Chống gian lận thanh toán còn hạn chế
Thanh toán điện tử ngày nay đã trở thành việc đơn giản và thiết yếu. Trong năm 2021, Chính phủ đã có những chính sách thúc đẩy thanh toán dịch vụ công qua cổng thanh toán dịch vụ Chính phủ và được người dân tin tưởng sử dụng.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm "Để an toàn trong các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt" do Báo Thanh Niên phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức mới đây, nhà báo Phạm Hồng Phước cho rằng, Việt Nam vừa có người dùng trẻ, Internet giá rẻ, đông người sử dụng smartphone. Nhưng đó cũng là điểm yếu về bảo mật, càng nhiều người dùng thì càng nguy cơ cao, là cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng lừa đảo lấy tiền. Hiện nay, tội phạm mạng không còn tập trung tấn công vào cơ sở hạ tầng tài chính mà tấn công ngay chính người sử dụng dịch vụ. Giờ tội phạm không tập trung vào các cơ sở hạ tầng tài chính, mà nhắm vào người sử dụng và đó là lỗ hổng lớn nhất.
Tuy nhiên, điều đáng nói là người dùng hiện vẫn cảm thấy bơ vơ, không tạo được áp lực trước nhà cung cấp khi xảy ra vấn đề. Nếu không còn cảm thấy an toàn, người tiêu dùng sẽ phải tìm phương án khác. Theo khảo sát người tiêu dùng điện tử ở vùng Đông Nam Á, hầu hết họ đều quan tâm đến sự an toàn và bảo mật.
Bà Trương Cẩm Thanh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP ZION cũng cho rằng vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc gặp phải khi thanh toán qua ví điện tử, đặc biệt là vấn đề bảo mật.
Theo ông Ngô Trần Vũ - Giám đốc Điều hành Công ty Bảo mật NTSS, người Việt Nam còn khá cảm tính trong việc bảo mật. Qua thống kê cho thấy, lượng người dùng bản quyền trên máy tính và điện thoại rất thấp, chỉ khoảng 10%. Hacker hiện nay có thể viết ra virus với mức độ tiến hóa cao nên rất khó để đối phó. Hacker không phá phần mềm trong máy tính hay làm cho máy tính bị chậm, cốt lõi là họ kiếm tiền của người dùng ví điện tử.
Theo ông Vũ, các hãng bảo mật đã thống kê được doanh thu của hacker và các thị trường đen rất lớn, lớn hơn cả thị trường bảo mật. Ông cảnh báo người dùng cần phải có phần mềm bảo mật cơ bản trên thiết bị để kịp thời phát hiện những web đen, link chứa mã độc khi bị hacker tấn công.
Ông Ngô Tuấn Vũ Khanh - Giám đốc Kaspersky Việt Nam cũng cho rằng, tại Việt Nam hiện sử dụng phần mềm an toàn không phải ít, nhưng giải pháp chống gian lận thanh toán gần như hạn chế, hiện tại chúng ta chưa quan tâm nhiều tới vấn đề gian lận thanh toán. Chúng ta bảo vệ dòng thanh toán ở phần hệ thống nhưng gian lận thanh toán 80% đến từ người dùng cuối. Trong khi ngân hàng chưa thực sự quan tâm tới vấn đề này. Một trong những thách thức lớn nhất của ngân hàng là xác thực được giao dịch thực hiện bởi chủ tài khoản hay không phải chủ tài khoản. Cùng đó, có nhiều phần mềm khả năng theo dõi màn hình điện thoại nên bảo mật OTP cũng không phải hoàn toàn an toàn.
Cần làm gì?
Để người dùng an tâm cũng như tăng cường tính bảo mật trong thanh toán điện tử, theo các diễn giả, các đơn vị dịch vụ ví điện tử, các tổ chức sử dụng công nghệ Fintech cần chuyển hướng làm bảo mật ngay từ người dùng, làm sao để đảm bảo an toàn tối đa. Các tổ chức dịch vụ, tài chính cần phải thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo người tiêu dùng đặc biệt cảnh giác với tội phạm mạng. Bên cạnh đó cần có một tổ chức tập hợp, phản ánh, xử lý những sự cố xảy ra trong quá trình sử dụng ví điện tử. Cụ thể là nên có đường dây nóng khi khách hàng gặp sự cố để lập tức phản ánh. Đồng thời, tổ chức này sẽ làm đầu mối với các tổ chức cung cấp tài chính cùng nhau bàn thảo để hệ thống hóa những vấn đề xảy ra trong quá trình sử dụng ví điện tử.
Về phía các tổ chức tín dụng, chủ động liên kết với nhà mạng để thực hiện các giao dịch chuyển tiền từ tài khoản của khách hàng sang các ví điện tử của khách hàng tại các thuê bao khi những dự án của nhà mạng được pháp luật cho phép.