Viện trợ phát triển chính thức (ODA) là một nguồn vốn quan trọng của ngân sách. Phần lớn ODA được các nhà tài trợ cung cấp cho Chính phủ Việt Nam theo hình thức tín dụng ưu đãi.
Chính phủ lần đầu tiên chuyển giao cho địa phương một phần trách nhiệm trả nợ vốn ODA một dự án tại Hạ Long - Quảng Ninh.
Dự án vừa được Thủ tướng phê duyệt vốn theo hướng Chính phủ vay nước ngoài và cấp cho địa phương 70%, còn tỉnh Quảng Ninh vay lại của Chính phủ 30%.
Đây là dự án ODA đầu tiên được cấp vốn theo hướng cho địa phương vay lại một phần theo Chỉ thị 02 nhằm tăng hiệu quả quản lý nợ công.
Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, động thái trên của Thủ tướng là đúng và nên giao để địa phương nhận ODA sử dụng hiệu quả và có trách nhiệm trả nợ.
Tuy nhiên, đó là vốn Chính phủ đứng ra vay nên phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi giao và giám sát chặt sau khi giao cho địa phương, không để xảy ra tình trạng không trả được nợ hay làm ăn không hiệu quả.
Động thái này của Chính phủ cũng nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng địa phương "ham hố” vốn ODA.
Địa phương nào cũng cần vốn ODA để xây dựng kết cấu hạ tầng, nhưng xây dựng kết cấu hạ tầng phải có bước đi cụ thể, phải mang lại hiểu quả cho đất nước.
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải thay đổi nhận thức của địa phương về nguồn vốn ODA, về sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, để từ đó hình thành ý thức, trách nhiệm trả nợ ODA.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính (11/2014), nợ nước ngoài chủ yếu là vay ưu đãi, thời hạn vay bình quân 20 năm với lãi suất khoảng 1,6%/năm, song do nợ trong nước chủ yếu qua phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn ngắn, lãi suất cao nên áp lực và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng nhanh trong ngắn hạn. |
Quá trình thu hút, quản lý, sử dụng vốn ODA phải tuân theo các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Quy chế Quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức, Quy chế vay và trả nợ nước ngoài và chế độ hiện hành khác của Nhà nước.
Sự phân cấp quản lý, sử dụng ODA được quy định trong Nghị định 17/2001/QĐ-CP về việc ban hành Quy chế Quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ngày 4/5/2001.
Nhưng nếu vẫn giữ cung cách sử dụng vốn ODA như lâu nay, thì vay càng nhiều, nợ càng lớn.
Chính phủ phải thống nhất quản lý về ODA trên cơ sở phân cấp, tăng cường trách nhiệm và bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các cơ quan quản lý ngành và địa phương.
Nhìn lại toàn cảnh nguồn vốn ODA, việc thu hút, sử dụng nguồn vốn này không chỉ toàn "màu hồng". Lý do trở ngại đến từ quy trình thủ tục, phân cấp, tình trạng giải ngân, năng lực quản lý, tình trạng thất thoát...
Việc Chính phủ chuyển giao cho địa phương một phần trách nhiệm trả nợ vốn ODA cần rõ ràng trách nhiệm sử dụng và phương thức trả nợ.
Phân cấp có những nguyên tắc chung nhưng phân cấp cũng phải tính tới rất nhiều yếu tố cụ thể.
Chẳng hạn, phân cấp là để giao nguồn vốn vào tay những người đủ năng lực, sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả tốt nhất.
Ở đây, lợi ích là thống nhất giữa địa phương cũng như của cả nước, trong bối cảnh liên kết vùng.
Phát triển hạ tầng không thể chỉ tính riêng từng địa phương, mà cần phải tính đến yếu tố vùng.
Những chuyện liên quan đến ODA phải có một bộ máy của Trung ương quản lý, trước hết là Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải quản cho tốt, cạnh đó Bộ Tài chính rồi các bộ chuyên ngành phải cùng chăm lo.
Ví dụ, nông nghiệp thì Bộ Nông nghiệp và Nông thôn phải chung tay, giao thông thì Bộ Giao thông - Vận tải phải gánh vác...,Thủ tướng không lo hết việc.
Hiện nay, áp lực về trả nợ ODA rất lớn, không ít địa phương, nhất là các tỉnh nghèo, đều quan ngại trách nhiệm trả nợ ODA, nhưng TP.HCM, Hà Nội, hay Đà Nẵng có thể dư sức trả nợ.
Những tỉnh nghèo thường là những tỉnh có nhu cầu vốn lớn. Chính phủ cần có cơ chế riêng, tạo điều kiện cho họ vay vốn, triển khai những dự án hạ tầng.
ODA là vay, có lãi suất và có thời hạn trả nợ. Cho nên, Chính phủ phải có một cơ chế rõ ràng hơn, không phải chỉ nói một câu là có thể làm tốt.
Chẳng hạn, cho Bộ Giao thông - Vận tải bán sân bay, bến cảng phải có cơ chế, sân bay nào được cho thuê, bến cảng nào được bán, bởi đây là hàng hóa công, dịch vụ công liên quan đến đất nước.
Mặt khác, nó còn liên quan đến nhiều vấn đề, mà an ninh là một ví dụ. Tóm lại, tất cả những vấn đề liên quan đến nguồn vốn ODA đều, phải có những cơ chế, quy định cụ thể.
>Chính phủ giao địa phương chịu trách nhiệm trả nợ vốn ODA
>Thứ trưởng Nhật: Sẽ tiếp tục cấp vốn ODA cho Việt Nam