Chuyện làm ăn

Chuyển đổi kép, “khó kép”

Ý Nhi 25/05/2024 08:53

Chuyển đổi kép nền kinh tế là sự kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Đây là con đường để Việt Nam đột phá, phát triển bền vững, sớm trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Thế nhưng, vẫn nhiều doanh nghiệp (DN) còn mù mờ và loay hoay.

1. Xanh và số: Tác động tương hổ

Việc ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain, IoT (internet vạn vật) gần đây đã chứng minh nền kinh tế không chỉ được số hóa mà còn góp phần chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, thân thiện với môi trường thông qua việc giảm chi phí, tài nguyên tiêu hao trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Nhiều DN đã ứng dụng công nghệ xanh và số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, kết quả là gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, giảm lượng phát thải, chất thải, mở rộng thị trường, tăng doanh thu, lợi nhuận xuất khẩu. Đơn cử, khi ngành dệt may thế giới yêu cầu DN nếu quá trình sản xuất phát sinh thừa vải hay sản phẩm bị lỗi thì không được phép tiêu hủy, mà phải tái chế thì các DN dệt may Việt Nam đạt ESG (chỉ số môi trường, xã hội và quản trị) đang có đơn hàng tốt hơn, nhiều hơn.

Nhưng đây chưa phải là số đông. Phần lớn các DN Việt Nam là DN nhỏ và vừa (SMEs) thì vẫn đang mù mờ và loay hoay cả về định hướng, tài chính lẫn kiến thức về chuyển đổi kép xanh và số. Thậm chí, có DN than: “Chưa hết khó vì số, nay lại đến xanh. Và giờ lại kép! Biết chọn chuyển đổi nào làm trước?”.

Thực chất, việc chuyển đổi số và xanh không nên tách bạch. Bởi, chuyển đổi số sẽ vừa giúp DN cùng lúc thực thi hai xu hướng bắt buộc phải làm mà lại tăng năng suất vừa thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi kép (xanh và số) đều quan trọng, cần thực hiện song hành.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành khẳng định, nếu như trước đây theo đuổi “tính xanh” là sự đánh đổi chi phí, thì bây giờ xanh là để bảo vệ sức cạnh tranh, cơ hội duy trì sản xuất, bán hàng ra quốc tế.

Đơn cử mới đây, ngành dệt may Việt Nam đã bị mất đơn hàng vào tay Bangladesh, và có thể bị quốc gia này lấy lại vị trí số 2 thế giới trong năm 2023, trong đó có nguyên nhân một số DN do chậm chuyển đổi xanh.

z5468263243855_37afb1cb56c75a4e3e17bd623b153173.jpg
Hình minh họa - AI

2. Doanh nghiệp vẫn mù mờ

Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong vấn đề tăng trưởng số và xanh nhưng thực tế nhận thức về vấn đề này của DN vẫn còn ở mức độ thấp. Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), cho biết, tại một cuộc họp khảo sát “Đánh giá mức độ nhận thức của doanh nghiệp liên quan tới bài toán giảm phát thải và chuyển đổi xanh”, chỉ có 20% những người tham gia biết đến cam kết tại COP26. Chỉ có hơn 10% doanh nghiệp biết đến những bài toán ảnh hưởng trực diện tới DN như xu hướng thuế carbon, xu hướng điều chỉnh thuế cacbon tại các quốc gia châu Âu, các quốc gia phát triển, những Nghị định, Quyết định trong nước liên quan cần phải thực hiện trước mắt…

“NHNN cũng sẽ chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn lực để tài trợ vốn cho các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh, dự án mô hình kinh tế góp phần thực hiện các yêu cầu về đổi mới mô hình tăng trưởng quốc gia, phát thải thấp; đồng thời hướng dẫn các TCTD cấp tín dụng xanh, báo cáo tình hình triển khai tín dụng xanh sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phân loại xanh quốc gia”.

Đặc biệt, một số DN đang mơ hồ với khái niệm chuyển đổi kép, lúng túng trong cách thức triển khai các hoạt động đào tạo, tập huấn, và truyền thông về chuyển đổi kép”. Thực tế, trong những năm trở lại đây, mặc dù mục tiêu chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đã trở thành sự ưu tiên của hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp và các chính phủ, hai quá trình này hiện chủ yếu diễn ra một cách riêng lẻ, chưa có tính đồng bộ để tận dụng tối đa tiềm năng giúp tăng năng suất và hiệu quả cho doanh nghiệp và các hoạt động kinh tế, đại diện công ty Misa chia sẻ.

Vì thế, việc có những chính sách, chương trình hỗ trợ, truyền thông, tư vấn về lộ trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh thực sự cần thiết để DN có thể bứt phá trong giai đoạn tiếp theo.

3. Còn nhiều khó khăn

Thời kinh tế xanh và số, các thông tin chuyển đổi nên kinh tế cũ sang mới đang cấp bách, các chuyên gia cảnh báo: “Nếu Việt Nam không nhanh chóng có kế hoạch chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, sử dụng tài nguyên tái tạo, giảm lượng chất thải và khí thải, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, tối ưu hóa quá trình sản xuất để giảm lượng chất thải…thì kinh tế sẽ bị tác hại nặng nề, DN sẽ càng mất đi cơ hội”.

PGS - TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore Việt Nam cũng cho rằng, nếu không chuyển đổi nhanh sang mô hình tăng trưởng xanh thì nền kinh tế Việt Nam khó có thể cất cánh do sức cạnh tranh thu hút đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam sẽ suy giảm, Việt Nam có thể mất đi những bạn hàng lớn.

Tại Hội thảo Đối tác khí hậu toàn cầu 2024 vừa diễn ra tại TP.HCM và Đà Lạt do Công ty Quản lý quỹ toàn cầu responsAbility, đơn vị quản lý Quỹ GCPF tổ chức mới đây, các chuyên gia cũng đưa ra tính toán sơ bộ của một nghiên cứu quốc tế gần đây, cảnh báo, Việt Nam đã mất đi khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do tác động của biến đổi khí hậu. Nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12-14,5% GDP mỗi năm đến năm 2050 và có thể khiến tới một triệu người vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030. Thậm chí, mức độ thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu có thể lên đến 38.000 tỷ USD mỗi năm đến năm 2050 trên toàn cầu.

12,9% lượng phát thải khí nhà kính giảm so với kịch bản phát triển bình thường. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP giảm trung bình 1,8%/ năm.

Cấp thiết, nên Chính phủ cũng đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm đáng ghi nhận trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, minh chứng bằng nhiều chỉ thị được ban hành trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, khi nhìn vào những gì đang diễn ra, vẫn còn những hạn chế của Việt Nam được các chuyên gia nhận diện như: Chưa có tư duy chiến lược và tầm nhìn đột phá, pháp lý còn phức tạp, ảnh hưởng đến các nhà đầu tư, quá trình tổ chức thực hiện cho tăng trưởng xanh vẫn còn chậm, chưa có chiến lược bài bản. Đặc biệt, việc tiếp cận với nguồn tín dụng xanh vẫn chưa thông.

Tại Hội thảo Đối tác khí hậu toàn cầu 2024, bà Trịnh Thị Hương - Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, để thực hiện lộ trình phát triển thích ứng với khí hậu và phát thải ròng bằng 0, dự kiến Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP, tương đương 368 tỷ USD từ nay đến năm 2040.

Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM Nguyễn Đức Lệnh, Ngân hàng Nhà nước cũng chia sẻ, hiện Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm khuyến khích các tổ chức tín dụng tập trung huy động các nguồn vốn xanh và triển khai các gói hỗ trợ tài chính chú trọng yếu tố phát triển xanh và bền vững.

Đồng thời, các quy chế và quy trình áp dụng tín dụng xanh không có sự khác biệt với tín dụng thông thường, sự khác biệt ở việc phân loại ngân sách (vốn đầu tư, vốn vay, nợ vay) theo mục đích đầu tư và vận hành của từng dự án.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc triển khai tín dụng xanh vẫn còn nhiều thách thức do quy trình thẩm định phức tạp. Trong đó, vấn đề thiếu tiêu chuẩn phân loại xanh làm cơ sở ngôn ngữ chung giữa ngân hàng và DN, thiếu những tiêu chí để các tổ chức tín dụng (TCTD) căn cứ xác định cấp tín dụng xanh cho DN. Thế nên, mới có chuyện một chủ doanh nghiệp đã phải “cãi vã” với nhân viên tín dụng, bởi, “người nói xanh, kẻ nói không xanh nên tín dụng nhất định không “mở két xanh”.

Bà Hồ Nguyễn Thúy Vy - Phó tổng giám đốc của Nam Á Bank thừa nhận, đến thời điểm hiện tại, các khía cạnh pháp lý tại Việt Nam vẫn chưa được cụ thể hóa đủ để hỗ trợ DN. Chưa có một khung chuẩn xanh cụ thể mà các tổ chức tài chính như chúng tôi có thể áp dụng để biết được làm thế nào là xanh.

Ông Bùi Thanh Minh - Trưởng khối Nghiên cứu và Đối thoại chính sách, Văn phòng Ban IV cũng thừa nhận, việc rót vốn vẫn gặp nhiều khó khăn do các rào cản trong chuyển đổi xanh. Nhiều báo cáo đã cho thấy những trở ngại liên quan đến cải cách hành chính, thuế, tín dụng xanh, và tái chế rác thải, làm chậm quá trình triển khai các dự án xanh.

Bên cạnh khó khăn về tài chính xanh, việc chuyển đổi, phát triển kinh tế xanh dựa trên các nền tảng công nghệ bao gồm nguồn vốn, hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn chế, thiếu nguồn nhân lực số và rủi ro an ninh mạng ngày càng gia tăng của Việt Nam cũng có nhiều vướng mắc. Từ đó, ảnh hưởng không nhỏ đến mức độ sẵn sàng chuyển đổi của nhiều DN.

Chuyên gia nhấn mạnh, phần đông DN đều có nhận thức và ý thức được về sự cần thiết phải chuyển đổi nhưng chưa đạt mục tiêu kỳ vọng. TS. Lê Hùng Cường - Phó tổng giám đốc FPT Digital nói: “Các doanh nghiệp chủ yếu đang ở bước số hóa, hoặc đã từng bước sử dụng các công nghệ, phần mềm mới nhưng chưa đạt được mục tiêu đề ra và cũng chưa tìm ra hướng để chuyển đổi song song cả xanh lẫn số”.

4. Gỡ nghẽn “khó kép”- cần nhận thức và nhiều mô hình lan tỏa

Nhấn mạnh vấn đề vốn, ông Bùi Quang Duy - Phó giám đốc Toàn cầu BP Tài chính Khí hậu mảng Định chế tài chính, Công ty quản lý quỹ toàn cầu responsAbility cho biết, việc sử dụng nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế, là yếu tố then chốt trong quá trình chuyển đổi xanh. Tin vui là hiện đang có nguồn vốn lớn từ các tổ chức tài chính đầu tư vào lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, tài chính xanh… vào các quốc gia. Trong số 100 quốc gia mà quỹ đầu tư nhìn ngó, Việt Nam là thị trường lớn thứ hai, rất quan trọng và nhiều tiềm năng. Trong đó có responsAbility hỗ trợ các đối tác bằng việc cấp vốn dài hạn và xây dựng năng lực, tư vấn triển khai các chiến lược xanh.

Ông Duy cũng cho hay, Việt Nam hiện là thị trường đầu tư lớn thứ hai của quỹ này và quỹ sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với các đơn vị trong thời gian tới, nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng hệ sinh thái xanh hoàn chỉnh tại Việt Nam.

Từ 28% lên 46,9% tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp có nhận thức về sản xuất sạch hơn đã tăng trong giai đoạn 2010 - 2020.

Tuy nhiên, ở góc độ làm chính sách, bà Phạm Thị Ngọc Thủy cho biết, khó khăn đang hiện hữu và các chính sách cũng đang nỗ lực tháo gỡ. Tuy nhiên, việc phải làm trước mắt để gỡ các điểm nghẽn này chính là nâng cao nhận thức cho DN và xây dựng hệ sinh thái. Theo bà Thủy, hiện cái vướng lớn nhất là sự nhận thức và hiểu của DN. Chính sách thì nhiều nhưng quan trọng là có thể triển khai được và đúng. Nhà nước không thể vừa đưa ra chính sách, vừa triển khai. Vì thế, chúng tôi rất cần khâu phản biện. Trong khi phía DN thì cần thông tin, nắm bắt sớm để chuẩn bị thì việc hiểu và thực hành cũng còn mơ hồ, dẫn đến muốn làm nhưng vẫn loay hoay.

Bà Thủy nhấn mạnh, việc xóa “mù mờ” trong nhận thức của DN về chuyển đổi xanh và số , như thế nào, làm ra sao, vì sao…. vẫn là công việc trong 10 năm nữa vẫn chưa cũ, cùng với đó là xây dựng hệ sinh thái.

Bên cạnh đó, Chính phủ đang đầu tư mạnh cho chuyên đổi xanh nên rất cần chính sách khuyến khích để có nhiều mô hình, dự án thí điểm tích cực với nhiều bên tham gia để có pháp lý hoàn chỉnh. “Chỉ khi có nhiều DN làm và DN khác được sờ, được thấy, được hiểu thì tuyên truyền nhận thức mới nhân rộng và hiệu quả”, bà Thủy nhấn mạnh.

Điều này cũng đã được TS. Frank Rijsberman - Tổng giám đốc Viện tăng trưởng xanh toàn cầu GGGI chia sẻ, ông nói: “Các công ty cần hiểu cặn kẽ và biết nắm bắt xu hướng việc phát triển xanh và phát triển bền vững của thị trường vì có rất nhiều cơ hội mở ra trong công cuộc thích ứng và biến đổi khí hậu này. Đặc biệt, phải xác định ngay từ đầu chiến lược chuyển đổi để kiên định và kiên trì. Ví dụ ở Việt Nam có một công ty sản xuất xe điện đã tạo ra xu hướng thay đổi mọi người sang sử dụng xe điện giao thông và hy vọng sau 10 năm nữa, các phương tiện thông minh sẽ là cơ hội cho các công ty ở Việt Nam để họ có thể phát triển kinh doanh với những sáng kiến bảo vệ môi trường xanh, tiếp cận nguồn tài chính xanh phát triển mạnh mẽ hơn.

Điển hình cho câu chuyện nhận thức là LEGO. Năm 2021, khi công ty này công bố kế hoạch mới tại Việt Nam trị giá một tỷ đô la Mỹ. Đây không chỉ là số tiền để xây dựng nhà máy mà là nỗ lực xây dựng nhà máy với tầm nhìn xa, đó là nhà máy xanh trung hòa cacbon với 50 ngàn cây xanh được trồng theo phương pháp trồng cây tạo che phủ rừng trên đất bạc màu, lắp hơn 12.500 tấm pin mặt trời trên mái nhà và ứng dụng các giải pháp lưu trữ điện mặt trời để cung cấp năng lượng tái tạo cho sản xuất vốn phải hoạt động 24/7.

Nếu xét trong 10 năm đổ lại, dự án không phải lựa chọn sáng suốt nhưng về dài hạn, CEO tập đoàn này cho rằng, “Cần phải đi những bước đầu tiên một cách can đảm và dấn thân, học hỏi và đây là lựa chọn sáng suốt cả về tài chính lẫn bền vững. Không chỉ có LEGO, Intel cũng ứng dụng năng lượng tái tạo vào chuỗi sản xuất.

Tuy nhiên, không phải DN nào cũng đủ kiên trì theo đuổi mục tiêu xanh và số. Đặc biệt, 98% DN Việt Nam vẫn là vừa và nhỏ sẽ còn nhiều thách thức dài hạn cho các startup. Làm thế nào để mỗi DN hiểu được mỗi kilowatt điện họ tiết kiệm được sẽ tương ứng với một khoản chi phí được tối ưu.

Quan trọng hơn, bài toán chuyển đổi kép bền vững không chỉ xoay quanh yếu tố công nghệ, bởi công nghệ chỉ là cỗ máy, vấn đề nhân lực mới là nút thắt tương lai cần gỡ, ông Kim Hoat Ooi - Itel Việt Nam nhận định.

Các chuyên gia kiến nghị, để phát triển chiến lược kép, Chính phủ cần điều tiết nguồn vốn đi đúng hướng trong việc tận dụng sự hỗ trợ của của quốc tế về tài chính và chuyển giao công nghệ qua chiến lược ngoại giao khéo léo. Các chính sách hỗ trợ bao gồm việc tài trợ cho nghiên cứu và phát triển (R&D) nâng cao khuyến khích hợp tác đầu tư vào ngành tái chế, xử lý rác, nước sạch cũng như chuyển đổi năng lượng. Việc áp dụng công nghệ xanh ở các nước đang phát triển cần phải có sự tham gia của các tổ chức tài chính quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyển đổi kép, “khó kép”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO