Thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ: Nên phát triển cả ngành ô tô và xe máy

MINH HÀO| 04/06/2018 03:33

Chính phủ cần tạo điều kiện để các nhà sản xuất linh phụ kiện xe máy chuyển sang sản xuất cả linh phụ kiện cho ô tô.

Thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ: Nên phát triển cả ngành ô tô và xe máy

Theo đó, trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận công nghệ mới là những công cụ hữu hiệu để các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô phát triển.

Triển lãm Quốc tế về ô tô, xe máy, xe đạp điện và công nghiệp hỗ trợ lần thứ 14 (Saigon Autotech & Accessories 2018) khai mạc ngày 24/5 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn với sự tham gia của gần 200 doanh nghiệp với hơn 300 gian hàng trưng bày đã thu hút khá đông khách tham quan. Ông Võ Tấn Thành - Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, ngành công nghiệp ô tô vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển. Vì thế, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp, nhà quản lý phải đưa ra các giải pháp để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo động lực, tiền đề phụ trợ cho ngành công nghiệp ô tô phát triển đúng tầm và đúng tiềm lực. Bởi vì, khi ngành này phát triển thì sẽ kéo theo hàng loạt lĩnh vực khác phát triển theo.

"Để tăng cường cơ hội và tạo đà kích thích sự phát triển của ngành công nghiệp này, cần xúc tiến cơ hội hợp tác đầu tư, giao lưu trao đổi kinh nghiệm, cách thức sản xuất và phát triển cho các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI. Với mô hình hoạt động và định hướng tổ chức ngày càng dành nhiều hơn sự quan tâm cho doanh nghiệp phụ trợ, cho thấy tầm nhìn xa và phù hợp của Saigon Autotech & Accessories", ông Võ Tấn Thành nói.

Link bài viết

Ông Võ Quang Huệ - Phó tổng giám đốc Vingroup chia sẻ cụ thể về chiến lược của Vingroup, trong đó có kế hoạch xây dựng chuỗi cung ứng linh kiện và cụm linh kiện phục vụ cho sản xuất ô tô. Cụ thể, VinFast đã thành lập bộ phận nội địa hóa để đàm phán và hỗ trợ các nhà đầu tư, sẽ dành khoảng 30% diện tích cho các nhà cung cấp tại Tổ hợp Sản xuất ô tô VinFast ở Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng).

Ngoài phần tự đầu tư 100% vốn, VinFast sẵn sàng hợp tác dưới mọi hình thức, miễn là các nhà đầu tư đạt được các yêu cầu về chất lượng, giá cả và thời hạn giao hàng. Mặc dù với thời gian rất ngắn, nhưng đến nay, ngoài 5 xưởng chính cho việc sản xuất xe, đã có 8 nhà máy sản xuất linh kiện đã được Vingroup phê duyệt chủ trương đầu tư, hiện đang trong giai đoạn ký hợp đồng và thiết kế nhà xưởng.

Năm 2018, thị trường và ngành công nghiệp ô tô, xe máy, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có nhiều biến động dưới tác động của Nghị định 116 về xe nhập khẩu và Nghị định 125 về ưu đãi thuế linh kiện cho xe lắp ráp trong nước. Trong đó, Nghị định 125 khuyến khích ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô phát triển thông qua các ưu đãi và cơ hội phát triển. Trong mục tiêu chung ấy, Saigon Autotech & Accessories được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, góp phần hiện thực hóa yêu cầu trên.

Theo ông Phạm Tuấn Anh - Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chỉ mới sản xuất được một số phụ tùng đơn giản, có hàm lượng ông nghệ thấp. Do đó, ngay từ bây giờ, doanh nghiệp, nhà quản lý phải đưa ra các giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo động lực cho ngành công nghiệp ô tô phát triển.

Hiện tại, ngành công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô còn yếu nhưng công nghiệp hỗ trợ cho ngành xe máy đã phát triển với tỷ lệ nội địa cao, lên đến 90%, thậm chí, ở một số mẫu xe của Honda Việt Nam, tỷ lệ này lên tới 97%. Vì thế, Chính phủ cần tạo điều kiện để các nhà sản xuất linh phụ kiện xe máy chuyển sang sản xuất cả linh phụ kiện cho ô tô. Bởi vì, việc đồng thời phát triển cả 2 ngành ô tô và xe máy sẽ thuận lợi hơn nếu doanh nghiệp mới bắt đầu tham gia sản xuất linh phụ kiện, phụ tùng ô tô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ: Nên phát triển cả ngành ô tô và xe máy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO