Chính phủ điện tử: Chính phủ nên làm trực tiếp

21/07/2009 09:03

Đó là ý kiến của ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông TP.Hồ Chí Minh tại Hội thảo quốc gia về chính phủ điện tử vừa diễn ra từ ngày 16 - 17/7 ở TP.HCM.

Chính phủ điện tử: Chính phủ nên làm trực tiếp

Đó là ý kiến của ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông (TT-TT) TP.Hồ Chí Minh tại Hội thảo quốc gia về chính phủ điện tử vừa diễn ra từ ngày 16 - 17/7 ở TP.HCM. Các đơn vị đã sẵn sàng

Theo ông Phạm Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục ứng dụng CNTT (Bộ TT-TT), đến nay, 20/22 Bộ và cơ quan ngang Bộ và 60/63 tỉnh thành đã có cổng/trang thông tin điện tử (5 đơn vị còn lại là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, tỉnh Hoà Bình, Ninh Bình và Đăk Nông).

Ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) cho biết: Đánh giá một cổng (Portal) thông tin điện tử cần phải xét đến 2 khía cạnh: Một là phần thông tin tức cổng thông tin, phần này là nghiệp vụ báo chí do các biên tập viên đẩy lên hoặc tổng hợp phân tích nhiều nguồn dưới dạng báo chí nhằm cung cấp những thông tin mới nhất, cập nhật về những chủ trương chính sách mới, những sự kiện hàng ngày hoặc các vấn đề nóng liên quan đến Bộ ngành đó quản lý. Hai là phần cơ sở dữ liệu (CSDL), đây mới là phần cốt lõi của một cổng thổng tin điện tử. Bởi toàn bộ CSDL của Bộ ngành sẽ được tổng hợp, phân tích và trích xuất ra từ đây với tính chất là nguồn chính thống, là dữ liệu gốc của các đơn vị trực thuộc tổng hợp, báo cáo, phân tích để Bộ ngành quản lý, đồng thời cung cấp các dịch vụ công cho người dân.

Đồng quan điểm trên, ông Phạm Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục ứng dụng CNTT (Bộ TT-TT) cho biết: Theo bảng xếp hạng các trang thông tin điện tử của Bộ ngành và địa phương, nhiều đơn vị đã có những thành công trong xây dựng CSDL chuyên ngành và cung cấp các dịch vụ công, trong đó dịch vụ công mức độ 3 đã trở lên phổ biến. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính (www.mof.gov.vn) ngoài vị trí số 1 trên bảng xếp hạng, cũng là web có nền tảng CSDL tốt nhất và có sự sáng tạo trong việc cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.

Lý giải sự sẵn sàng của các địa phương và kinh nghiệm thành công khi xây dựng Chính phủ điện tử, ông Lê Mạnh Hà chỉ ra 4 nguyên nhân: lãnh đạo thành phố đã trực tiếp chỉ đạo ngay từ ban đầu; Sở TT-TT là đơn vị đầu mối được tin tưởng và giao cơ chế mạnh (được giao quyền và cấp đủ kinh phí) để thực thi; cán bộ CNTT phải có niềm “đam mê” và cuối cùng là sự thực thi nhất quán kế hoạch triển khai ứng dụng Chính phủ điện tử tại địa phương.

Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông TP.Hồ Chí Minh:" Chính phủ điện tử phải xuất phát từ nhu cầu quản lý của chính quyền địa phương, nhưng là để phục vụ doanh nghiệp và người dân."

Cơ chế mạnh để thực hiện

TP.HCM là đơn vị khá thành công với mô hình cổng thông tin điện tử (với 2 ngôn ngữ; 34 sở ngành và 24 quận huyện kết nối; cung cấp được 337 dịch vụ công mức độ 3). Theo lãnh đạo địa phương này, cơ chế mạnh chính là chìa khóa thành công. 

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đồng ý với quan điểm trên. Theo Phó Thủ tướng, TP.HCM được sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt từ UBND thành phố ngay từ đầu, kinh nghiệm này cần được các địa phương học tập. Ông Nhân chia sẻ, “tôi vui mừng vì có rất nhiều lãnh đạo các địa phương đến dự hội thảo chính phủ điện tử năm nay. Muốn triển khai chính phủ điện tử thì phải bắt đầu từ lãnh đạo, nếu lãnh đạo chưa hiểu thì Sở TT-TT phải làm sao lôi kéo lãnh đạo tham gia, lãnh đạo thấy được nhu cầu mà tham gia…”.

Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT-TT TP. Đà Nẵng thừa nhận: cho đến nay, không địa phương nào được một cơ chế mở và mạnh như TP.HCM. Hầu hết các địa phương khi triển khai chính phủ điện tử đều bị vướng vào một trong 2 yếu tố là thiếu quyền (cơ chế thực thi) hoặc thiếu tiền. Đà Nẵng cũng bị vướng như vậy, ngoài sự "tranh thủ" các dự án chính phủ điện tử do Nhà nước đầu tư và các nguồn vốn ODA thì việc được phê duyệt và giải ngân các dự án CNTT đều rất …khó khăn.

Bằng thực tiễn triển khai Chính phủ điện tử tại TP.HCM thời gian qua, ông Lê Mạnh Hà cho rằng: Chính phủ điện tử phải xuất phát từ nhu cầu quản lý của chính quyền địa phương, nhưng là để phục vụ doanh nghiệp và người dân. Nó khác với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản khác, Chính phủ điện tử phải do Chính phủ làm trực tiếp, nên giao quyền và kinh phí đầy đủ cho các địa phương.

 Thực hiện cơ chế phân cấp và giám sát trực tiếp, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công việc và minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính, có như vậy chính phủ điện tử mới có được bước đi dài và vững chắc…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chính phủ điện tử: Chính phủ nên làm trực tiếp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO