![]() |
Tám trong số chín doanh nghiệp (DN) viễn thông tham dự cuộc họp với lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã đồng tình với Bộ về quyết định chưa kéo dài số di động. Như vậy, phương án kéo dài đầu số 09x do một trong các DN di động là Viettel sốt sắng đề xuất đã bị gác lại. Hóa ra dư luận lâu nay sợ cháy kho số chỉ là quá lo xa!
Bề nổi
Lý do chính được đưa ra trong lập luận bác phương án kéo dài đầu số di động hiện nay là... vì kho số của chúng ta vẫn còn nhiều. Cụ thể, tổng số đầu số của Việt Nam được xem là tài nguyên quốc gia là khoảng 800 triệu số, gấp hơn 9 lần dân số hiện hữu. Tính tới nay, Bộ TT&TT đã cấp ra gần 30 đầu số với khoảng 200 triệu số di động, như vậy là chỉ mới xài hết 1/4 kho tài nguyên số di động, dù là... xài hoang phí.
![]() |
Mặc dù còn nhiều những tài nguyên đầu số không thể sử dụng phung phí - Ảnh Quý Hòa |
Con số này được tiết lộ khiến các mạng di động cảm thấy nhẹ nhõm hẳn vì sẽ giúp làm nhạt nhòa dư luận qui họ vào tội đốt cháy kho đầu số, lãng phí tài nguyên quốc gia trong nhiều năm qua. Vậy chả nhẽ dư luận đã quá lo xa? Trên thực tế, trong khoảng 200 triệu số được cấp ra chỉ có khoảng 120 triệu số đang được sử dụng.
Nhưng đây cũng là lý do chính đáng nhất để bác phương án kéo dài đầu số 09x: Nếu kéo dài đầu số sẽ gây xáo trộn, phiền hà cho cả trăm triệu thuê bao đang sử dụng. Lý do này thậm chí còn thuyết phục hơn “lý do chính” ở trên, và cũng có áp lực lớn hơn từ dư luận vì chả mấy người sử dụng di động muốn phải nhớ những con số kéo dài thêm của người khác và ngay cả của chính mình.
Nhưng, với một số người hiểu chuyện, vấn đề không chỉ ở hai lý do trên, mà còn có những yếu tố tế nhị xen vào mối quan hệ giữa các nhà mạng với nhau.
Trong kho đầu số 09x hiện chỉ còn đầu 099 là chưa cấp cho ai. Một số DN đã xin đầu số này nhưng không được chấp thuận vì nghe nói là để dành cho VNPT - tập đoàn lớn của ngành viễn thông Việt Nam, và cũng là tập đoàn nhà nước đang đạt doanh số cao nhất trong lĩnh vực viễn thông. 099 là đầu số đẹp nhất trong dải 09x cả về mặt tín ngưỡng, tâm linh lẫn chữ số.
Sau đó là các đầu 090, 091 rất dễ nhớ. Những đầu số này đã một lần bị kéo ra thêm một chữ số cách đây nhiều năm. Tất nhiên càng kéo dài thì các đầu số “đẹp” và “dễ nhớ” sẽ bị mai một dần tính chất này.
Có dư luận cho rằng, nếu Bộ TT&TT thuận theo phương án kéo dài đầu số thì coi như rơi vào bẫy của toan tính “một mũi tên nhắm hai đích”: một mặt để phát triển thêm thuê bao mới, mặt khác là phá thế các đầu số “đẹp” và “dễ nhớ” hiện hữu. Nhưng dư luận vẫn chỉ là dư luận, vì ngay cả đối với đơn vị có toan tính trên, nếu kéo dài đầu số cũng sẽ ảnh hưởng đến họ.
Nhưng những người thạo tin lại có cách lý giải khác: đầu số của đơn vị này không “đẹp” như đầu 099, hay dễ nhớ như 090, 091... Chính vì thế, có đến 8/9 DN không đồng tình kéo dài đầu số, cho thấy vấn đề không chỉ vì những lý do bề nổi như đã nói ở trên, mà sự đồng thuận gần như tuyệt đối này giống như một sự liên kết để chống lại sự phá thế số đẹp, được “ngụy trang” dưới lý do rất quang minh chính đại là kho số còn dồi dào, kéo dài đầu số sẽ gây phiền hà cho người sử dụng.
"Bẫy chìm"
Thế nhưng, phần chìm của những lý do bề nổi mới thật là điều đáng lo ngại. Nếu Bộ TT&TT dựa vào “lý do chính” là kho số còn dồi dào nên chưa cần kéo dài đầu số, thì cũng sẽ tạo kẽ hở cho các nhà mạng “vô tư” đốt kho số không thương tiếc.
Bởi có một điều rất mâu thuẫn: trong thời điểm dư luận bức xúc về tình trạng lãng phí kho số thì chính các quan chức của Bộ TT&TT cũng đồng tình và lên tiếng báo động. Bây giờ, “lý do chính” vô hình trung lại cổ vũ cho các nhà mạng cứ xài số thả dàn. Có lẽ có một chút ẩn khuất ở đây chưa được giải thích rõ.
Có câu thành ngữ “miệng ăn núi lở” nên đừng nói chi 800 triệu số, nếu có gấp mười lần thế, 8 tỷ số, mà cứ xài phung phí như hiện nay thì sớm muộn gì cũng cạn kiệt mà thôi. Cơ quan quản lý báo động, cũng nhìn nhận thực trạng lãng phí, đốt SIM số của DN di động, thế nhưng lại không hề ban hành chính sách gì để chế tài tình trạng này.
Dân ta hay nói “cha chung không ai khóc”, nhưng các DN không thấy xót đã đành, chứ cơ quan quản lý nhà nước mà cũng không thấy xót và nhanh chóng đưa ra chính sách ngăn chặn thì chẳng bao lâu “cha chung” kia sẽ bị phá tan hoang. Một lập luận đưa ra để giải thích, lý giải một vấn đề, trấn an dư luận, nhưng chính nó cũng có thể trở thành cái bẫy đối với những người tạo ra nó.
Muốn kéo dài đầu số hay trì níu lại, vấn đề không chỉ cần phải căn cứ vào kho số, sự phiền nhiễu, thực trạng sử dụng, mà hơn hết phải đứng trên quyền lợi chung để bảo vệ tài nguyên quốc gia, để đưa ra giải pháp sử dụng tiết kiệm mà hiệu quả cho đất nước.