trong số mười sinh viên chỉ chọn được một người đủ trình độ đáp ứng được yêu cầu làm việc. Lỗi này không chỉ của sinh viên, mà chính là lỗi của cả hệ thống giáo dục từ cấp cơ sở. Có lẽ khi nhìn vào “lỗi hệ thống” mới thấy dự báo “lợi thế 30 năm giá rẻ” của công nghiệp phần mềm VN là hợp lý. Nhưng cũng chỉ hợp lý nếu ngành này sửa được lỗi hệ thống...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Lỗi hệ thống"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO