Trong 8 năm giữ chức Thủ tướng Chính phủ Nhật Bản, cố Thủ tướng Abe Shinzo đã giúp quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản có những bước tiến vượt bậc. Cả ba trụ cột thương mại, đầu tư và vốn viện trợ ODA của Việt Nam, Nhật luôn đứng ở Top đầu và là một đối tác đặc biệt của Việt Nam.
Người thúc đẩy viện trợ ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam...
Với tư cách là Thủ tướng tại nhiệm lâu nhất Nhật Bản cho đến nay, cố Thủ tướng Abe Shinzo đã có những hành động cụ thể, ngoài thúc đẩy viện trợ ODA cho Việt Nam, tăng cường hợp tác đầu tư giữa hai nước, ông còn quan tâm tăng cường giao lưu văn hóa, hợp tác giáo dục.
Trong lúc giữ chức Thủ tướng Nhật Bản, ông Abe Shinzo đã tích cực gia tăng ODA (viện trợ, vay ưu đãi...) cho phía Việt Nam. Giai đoạn 2010 - 2020, có năm nguồn vốn từ Nhật Bản lên tới 7 tỷ USD/năm cho Việt Nam. Nguồn vốn này đóng góp to lớn vào sự phát triển của Việt Nam.
Từ khi Nhật Bản nối lại cung cấp vốn ODA cho Việt Nam, vốn ODA của Nhật vào Việt Nam ngày một lớn. Theo báo cáo của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), giai đoạn 2010 đến tháng 3/2020, vốn ODA của Nhật cam kết cho Việt Nam là hơn 34 tỷ USD.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đón tiếp Thủ tướng Abe Shinzo nhân chuyến thăm của ông tại Việt Nam hồi năm 2017 |
Trong đó, vốn vay có lãi suất là trên 29 tỷ USD, vốn vay ưu đãi là 1,8 tỷ USD và vốn viện trợ không hoàn lại là 3 tỷ USD (chiếm gần 10% tổng vốn ODA của Nhật cho Việt Nam). Số giải ngân thực tế theo báo cáo từ năm 1992 cho đến nay là khoảng 17 tỷ USD.
Chỉ trong 8 năm (2012 - 2020) kế thừa và phát triển quan hệ thương mại và đầu tư Nhật - Việt, cố Thủ tướng Shinzo Abe đã trở thành cầu nối giúp hai nền kinh tế sát cánh mạnh mẽ. Nhờ đó, Việt Nam ngày càng tham gia sâu hơn vào các tổ chức song, đa phương dưới sự giúp đỡ của Nhật Bản như quan sát viên G7, G20, cùng tham gia vào các tổ chức như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Có thể nói, các tập đoàn lớn của Nhật hiện diện sớm và ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam như Toyota, Honda, Canon, AEON, Uniqlo, Mizuho (sở hữu cổ phần của Vietcombank), Sumitomo Mitsui Banking (sở hữu cổ phần của Eximbank).
...và tạo điều kiện Nhật Bản là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam
Trong lĩnh vực thương mại, Nhật Bản luôn là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua. Năm 2019, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc), là đối tác xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc), là đối tác nhập khẩu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc, Hàn Quốc) của Việt Nam.
Từ năm 2012, khi ông Abe Shinzo tái đắc cử chức vụ Thủ tướng lần 2, với nhiệm kỳ lâu nhất trong lịch sử, thương mại hai chiều Nhật - Việt đạt nhiều thành tựu rực rỡ, từ mức 24,8 tỷ USD (năm 2012) tăng lên 39,5 tỷ USD (năm 2020), tăng gần 15 tỷ USD, tương đương khoảng 60%. Trong đó cán cân thương mại luôn thặng dư về phía Việt Nam, tổng thặng dư thương mại giai đoạn 2012-2020 là 4,24 tỷ USD.
Trong quan hệ đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu giữa hai nước luôn ở trạng thái cân bằng, không gây thâm hụt hoặc thặng dư giữa các bên quá lớn, chỉ dao động từ 2 tỷ USD/năm.
Cụ thể, từ năm 2012, thặng dư thương mại của hàng Việt vào Nhật là 1,8 tỷ USD, năm 2013 là 2 tỷ USD và 2013 là 1,8 tỷ USD. Các năm sau đó, Việt Nam thâm hụt thương mại với Nhật Bản do các nhà đầu tư Nhật tăng cường mua sắm thiết bị, vật tư nhờ FDI Nhật Bản ở Việt Nam lớn hoặc các dự án ODA có cam kết mua máy móc, thiết bị từ Nhật. Tuy nhiên, số thâm hụt này không quá lớn, trầm trọng, chỉ khoảng từ 100 triệu USD (2017) đến con số lớn nhất 1,1 tỷ USD (2020).
Cựu Thủ tướng Abe Shinzu đã qua đời, nhưng tình cảm và những đóng góp của ông trong việc thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản vẫn còn vẹn nguyên giá trị.