7 cuộc đối đầu khốc liệt nhất trong giới công nghệ

04/03/2016 06:50

Những cuộc đối đầu khốc liệt nhất của giới công nghệ hiện nay: Amazon và Jet hay Youtube, Facebook và Snapchat...

7 cuộc đối đầu khốc liệt nhất trong giới công nghệ

Không phải ngẫu nhiên mà lĩnh vực công nghệ thông tin từ trước đến nay luôn được đánh giá là có môi trường căng thẳng và cạnh tranh gay gắt bậc nhất với sự góp mặt từ nhiều công ty hàng đầu trên thế giới.

Cạnh tranh vốn là một yếu tố không thể thiếu ở mọi lĩnh vực kinh doanh, bởi cạnh tranh sẽ giúp mang đến chất lượng sản phẩm tối ưu hơn. Trong mảng công nghệ thì yếu tố cạnh tranh luôn có phần khốc liệt hơn và cũng thường xuyên gắn liền với sự thành công, cũng như thất bại, thậm chí tới phá sản của các tập đoàn lớn.

Điều này càng đúng hơn trong những năm tới, khi mà thị trường smartphone, máy tính bảng đã không còn là nhân tố "đẻ trứng vàng" như trước, và những công nghệ "tương lai" như smarthome, xe điện, thời trang hitech hay VR vẫn chưa đủ tiềm năng để thay thế.

Dưới đây là những cuộc đua được đánh giá là khốc liệt nhất trong lĩnh vực công nghệ tại thời điểm hiện nay.

Thương mai điện tử: Amazon và Jet

Trong bối cảnh nhiều công ty thương mại điện tử nổi lên, rồi "chìm nghỉm", thì Amazon vẫn giữ được vị thế của mình từ những năm 1994. Khởi đầu là sách, truyện, nhưng giờ đây Amazon được biết đến như một "cửa hàng" bán tất cả mọi thứ trong nhiều lĩnh vực khác nhau như quần áo, trang sức, đồ điện tử, và thậm chí là cả ứng dụng, dịch vụ.

Tuy nhiên, ngôi thống trị của Amazon giờ đây đang bị lung lay dữ dội trước sự xuất hiện của một dự án startup - khi công ty này đã đánh đúng yếu điểm của hệ thống bán hàng trực tuyến số 1 thế giới, đó là về giá.

Jet chính là đối thủ cạnh tranh trực tiếp và được nhiều chuyên gia nhận định là có thể đánh bại Amazon. Như đã đề cập, thế mạnh nhất của Jet.com đó là tiết kiệm cho người đặt hàng online, cụ thể là rẻ hơn khoảng 10-15% so với mọi trang bán hàng trực tuyến khác. Để làm được điều này, Jet dường như có kế hoạch kiếm tiền chủ yếu dựa trên phí thành viên, bởi sau 90 ngày dùng thử dịch vụ, khách hàng của Jet sẽ phải trả 49,99 đô la một năm để đăng nhập vào trang web.

Theo đánh giá tổng quan, Amazon vẫn đang tỏ ra vượt trội so với Jet, chí ít là cho đến thời điểm hiện nay. Trong khi Jet đang đấu tranh để tìm một kế hoạch kinh doanh bền vững, thì nguồn tài chính và định hướng của Amazon vẫn vô cùng mạnh mẽ, và dường như không bị ảnh hưởng bởi sự nổi lên của Jet. Thế nhưng trong tương lai, không ai có thể nói chắc được điều gì sẽ xảy ra.

>>Kho hàng của Amazon khổng lồ đến mức nào?

Dịch vụ gọi xe tại Trung Quốc: Didi Kuaidi và Uber

Đất nước đông dân nhất thế giới hiện vẫn đang là điểm đến ưa thích của nhiều hãng công nghệ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, với cùng một mong muốn giành được "miếng bánh" lớn hơn. Trong đó, dịch vụ gọi xe tại Trung Quốc là một trong những lĩnh vực được quan tâm hàng đầu.

Với thành quả từ sự sáp nhập của 2 công ty cạnh tranh, Didi Kuaidi là ứng dụng gọi xe "cây nhà lá vườn" của Trung Quốc, đang có tập khách hàng dồi dào lên tới 10 triệu người từ hơn 300 thành phố lớn. Tuy nhiên công ty đang vấp phải sự cạnh trang khốc liệt từ Uber - dịch vụ bắt xe nổi tiếng của Mỹ và đã chứng minh được vị thế của mình tại nhiều khu vực trên thế giới.

>>Uber, Xiaomi và Airbnb là startup đắt giá nhất thế giới

Thám hiểm vũ trụ: SpaceX và Blue Origin

SpaceX, công ty do tỷ phú Elon Musk sáng lập vào năm 2002 được ra đời với mục tiêu dùng tên lửa tái sử dụng để đưa thực phẩm, các vật dụng thí nghiệm lên Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS), và sau này thậm chí sẽ vận chuyển hành khách tới Sao Hỏa. Công ty đã gặt hái được nhiều thành công, và đã ký kết hợp đồng vận chuyển hàng hóa cùng NASA.

Trong khi đó, Blue Origin, thuộc quyền giám sát của Jeff Bezos, CEO Amazon vẫn đang gặt hái được nhiều thành công trong cùng lĩnh vực. Tháng 11/2015, Blue Origin đã đánh cắp hào quang của SpaceX khi giành lấy danh hiệu công ty đầu tiên thành công trong việc đưa tên lửa New Shepard trở về nguyên vẹn từ vũ trụ, đồng thời đưa cuộc cạnh tranh giữa 2 công ty sang một chương mới.

Được biết, mặc dù có những mục tiêu khác nhau, nhưng cả SpaceX và Blue Origin đang tranh đấu xem ai là người có thể hạ cánh tên lửa một cách an toàn hơn, để nó có thể tái sử dụng. Trong khi SpaceX đang cố hạ cánh tên lửa của họ trên biển, thì Blue Origin có vẻ đã tự tin hơn trong việc hạ cánh xuống đất liền.

Dịch vụ xem, chia sẻ video online: YouTube, Facebook, Snapchat

YouTube từ trước đến nay vẫn được biết đến như một trong những mảng dịch vụ thành công nhất của gã khổng lồ Google, cho phép người dùng tại khắp mọi nơi trên thế giới không chỉ xem video miễn phí, mà còn đăng tải và chia sẻ video của chính họ. Mặc dù YouTube vẫn nắm giữ vị thế số 1 trong lĩnh vực này, nhưng một sự cạnh tranh "không hề nhẹ" từ Facebook có thể sẽ khiến họ phải mất ngủ.

Facebook giờ đây không chỉ là bảng tin cùng những dòng status đơn giản, mà tràn ngập bởi ảnh và video clip. Mạng xã hội lớn nhất thế giới còn hỗ trợ khá nhiều công cụ để người dùng chỉnh sửa và quản lý video. Các dòng timeline, newsfeed cũng ngày càng trông giống một kênh phát truyền hình hơn là một tờ tạp chí.

Bên cạnh đó, Snapchat cũng là một đối thủ đáng e ngại với cả Google, Facebook, và đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt. Giao diện và cách thức của Snapchat có ưu điểm là tiện lợi hơn với người dùng trong việc ghi lại video và chia sẻ với bạn bè của mình.

Dịch vụ Streaming Video: Netflix và Amazon

Netflix đóng vai trò là người đi tiên phong trong việc chuyển đổi từ định dạng xem phim DVD sang kỹ thuật số, và dịch vụ streaming của họ hiện đang phục vụ cho hàng triệu người trên đất Mỹ và nhiều khu vực khác.

Sau khi vượt qua sự cạnh tranh gay gắt từ Hulu, Netflix giờ đây tiếp tục đối mặt với những khó khăn mới cùng Amazon, khi các dịch vụ Streaming Video của hãng này ngày một phổ biến và được ưa chuộng hơn, đặc biệt là sau khi các TVshow "Transparent", "Mozart in the Jungle" nhận được giải Quả cầu vàng mới đây. Amazon bên cạnh đó còn mang đến nhiều đãi ngộ đáng chú ý, điển hình như free tiền ship dành cho các thành viên của họ.

Dịch vụ đám mây: Amazon Web Services và Microsoft Azure

Amazon không chỉ nổi tiếng ở mảng bán sách online như hồi thập niên 90, mà giờ đây họ còn được nhắc đến ở nhiều lĩnh vực trọng yếu khác, điển hình như nhà cung cấp nền tảng lưu trữ đám mây cho các công ty công nghệ nổi tiếng khác, bao gồm cả Netflix hay Pinterest.

Cũng giống như Amazon, Microsoft ngày nay không chỉ nổi tiếng với hệ điều hành Windows, mà bản thân họ cũng phát triển một nền tảng lưu trữ đám mây của riêng mình là Microsoft Azure. Khi so sánh với Amazon Web Services, thì Microsoft Azure vẫn là "chú lùn" trong lĩnh vực, nhưng sự tăng trưởng mạnh mẽ của dịch vụ này trong một vài năm gần đây không khỏi khiến các nhà lãnh đạo của Amazon phải lo lắng.

Xe ô tô chạy điện: Tesla và Apple

Khi nhắc về xe hơi điện, thì Tesla chắc chắn là cái tên được nhắc đến nhiều hơn cả, bởi họ không chỉ là người tiên phong, mà còn là người đã gặt hái được nhiều thành công bậc nhất trong lĩnh vực này. Vào năm ngoái, xe hơi của Tesla thậm chí đã có thể cập nhật phần mềm, giống như một chiếc smartphone thông thường vậy. Đây là điều mà những chiếc xe truyền thống không thể thực hiện.

Tesla hiện phải đối mặt với nhiều đối thủ trong cùng ngành xe hơi, tuy nhiên mối đe dọa lớn nhất với họ nhiều khả năng lại đến từ Apple, dù rằng Quả Táo chưa chính thức tung ra bất kỳ mẫu xe hơi nào. Lý do là vì Apple từ lâu đã ấp ủ những dự án cùng xe điện tự lái, được đặt tên là Project Titan, với sự tham gia của hơn 600 nhân công. Bên cạnh đó, chỉ riêng cái "mác" Apple thôi dường như cũng đủ để đảm bảo cho chất lượng của các sản phẩm trong tương lai của hãng.

>Cạnh tranh trong thị trường ĐTDĐ: Sóng lớn 22.000 tỷ đồng

>5 ý tưởng làm thay đổi thế giới công nghệ 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
7 cuộc đối đầu khốc liệt nhất trong giới công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO