Nâng cao chức năng của thị trường
Đối với thị trường chứng khoán, những mục tiêu chung có sự liên kết chặt chẽ.
Một là tiếp tục cơ cấu lại toàn diện để trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Hiện nay, hệ thống ngân hàng vẫn là kênh cung ứng vốn số 1, điều này không chỉ gây áp lực khá lớn lên các ngân hàng mà còn khiến nền kinh tế phụ thuộc vào kênh này, dẫn đến việc điều hành các biến số quan trọng trong chính sách tiền tệ như lạm phát, lãi suất, tỷ giá phần nào không phát huy được hết hiệu quả. Do đó, việc phát triển thị trường chứng khoán như là kênh dẫn vốn quan trọng thay thế được xem là cần thiết.
Hai là xây dựng cơ cấu hợp lý, cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu, giữa trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp. Đây cũng là yêu cầu cấp thiết, khi quy mô thị trường trái phiếu nói chung hiện còn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng thể thị trường chứng khoán và cũng còn quá nhỏ bé so với nền kinh tế, trong đó tỷ trọng quy mô của trái phiếu doanh nghiệp còn rất khiêm tốn.
So với các nước trong khu vực, dư nợ thị trường trái phiếu Việt Nam theo thống kê gần đây chưa đến 40% GDP, chỉ tương đương 1/2 Singapore và Malaysia, 1/3 so với Hàn Quốc, và cũng thấp hơn nhiều so với Thái Lan và Trung Quốc.
Ba là thị trường chứng khoán phải đóng vai trò hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời tăng cường mở cửa và hội nhập với khu vực và thế giới. Riêng đối với việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thì đòi hỏi cần phải có thêm những chính sách chủ động từ các cơ quan quản lý để đẩy nhanh lộ trình cổ phần hóa vốn đang tiến hành rất chậm.
Những mục tiêu tham vọng
Để đạt được mục tiêu chung, Đề án xác định có 7 nhóm mục tiêu cụ thể cần phải đạt được trước năm 2025.
Đầu tiên là đưa quy mô thị trường cổ phiếu đạt mức 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu đạt mức 47% GDP vào năm 2020 và 55% GDP vào năm 2025. Số lượng công ty niêm yết đến năm 2020 tăng 20% so với năm 2017.
Nếu mục tiêu đặt cho thị trường trái phiếu là tương đối vừa phải, thì nhiệm vụ đặt ra cho thị trường cổ phiếu là khá tham vọng. Tính đến cuối năm 2018, theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu chỉ mới đạt khoảng 75% GDP, tăng thêm chưa đến 5% so với 2017, dù thị trường trong năm 2018 chứng kiến hàng loạt “ông lớn” lên sàn. Như vậy theo Đề án thì trong 2 năm tới đây, tỷ lệ trên phải tăng thêm 25%, tức bình quân hơn 12% mỗi năm.
Mục tiêu thứ 2 là số lượng nhà đầu tư trên thị trường đạt mức 3% dân số vào năm 2020 và 5% dân số vào năm 2025. Đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư có tổ chức, giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán.
Theo số liệu của trung tâm lưu ký chứng khoán, tổng số lượng tài khoản nhà đầu tư đến cuối tháng 1/2019 là 2.197.735 tài khoản, xấp xỉ 2,26% dân số tính đến ngày 8/3 vừa qua. Với tốc độ tăng dân số mỗi năm bình quân 1%, thì ước tính đến cuối năm 2020 sẽ vào khoảng hơn 99 triệu người, theo đó tương ứng với tỷ lệ 3% sẽ là 2,97 triệu tài khoản. Như vậy, số tài khoản cần tăng thêm so với hiện nay là hơn 770.000 tài khoản, trong khi đó số lượng tài khoản tăng thêm trong năm 2018 và 2017 chỉ tương ứng ở mức 260.700 và 209.00 tài khoản. Do đó, mục tiêu này cũng ở mức khá cao so với hiện nay.
Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là số lượng tài khoản mở mới hay tăng thêm, mà tỷ lệ nhà đầu tư được kích hoạt, gắn bó lâu dài và có giao dịch thường xuyên trên thị trường mới đáng lưu tâm. Để làm được điều này, thị trường cần phải gia tăng sự minh bạch, hạn chế các hành vi thao túng giá, xào nấu báo cáo, tung tin giả làm thiệt hại nhà đầu tư, nâng cao kiến thức tài chính và đầu tư cho người dân. Như quan điểm Thủ tướng bày tỏ mới đây là mong muốn thị trường chứng khoán gần với người dân hơn, nhưng không phải bằng tư duy về một trò chơi như cách gọi “chơi chứng khoán”, mà là phương thức đầu tư an toàn, hiệu quả.
Một loạt mục tiêu khác cũng được Đề án đặt ra, như đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường chứng khoán và triển khai thêm các sản phẩm phái sinh, lành mạnh hóa thị trường tài chính, nâng cao hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, cũng như đổi mới công nghệ giao dịch và thanh toán bù trừ. Đến năm 2025, chất lượng quản trị công ty trong các công ty niêm yết của Việt Nam phải đạt mức bình quân ASEAN-6 và trước năm 2025, nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trên các danh sách thị trường mới nổi.
Đề án cũng đề ra 8 giải pháp cơ cấu lại thị trường chứng khoán, gồm hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ cấu lại cơ sở hàng hóa, cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, cơ cấu lại tổ chức kinh doanh chứng khoán, cơ cấu lại tổ chức thị trường, nâng cao năng lực, quản lý giám sát và cưỡng chế thực thi, giải pháp nâng hạng thị trường; tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp.