Tín dụng sẽ tăng trưởng 13-15%: Có khả thi?

LINH CHI| 03/10/2015 02:21

Mặt bằng lãi suất huy động có dấu hiệu chạm đáy vào tháng 5 và bắt đầu tăng nhẹ trở lại ở một vài ngân hàng kể từ tháng 6/2015...

Tín dụng sẽ tăng trưởng 13-15%: Có khả thi?

Số tiền cho vay của các tổ chức tín dụng hiện nay tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2011, cho thấy mục tiêu tín dụng tăng trưởng 13 - 15% cho cả năm 2015 có thể đạt.

Đọc E-paper

Vào tăng, ra giảm

Mặt bằng lãi suất huy động có dấu hiệu chạm đáy vào tháng 5 và bắt đầu tăng nhẹ trở lại ở một vài ngân hàng (NH) kể từ tháng 6/2015.

Cho đến đầu tháng 9/2015, việc điều chỉnh tăng lãi suất huy động diễn ra trên diện rộng ở hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM) với tỷ lệ điều chỉnh từ 0,05 - 0,5% (tùy kỳ hạn).

Việc điều chỉnh tăng lãi suất huy động xuất phát từ áp lực trên thị trường ngoại hối, sự hấp dẫn từ các kênh đầu tư khác và cả áp lực tăng trưởng tín dụng cuối năm.

Thậm chí, nhiều ý kiến đặt giả thiết việc tái cấu trúc NH cũng đòi hỏi một lượng vốn lớn làm giảm tính thanh khoản thị trường, thể hiện ở một số thời điểm lãi suất liên NH tăng ở các kỳ hạn

Như vậy, trước nhiều áp lực hiện nay, dù lạm phát không tăng nhưng mục tiêu giảm lãi suất trung, dài hạn thêm 1 - 1,5%/năm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra từ đầu năm vẫn sẽ khó thực hiện.

Thế nhưng, một lãnh đạo NHTM tại TP.HCM cho rằng, đó chỉ là một phần của câu chuyện, nguyên nhân chính chủ yếu do cung cầu của thị trường. Cụ thể, tính đến thời điểm này, tăng trưởng huy động tại các NHTM đã thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng.

Còn xét theo số liệu của toàn hệ thống, tại thời điểm ngày 20/8, tổng huy động vốn tại các tổ chức tín dụng (TCTD) ước tăng 7,26%, trong khi tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đã tăng 9,31% so với cuối năm 2014.

Với số liệu này, dù là các NH lớn có thanh khoản dồi dào nhưng trước nhu cầu vốn vay ngày càng tăng thì đòi hỏi vốn huy động cũng phải cao tương ứng.

Theo một Phó tổng giám đốc NH Bản Việt, xu hướng chung của các NH là điều chỉnh lãi suất huy động tăng thêm kèm theo chương trình khuyến mãi để kích thích người dân gửi tiền, đồng thời giảm lãi suất cho vay giảm thấp kỷ lục.

Tại NH Bản Việt, lãi suất huy động tăng thêm 0,5% song song đó cũng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay xuống thấp.

Theo đó,những khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn tại NH được hưởng mức lãi suất ưu đãi cố định trong 6 tháng đầu chỉ 6,5%/năm và 12 tháng đầu là 7,5%/năm.

Những ngày đầu tháng 9, một số NH như Saigonbank, VIB, SCB, ABbank, MB hay Sacombank cũng đều tăng nhẹ lãi suất huy động từ 0,1 - 0,3% ở một số kỳ hạn và giảm mạnh lãi suất cho vay ở những kỳ hạn dài.

Đảm bảo đạt mục tiêu

Theo ông Nguyễn Thanh Nhung - Tổng giám đốc VietBank, tín dụng tăng trưởng hiện nay là điều đáng mừng đối với hệ thống NHTM. Có thể nhiều người hoài nghi việc tăng trưởng 5% trong những tháng còn lại của năm không phải dễ dàng, song các NH có cơ sở để vượt mục tiêu.

Trước hết, việc tăng lãi suất huy động của NH nhằm kích thích khách hàng gửi tiền tiết kiệm nhiều hơn để NH cân đối được nguồn tiền cho vay.

Bởi hiện nay, chưa nói đến chuyện DN đang vào mùa vụ cuối năm hút vốn mạnh, chỉ tính riêng chuyện NH được nới rộng điều kiện tham gia bảo lãnh dự án bất động sản (BĐS) là một lợi thế rất lớn trong việc tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm.

Quả vậy, việc giải ngân vốn vào BĐS, nhất là cho khách hàng cá nhân vay mua nhà hút một lượng vốn rất lớn vào lĩnh vực này. Bằng chứng giao dịch thị trường BĐS đã tăng mạnh, nhưng theo hướng tập trung vào việc cho vay người mua nhà hơn là đầu tư dự án như trước đây.

Đánh giá về việc tăng trưởng tín dụng cuối năm, ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính cho biết, đến hết tháng 8, tín dụng đã tăng 9,54%, cho thấy áp lực đến cuối năm không phải là thách thức lớn.

Nói về lãi suất, theo ông Hiếu, bởi dòng tiền bị hút mạnh buộc các NH phải đẩy mạnh cho vay và cần lượng vốn huy động lớn kéo theo chính sách lãi suất huy động phải hấp dẫn.

Theo đó, người dân và DN yên tâm ở lãi suất đầu ra, vì điều chỉnh lãi suất đầu vào không có nghĩa NH sẽ điều chỉnh tăng lãi suất đầu ra.

Điều này được thể hiện qua các gói vay ưu đãi lãi suất tại các NH hiện nay rất lớn và ổn định.

Ví dụ, HDBank dành 4.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp với lãi suất từ 6,5%/năm; gói 2.000 tỷ đồng của ABbank lãi suất 7,49%/năm cho 3 tháng đầu đối với kỳ hạn nhỏ hơn 12 tháng và các mức lãi suất tương ứng với các kỳ hạn khác.

Chưa kể đến các NH còn nhiều chương trình cho vay tiêu dùng cá nhân khác đã hoạt động liên tục từ đầu năm... Nhìn chung, các gói tín dụng các NH ưu đãi ở mức không quá 8%/năm, thời gian các NH đưa ra có thời gian cố định ngày càng kéo dài.

Điều này chứng tỏ NHTM có những chính sách rõ ràng trong việc cân đối lãi suất huy động - cho vay chứ không phải nóng vội đưa vốn ra thị trường mà điều chỉnh lãi suất xuống thấp.

Và cũng qua trao đổi, rõ ràng các lãnh đạo NH có chung quan điểm: Để đẩy mạnh tín dụng trong thời gian còn lại của năm, các NH sẽ cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất từ nay đến hết năm để doanh nghiệp dễ dàng vay vốn, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

>Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động ngắn hạn

>Tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài để cân đối vốn tín dụng

>NHNN bất ngờ hạ trần lãi suất USD xuống 0%

>Ngân hàng gửi tiền lẫn nhau: Bị cấm sẽ tìm cách lách

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tín dụng sẽ tăng trưởng 13-15%: Có khả thi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO