Vẫn khó đoán định giá vàng

HỒ LÊ| 01/12/2016 01:30

Thị trường vàng thế giới những ngày qua đã rớt nhanh về dưới mốc hỗ trợ 1.200 USD/oz, kích thích giới đầu tư bán ra và có thể sẽ tiếp tục chịu áp lực đi xuống trong thời gian tới.

Vẫn khó đoán định giá vàng

Thị trường vàng thế giới những ngày qua đã rớt nhanh về dưới mốc hỗ trợ 1.200 USD/oz, kích thích giới đầu tư bán ra và có thể sẽ tiếp tục chịu áp lực đi xuống trong thời gian tới.  

Đọc E-paper

Từ mức rất cao, lên đến 1.920 USD/oz vào ngày 6/9/2011, giá vàng sau đó đã chấm dứt mạch tăng giá suốt 11 năm liên tiếp kể từ năm 2000. Tính đến ngày 25/11 vừa qua, giá vàng thế giới đóng cửa gần 1.184 USD/oz, tức giảm 736 USD/oz, tương đương mức giảm 38%.

Nếu so với mức cao nhất tại 1.337 USD/oz của ngày 9/11, thời điểm diễn ra cuộc bầu của Tổng thống Mỹ, giá vàng hiện tại đã giảm 153 USD/oz, tương đương mức giảm 11%.

Diễn biến tiêu cực

Thị trường vàng thế giới cũng đang hướng tới tháng giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 6/2013 đến nay. Với việc được niêm yết theo đồng USD thì bất kỳ sự đi lên nào của đồng bạc xanh đều có ảnh hưởng tiêu cực đến giá vàng. Trong khi đó, đồng USD đã có một trong những giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất và đang hướng tới mức cao kỷ lục trong 14 năm qua.

Giá vàng trong nước cũng đã liên tục giảm kể từ ngày 9/11 đến nay. Nếu như trong ngày này giá có lúc tăng hơn 1 triệu đồng/lượng, chạm mức 37,35 triệu đồng/lượng thì hiện tại đã giảm về quanh 35,5 triệu đồng/lượng.

Việc giá vàng trong nước giảm chậm hơn giá thế giới một phần nhờ vào tỷ giá USD/VND những ngày qua liên tục đi lên, một phần là do các doanh nghiệp kinh doanh vàng vẫn giữ giá niêm yết cao để phòng ngừa rủi ro trước sự giảm mạnh của thị trường vàng thế giới những ngày qua.

Hiện tại giá vàng trong nước đang cao hơn giá thế giới quy đổi hơn 3 triệu đồng/lượng.

Những yếu tố hỗ trợ giá vàng đã không còn?

Vàng có 2 vai trò chính trong thị trường tài chính. Thứ nhất là tài sản chống lại lạm phát, bảo vệ sức mua trước sự mất giá của tiền tệ. Thứ hai là kênh đầu tư trú ẩn an toàn trước nỗi lo về những rủi ro hoặc biến cố không chắc chắn của nền kinh tế.

Nhìn vào thời điểm tăng giá nhanh kỷ lục của thị trường vàng trong giai đoạn 2010 - 2011, chủ yếu đến từ nỗi lo ngại về khả năng vỡ nợ của các nền kinh tế trong EU cùng với việc Mỹ lần đầu tiên bị S&P hạ mức tín nhiệm từ AAA xuống AA+ (tiêu cực) vào ngày 5/8/2011, khiến các nhà đầu tư bán tháo các tài sản đồng USD và nhảy vào vàng, đẩy giá kim loại này tăng vọt lên mức cao nhất 1.920 chỉ một tháng sau đó, vào ngày 6/9/2011.

Trong 7 tháng đầu năm nay, giá vàng tăng mạnh từ mức thấp 1.062 USD/oz lên 1.350 USD/oz, trước những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc có thể "hạ cánh cứng" hay sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), tuy nhiên giờ đây yếu tố ấy dường như đã không còn dẫn dắt thị trường, bất chấp những rủi ro của nền kinh tế Trung Quốc vẫn hiện hữu và việc Anh rời khỏi EU vẫn đang trong tiến trình thực hiện.

Với việc đắc cử tổng thống của ông Donald Trump, giới đầu tư kỳ vọng nền kinh tế nước này sẽ khôi phục mạnh mẽ, nên thế giới đang nhảy vào đồng USD thay vì là thị trường vàng. Chẳng những vậy, hiện nay xếp hạng tín nhiệm của Mỹ cũng đã phục hồi, với Fitch đánh giá trái phiếu dài hạn của Mỹ về mức cao nhất là AAA (ổn định), trong khi S&P tuy vẫn giữ mức hạng AA+ nhưng đã nâng từ tiêu cực lên ổn định.

Theo số liệu thống kê từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) trong quý II/2016, khối lượng vàng mà các ngân hàng trung ương mua ròng đã giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011. Đây là quý thứ ba liên tiếp các ngân hàng trung ương giảm mua ròng vàng, đánh dấu chuỗi quý giảm mua dài nhất trong vòng ít nhất 5 năm trở lại đây, thậm chí một số nước còn chuyển sang bán ròng vàng.

Tương lai nào cho giá vàng?

Nếu nhìn vào đồng yen - một tài sản có chức năng trú ẩn rủi ro tương tự như vàng, thì gần đây cũng đã chấm dứt đà tăng trưởng mạnh từ cuối năm ngoái và hiện liên tục giảm giá trước các đồng tiền khác.

Tỷ giá USD/JPY đã tăng ròng 7,7% kể từ thời điểm có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ đến nay, trong khi cùng thời điểm đồng yen Nhật cũng đã mất giá 8,4% so với bảng Anh, 5,5% so với đô la Canada, 3,7% so với franc Thụy Sỹ, 3,2% so với đồng EUR và gần 3% so với đô la Úc.

Điều này cho thấy trong thời điểm hiện nay, những tài sản an toàn như yen Nhật và vàng đang không được ưa chuộng. Thị trường vàng thế giới những ngày qua đã rớt nhanh về dưới mốc 1.200 USD/oz, kích thích giới đầu tư bán ra và có thể sẽ tiếp tục chịu áp lực đi xuống trong thời gian tới. Vùng hỗ trợ của thị trường hiện nay là 1.050 USD/oz, cũng là mức đáy gần nhất thị trường thiết lập vào ngày 3/12/2015.

Trong khi đó, một số tổ chức đã dự đoán giá vàng trong năm 2017 có thể rớt về dưới 1.000 USD/oz, mốc tâm lý cứng và là ngưỡng kháng cự mạnh trước đây của thị trường.

Thậm chí một số nhà đầu tư còn cho rằng giá vàng thế giới có thể chạm mức thấp 850 USD/oz, tuy nhiên điều này khó có thể xảy ra vì theo tính toán của Công ty Goldcorp - nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới, thì chi phí sản xuất 1 ounce vàng hiện tại làm cho giá vàng tối thiểu cũng ở mức 850 USD/oz .

Giá vàng trong nước sẽ chịu áp lực giảm giá theo diễn biến của giá vàng thế giới, tuy nhiên mức giảm sẽ tiếp tục chậm hơn nhờ tỷ giá USD/VND tăng, cũng như việc các doanh nghiệp kinh doanh vàng kìm giá do vẫn chưa được phép nhập khẩu vàng trở lại.

Vậy câu hỏi đặt ra có nên mua vàng trong thời điểm này? Hoặc nếu giá vàng thế giới rớt về 1.000 USD/oz, thậm chí thấp hơn, hay giá vàng trong nước về 30 triệu đồng/lượng thì có nên đầu tư vào thị trường này? Câu hỏi này thật khó có lời giải chính xác trong bối cảnh kinh tế thế giới không ổn định và chính sách chống vàng hóa của Ngân hàng Nhà nước chưa biết có thêm những quy định gì.

Tuy nhiên, việc quan sát diễn biến đồng USD trên thị trường thế giới là cần thiết, cũng như xu hướng tăng lãi suất của FED. Nếu cơ quan này đã đến gần ngưỡng không thể điều chỉnh tăng lãi suất được nữa, khi đó có thể cân nhắc đầu tư vào vàng. Ngoài ra, cần quan sát nền kinh tế Mỹ thời kỳ Trump có đúng thật sẽ phục hồi như những gì ông ta cam kết.

Chính sách tài khóa mở rộng của ông Trump có thể đẩy lạm phát lên nhanh hơn, và nếu FED không còn nhiều dư địa để tăng lãi suất thì khi đó rủi ro lạm phát và sự thất vọng từ nền kinh tế Mỹ không tăng trưởng như kỳ vọng có thể kích thích dòng vốn đầu tư quay trở lại thị trường này.

>Doanh nghiệp Nhật cần gì ở "thị trường vàng" Việt Nam?

>Quản lý thị trường vàng:"Kín đầu, hở đuôi"

>Bài học quản lý thị trường vàng Trung Quốc và Ấn Độ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vẫn khó đoán định giá vàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO