Ngành thực phẩm Việt ít đầu tư cho nghiên cứu và phát triển?

CẨM TÚ| 27/11/2017 08:38

Một kết quả nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy, từ năm 2014 - 2017, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chi trung bình 1,6% doanh thu cho việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm.

Ngành thực phẩm Việt ít đầu tư cho nghiên cứu và phát triển?

Trong khi đó, con số này ở doanh nghiệp tại các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Philippines đều đạt mức trên 10% doanh thu. Ngay như nhóm doanh nghiệp Lào cũng chi hơn 14% doanh thu để đầu tư nghiên cứu, phát triển.

Đây là thông tin đáng chú ý tại hội thảo chủ đề Nâng cao chuỗi giá trị trong ngành thực phẩm Việt Nam được tổ chức tại TP.HCM ngày 16/11 vừa qua.

Bà Nguyễn Mai Oanh - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nêu dẫn chứng: Việt Nam hiện chiếm 60% sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của thế giới, tuy nhiên giá trị thu về lại rất thấp so với nhiều quốc gia khác vì chủ yếu xuất khẩu tiêu thô hoặc sơ chế mà chưa có sản phẩm chế biến sâu.

Theo bà Nguyễn Mai Oanh, một trong những sản phẩm tiêu có giá trị gia tăng cao nhất hiện nay là dầu nhựa tiêu. Đây cũng là sản phẩm giúp ngành chế biến tiêu Ấn Độ thu về nhiều lợi nhuận. Trong khi đó, Việt Nam chưa có bất kỳ nhà máy chế biến dầu nhựa tiêu nào và các doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư công nghệ để chế biến sản phẩm này. Điều này khiến ngành sản xuất, chế biến xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam khó giữ được mức độ tăng trưởng về mặt giá trị.

Một thực tế khác là mặc dù Việt Nam có nguồn nguyên liệu thực phẩm dồi dào, sản lượng xuất khẩu lớn nhưng ngành chế biến sữa hiện phải nhập khẩu đến 60% nguyên liệu; ngành sản xuất bia nhập khẩu 75% nguyên liệu, còn ngành chế biến dầu ăn phải nhập khẩu trên 90% nguyên liệu.

Theo dự báo của FAO, từ nay đến năm 2025, nhu cầu về thực phẩm của thế giới không có sự gia tăng đột biến do quy mô dân số thế giới vẫn ở mức ổn định. Tuy nhiên, cơ cấu nhu cầu sản phẩm thực phẩm sẽ thay đổi rõ nét từ việc tiêu dùng thực phẩm cơ bản sang sử dụng phân khúc thực phẩm có chất lượng cao. Vì vậy, doanh nghiệp chế biến thực phẩm không nhất thiết phải gia tăng công suất, sản lượng mà cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm.

Link bài viết

Tại hội nghị, bà Jocelyn Trần - đại diện Walmart đã chia sẻ cho các doanh nghiệp Việt Nam cách thức để có thể trở thành nhà cung cấp cho tập đoàn này. Theo bà Jocelyn Trần, để có thể hợp tác với Walmart, các nhà cung cấp quy mô nhỏ sẽ có 2 lựa chọn: Một là làm việc với Intertek, hai là làm việc với bên kiểm toán thứ ba.

Theo đó, trước tiên doanh nghiệp cần nộp một báo cáo kiểm toán cho Intertek hoặc bên kiểm toán thứ ba. Sau đó, Walmart sẽ tiến hành thẩm định báo cáo đó và đưa ra đánh giá ở 3 mức độ: Màu đỏ là không đồng ý hợp tác, màu vàng là có thể hợp tác với điều kiện doanh nghiệp phải cải thiện một số vấn đề và màu xanh là có thể hợp tác ngay lập tức mà không cần điều chỉnh gì.

Bà Jocelyn Trần cho biết, quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay phù hợp để trở thành nhà cung cấp nhỏ cho tập đoàn này. Theo quy định của Walmart, nhà cung cấp nhỏ phải có doanh thu 2,5 triệu USD/năm và doanh thu từ các đơn hàng cung cấp cho Walmart ở mức dưới 100.000 USD/năm. Bà Jocelyn Trần nhấn mạnh, có một số nguyên tắc mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải tuân thủ nếu muốn trở thành nhà cung cấp cho Walmart. Đó là nguyên tắc về dịch vụ cho khách hàng, tôn trọng cá nhân, tuân thủ luật pháp và đảm bảo minh bạch. Thêm vào đó, nhà cung cấp thực phẩm cũng cần được cấp chứng chỉ GFSI.

Theo bà Jocelyn Trần, từ khi Walmart gặp gỡ doanh nghiệp đến khi quyết định hợp tác thường mất khoảng một năm. Trong thời gian đó, đội ngũ của Walmart sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ và đáp ứng các điều kiện. Trường hợp Công ty CL-Fish (An Giang) phải mất tới 2 năm mới nhận được sự đồng ý hợp tác. Trước khi hợp tác với Walmart, sản phẩm cá tra của CL-Fish chưa từng được xuất khẩu ra nước ngoài. Nhưng hiện nay, công ty đã xuất khẩu cá tra đi 70 nước trên thế giới.

Ông Nguyễn Song Hà (Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc) cho rằng, một trong những tiêu chí quyết định sự phát triển bền vững của ngành chế biến thực phẩm là phải đảm bảo an toàn vệ sinh. Điều này đòi hỏi phải có một quy trình kiểm soát chất lượng của toàn bộ chuỗi sản xuất từ người sản xuất nguyên liệu đến đơn vị vận chuyển, bảo quản, sơ chế, bán lẻ và cả người tiêu dùng. Vì vậy hiện nay, muốn có sản phẩm thực phẩm an toàn, doanh nghiệp Việt Nam không thể thực hiện phương thức “mua đứt bán đoạn” mà phải tham gia xây dựng chuỗi sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành thực phẩm Việt ít đầu tư cho nghiên cứu và phát triển?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO