Con người luôn có những tài năng mà bản thân chưa khám phá

Phan Nhung| 05/12/2021 05:42

Chia sẻ tại chương trình giao lưu ra mắt quyển sách “Vượt lên, những con đường kinh doanh” diễn ra ngày 5/12/2021, tác giả, doanh nhân Phan Minh Thông - Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh cho rằng, con người luôn có những tài năng mà bản thân họ chưa biết, chưa khám phá hết được, vì vậy chúng ta không nên vì một chút khó khăn mà bỏ cuộc, phải luôn tin cậy vào bản thân để vượt qua khó khăn, thử thách.

Con người luôn có những tài năng mà bản thân chưa khám phá

Chương trình giao lưu và ra mắt quyển sách Vượt lên, những con đường kinh doanh diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ Doanh nhân và Sách 2021, do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn chủ trì phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng phía Nam, Hội đồng Phát triển Sách Doanh nhân và Công ty TNHH Đường Sách TP.HCM tổ chức.

Tại buổi giao lưu, ông Phan Minh Thông chia sẻ: “Tôi vui vì những câu chuyện từ thực tế của bản thân mình được gửi gắm tới độc giả, và cũng nhận được nhiều sự đồng cảm từ các doanh nghiệp (DN) đã trải qua vô vàn khó khăn, thách thức. Bản thân là người quản lý thì luôn phải giữ bình tĩnh, sau đó còn có những khó khăn và thách thức vô cùng lớn. Nhưng bằng sự kiên trì, nhẫn nại, tôi và nhiều người khác đã vượt qua những khó khăn của mình, DN mình”.

Mỗi câu chuyện là một trải nghiệm quý báu từ thực tế

Tiếp nối thành công từ quyển sách Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh trước đây với số lượng bán ra lên tới hơn 13.000 cuốn, tác giả Phan Minh Thông tiếp tục đưa những câu chuyện từ chiêm nghiệm, trải nghiệm thực tế của bản thân vào sách và cho ra đời cuốn sách thứ hai là Vượt lên, những con đường kinh doanh.  

Tác giả Phan Minh Thông cho biết, bản thân rất thích đọc sách và viết sách, nên tất cả những nơi từng đi ở trong nước và trên thế giới, gặp gỡ những mảnh đời khác nhau với những câu chuyện khác nhau cả vui và buồn, thành công và thất bại... ông đều ghi nhận lại và đúc kết thành những thông điệp tích cực để gửi gắm tới bạn đọc. 

“Tôi muốn nhắn nhủ đến bạn đọc rằng cuộc sống cần có sự chịu khó, kiên trì; người kinh doanh cần có sự sáng tạo để vượt qua những khó khăn trong công việc, đặc biệt là trong đợt dịch Covid-19 lần này”, ông Thông nói và cho biết mỗi một cuốn sách đều nhận được phản hồi từ bạn đọc, tuy nhiên văn hóa mỗi vùng miền đều khác nhau, tư duy và phong tục tập quán của mỗi bạn đọc cũng không đồng nhất, do đó mỗi lời khen, chê khi đọc tác phẩm đều là những kiến thức quý báu và là sự động viên lớn dành cho tác giả.

PMT-JPG-5838-1638692867.jpg

Tác giả, doanh nhân Phan Minh Thông: “Mỗi câu chuyện trong sách đều là những chiêm nghiệm, trải nghiệm thực tế quý báu của tôi” - Ảnh: Quỳnh Lâm 

Tác giả Phan Minh Thông cũng bày tỏ thông qua quyển sách này, ông muốn truyền tải đến bạn đọc, đặc biệt những bạn đọc là doanh nhân thông điệp từ những bài học quý báu của chính bản thân mình: “Tôi là dân nhập cư TP.HCM và lập nên một công ty thương mại; mong ước, nguyện vọng của tôi rất lớn và tôi muốn đưa DN của mình đứng ở vị trí số một Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình đó có rất nhiều người chỉ nhìn vào sự thất bại, số ít thì nhìn vào thành quả sau khi tôi làm được, có những kỷ niệm trong thời khắc khó khăn mà tôi không bao giờ quên”.

Trả lời thắc mắc của bạn đọc về việc là “tay ngang” nhưng lại viết sách như những nhà văn chuyên nghiệp, ông Phan Minh Thông cho rằng mặc dầu bản thân chưa phải là nhà văn chuyên nghiệp, song những sự kiện, sự việc xảy ra trong cuộc đời thì mỗi người đều có quyền ghi lại câu chuyện của chính mình. 

“Tôi cho rằng con đường văn chương luôn mở rộng cho tất cả mọi người, đã có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng trên thế giới đến từ những nhà văn tay ngang, không chuyên nghiệp nhưng vẫn nổi tiếng trên toàn thế giới và tràn đầy cảm xúc văn chương. Đó là Harry Portter của J.K. Rowling - trước khi có tác phẩm để đời này, cô ấy là một người mẹ đơn thân và chưa có tác phẩm nào để lại dấu ấn nổi bật, song sau đó nhờ tác phẩm của mình cô ấy đã trở thành nhà văn, nhà biên kịch nổi tiếng thế giới. Đó là Cuốn theo chiều gió của Margaret Mitchell - từ một người làm ngành y, sau tác phẩm này cô ấy đã trở thành nhà tiểu thuyết gia nổi tiếng và tác phẩm của cô ấy vẫn luôn nổi bật cho tới tận các thế hệ sau này... đó là những minh chứng cụ thể nhất. Cùng với đó, khi truyền tải câu chuyện của mình đến bạn đọc tôi nghĩ cần phải có tính chất văn chương mới có thể khơi gợi cảm xúc trong lòng độc giả, nếu tôi cứ khơi khơi kể câu chuyện của mình một cách thô bạo trên văn bản thì nó không thể nào thành sách được”, ông Thông nói. 

Xây dựng hình ảnh người doanh nhân chân chính

Trả lời câu hỏi của Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn về quan điểm đối với người CEO, doanh nhân chân chính và làm sao để xây dựng hình ảnh doanh nhân chân chính, tác giả Phan Minh Thông chia sẻ: “Tại sao tôi viết câu chuyện Như thế nào là CEO chân chính? Bởi bản thân tôi được biết rất nhiều câu chuyện là có những người xưng là doanh nhân nhưng phẩm chất không xứng đáng với hình ảnh của doanh nhân; nhiều người cố xây dựng hình ảnh cho mình là một CEO nhưng phẩm chất và bản chất của họ lại không như thế. Doanh nhân chân chính, đối với tôi là phải trải qua thăng trầm, thất bại và cùng cực rồi vươn lên khó khăn, không làm những việc trái với lòng người, trái với nguyên tắc kinh doanh và luôn tử tế với bản thân, với khách hàng, với đối tác. Đi cùng với đó là sự uy tín đối với mọi người và với chính DN của mình. Nếu một người xưng là CEO, là doanh nhân mà không có những phẩm chất như vậy thì không phải là doanh nhân chân chính”.

ra-mat-sach-A-Thong-JPG-3881-1638692868.

Ông Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tặng hoa chúc mừng tác giả Phan Minh Thông tại buổi giao lưu - Ảnh: Quỳnh Lâm

Ông Thông chia sẻ thêm, trong mỗi câu chuyện của mình có cả những câu chuyện về thành công và thất bại. Ông không ngại khi kể lại những câu chuyện thất bại của bản thân và cho rằng mỗi sai lầm của bản thân là những bài học quý báu; cũng chỉ có những câu chuyện chân thật, thấm đẫm cảm xúc thực tế và đau khổ do chính bản thân từng chiêm nghiệm, trải qua mới có thể chiếm được thiện cảm của độc giả. 

“Nhiều DN trên thế giới như châu Âu, châu Á... cũng gặp nhiều khó khăn chứ không riêng DN Việt Nam chúng ta và tôi cũng đã đưa những câu chuyện đó vào trong quyển sách của mình”, ông Thông nói.

Chia sẻ với một độc giả khác có thắc mắc ông giải quyết khó khăn như thế nào trong giai đoạn startup và phân bổ thời gian, công việc của mình thế nào cho hợp lý, ông Phan Minh Thông nói: “Bản thân tôi 10 tuổi đã đứng bán hàng cho mẹ từng giỏ trứng, từng cọng rau, cọng miến cho nên tôi đã được rèn luyện bản chất kinh doanh. Sau khi lớn lên tôi đi làm và phụ trách nhiều công việc khác nhau, đó cũng là những tiền đề hình thành con người tôi sau này. Từ những tiền đề đó, tôi suy nghĩ tại sao mình không làm việc như họ, vì ai cũng là con người cả, ai cũng phải vật lộn với cuộc sống vô cùng vất vả, chẳng ai sung sướng hơn ai và nếu không cố gắng thì thời gian về sau muốn nhàn rỗi lại càng thêm khó.

Tại Việt Nam, chúng ta có đầy đủ mọi hệ thống kinh doanh như cảng biển, hệ thống vận chuyển, có nguyên vật liệu và nhiều vật phẩm có thể san sẻ với thị trường kinh doanh trên thế giới. Người Việt Nam cũng đã nhiều người làm được và kinh doanh sang nước ngoài, song cũng có không ít người gặp khó khăn ở môi trường đó. Minh chứng cụ thể là những vụ kiện ở nước ngoài, ở Mỹ và Anh, ở châu Phi... có vài vụ kiện khiến cho các DN trong nước gặp khó khăn, cho nên theo tôi, môi trường kinh doanh là không giới hạn và khó khăn cũng như thế”

[Caption]

Luật sư Nguyễn Hoàng Dương đặt câu hỏi với tác giả Phan Minh Thông tại buổi ra mắt sách - Ảnh: Quỳnh Lâm

“Nhớ lại những câu chuyện startup của bản thân mà tôi nghĩ lại vẫn thấy sợ, nhiều lúc tưởng chừng như bản thân bị chôn vùi. Người ta đứng trên mặt đất, còn tôi đứng dưới âm mặt đất không biết bao nhiều lần. Nhiều lúc tôi cũng đã muốn gục ngã nhưng tôi đã không làm thế và gắng gượng hết sức”,  tác giả Phan Minh Thông bày tỏ. 

Về việc sắp xếp thời gian dành cho cá nhân và công việc, theo ông Thông trong 24 giờ, một doanh nhân cũng như con người bình thường thì nên thường xuyên tập thể dục, bởi nó sẽ giúp cho cơ thể hạn chế rất nhiều áp lực trong một ngày, đảm bảo tinh thần minh mẫn, giảm cảm giác stress từ đó cảm thụ và xử lý công việc cũng dễ dàng hơn. Ông cho rằng, công việc hay viết lách cũng cần có tình yêu, nếu thực sự có tình yêu đối với công việc mình đang làm thì mọi thông điệp sẽ luôn được truyền tải đến người đọc.

“Khi viết sách, ngoài những câu chuyện kinh doanh, tôi còn viết những câu chuyện về cuộc sống và những câu chuyện con người. Nhiều câu chuyện trong thực tế mà tôi đã chứng kiến mà tôi cảm thấy có ý nghĩa, tôi cũng sẽ đưa vào để truyền tải tới bạn đọc. Nhiều câu chuyện đầy cảm hứng gắn với ý nghĩa cuộc sống mà bạn đọc cần được “giải khuây” trong cuốn sách của tôi, chứ không thể để bạn đọc liên tục có cảm xúc căng thẳng vì những câu chuyện kinh doanh và thành công, thất bại gắn liền với việc kinh doanh được. Tôi cho rằng ai cũng có tình yêu, có cảm xúc và có cuộc sống thường ngày, bởi con người ngày thường ngoài lúc làm việc thì họ cũng có nhu cầu vui chơi, giải trí”, tác giả Phan Minh Thông chia sẻ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Con người luôn có những tài năng mà bản thân chưa khám phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO