Hội - Câu lạc bộ

Cơ cấu ngành nhựa Việt Nam đang phụ thuộc vào một số thị trường lớn

Ý Nhi 06/12/2024 19:46

Đây là thông tin cần lưu ý cho các doanh nghiệp (DN) ngành nhựa tại buổi họp mặt hội viên năm 2024 do Hiệp hội Nhựa Việt Nam vừa tổ chức tại TP.HCM.

Cần phát triển thị trường tái chế

Ông Hoàng Quốc Vượng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam nhận định: “Trong suốt thập kỷ qua, ngành nhựa Việt Nam đã duy trì đà tăng trưởng ổn định, trở thành một trong những ngành công nghiệp trọng yếu, góp phần thúc đẩy kinh tế quốc gia. Hiện nay, có hơn 4.000 DN đang hoạt động trong ngành, trong đó 90% là các DNp vừa và nhỏ, với hơn 250.000 lao động.

Báo cáo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam cũng cho biết, năm 2024 ngành nhựa Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Sản phẩm nhựa Việt Nam được xuất khẩu sang hơn 170 thị trường trên thế giới. Xuất khẩu tăng mạnh sang thị trường lớn nhất là Mỹ, kế đến là một số thị trường tiềm năng như Nhật, châu Âu, Trung Quốc...

Dự báo sản lượng nhựa Việt Nam sẽ đạt 11,65 triệu tấn trong năm nay và tăng trưởng ấn tượng lên 16,36 triệu tấn vào năm 2029, với tỷ lệ tăng trưởng hằng năm 8,44%. Doanh thu ngành năm 2024 đạt 31,1 tỷ USD, tăng 23,9% so với năm trước.

z6104290304363_ca794ca6a71f083b1eae5c29f94cae09.jpg

Theo ông Vượng, để xây dựng một ngành công nghiệp nhựa phát triển bền vững, Việt Nam cần tập trung phát triển thị trường tái chế. Chính phủ cần quy định tỉ lệ sử dụng nhựa tái chế trong sản phẩm, tạo điều kiện cho ngành tái chế phát triển ổn định, tránh tình trạng bấp bênh do cạnh tranh với nhựa nguyên sinh. Bên cạnh đó là xây dựng các tiêu chuẩn thiết kế bao bì hướng tới khả năng tái chế.

Sản phẩm nhựa Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn vươn xa đến hơn 170 thị trường trên thế giới. Đặc biệt, xuất khẩu nhựa sang Mỹ - thị trường lớn nhất của ngành - cùng các thị trường tiềm năng như Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Âu, Thái Lan và Ấn Độ, đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2024, dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt 6,57 tỷ USD, tăng 26,79% so với năm 2023

Theo ông Vượng, chúng ta cần thay đổi hoàn toàn quan niệm về nhựa và tái chế, hướng đến một nền kinh tế tuần hoàn thực sự. Điều này không chỉ giúp ngành nhựa phát triển mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển bền vững quốc gia. Hiện các nước phát triển đã cam kết dành tối thiểu 300 tỉ USD mỗi năm để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển chống biến đổi khí hậu, mang lại lợi ích tiềm năng cho Việt Nam.

Dư địa tăng trưởng xen lẫn thách thức

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng cho rằng: “Ngành công nghiệp nhựa Việt Nam hiện đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển. Nhu cầu về sản phẩm nhựa đang tăng mạnh, đặc biệt trong các lĩnh vực xây dựng, cơ sở hạ tầng và điện tử. Việt Nam cũng có lợi thế về nguồn cung nguyên liệu và năng lực sản xuất, cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hóa chất và nhựa.

z6104287753436_dd73661a807f35f536a63c0cb47a2cc2.jpg

Nhận định về cơ hội của ngành nhựa, ông Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam hiện nay vẫn có nhu cầu sản xuất nhựa chứ không phải là cấm sản xuất và chúng ta đang giảm ô nhiễm chứ không phải là giảm sản xuất. Bởi hiện nay mức độ tiêu thụ bình quân đầu người của chúng ta vẫn còn thấp hơn nhiều so với thế giới. Do đó, ngành nhựa Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển, do cầu đang lớn hơn cung.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp đóng gói và bao bì của Việt Nam đang phát triển, nhu cầu toàn cầu đối với sản phẩm nhựa tái chế và thân thiện môi trường đang mở ra cơ hội lớn cho ngành nhựa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Các hiệp định như EVFTA, CPTPP, RCEP không chỉ giúp mở rộng thị trường xuất khẩu mà còn là động lực để nâng cao tiêu chuẩn sản xuất, phát triển sản phẩm giá trị gia tăng. Quy định EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và các chính sách ưu tiên đầu tư tái chế, đổi mới công nghệ tạo điều kiện thuận lợi để ngành chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Doanh thu của các DN ngành nhựa tăng khá tích cực trong 3 năm qua. Lãi ròng có chiều hướng đi lên. Do đó, biên lợi nhuận gộp của toàn ngành tăng khoảng 13-15%.

Dự báo, sản lượng nhựa Việt Nam sẽ đạt 11,65 triệu tấn vào năm 2024 và tăng trưởng ấn tượng lên 16,36 triệu tấn vào năm 2029, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm (CAGR) 8,44%. Doanh thu ngành năm 2024 dự kiến đạt 31 tỷ USD, tăng 23.9% so với năm trước.

Tuy nhiên, ngành nhựa cũng đối mặt với không ít thách thức. Các yêu cầu về xanh hóa và số hóa ngày càng cao từ thị trường và các chính sách bảo vệ môi trường đang gây áp lực lớn cho doanh nghiệp.

Thêm vào đó, sự cạnh tranh từ các đối thủ nước ngoài ngày càng gay gắt, trong khi phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu khiến ngành dễ bị gián đoạn nguồn cung. Xu hướng tiêu dùng thay đổi, với sự ưu tiên cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, đòi hỏi ngành nhựa phải nhanh chóng thích ứng.

Chuyên gia kinh tế cũng lưu ý thêm cơ cấu ngành cho thấy ngành nhựa Việt Nam đang phụ thuộc vào một số thị trường lớn. Do chưa làm chủ được phần lớn nguyên liệu đầu vào, dẫn đến chi phí tăng cao, rủi ro chuỗi cung ứng, biến động giá dầu và giá nguyên vật liệu... Vì vậy, cần mở rộng sang các thị trường tiềm năng khác và chủ động tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu từ các đối tác trong nước và quốc tế.

Phân khúc ngành nhựa Việt Nam:
Nhựa bao bì: Chiếm 35% sản lượng, dẫn đầu về xuất khẩu.
Nhựa kỹ thuật: Chiếm 18%, ứng dụng trong các ngành công nghiệp công nghệ cao như ô tô, điện tử, và y tế.
Nhựa gia dụng: Đáp ứng 22% nhu cầu tiêu thụ nội địa, giữ vai trò quan trọng trong đời sống thường nhật.
Nhựa xây dựng: Chiếm 25%, tập trung vào sản xuất ống nhựa và vật liệu xây dựng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ cấu ngành nhựa Việt Nam đang phụ thuộc vào một số thị trường lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO