Thanh khoản cuối năm có ổn?

HỒ LÊ| 27/11/2016 06:44

Thông thường áp lực thanh khoản vào thời điểm cuối năm của các ngân hàng tăng cao, do giai đoạn này họ phải đẩy mạnh cho vay để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp lẫn cá nhân, trong khi huy động vốn lại khó khăn.

Thanh khoản cuối năm có ổn?

Thông thường áp lực thanh khoản vào thời điểm cuối năm của các ngân hàng tăng cao, do giai đoạn này họ phải đẩy mạnh cho vay để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp (DN) lẫn cá nhân, trong khi huy động vốn lại khó khăn. Thực tế này gây áp lực tăng lãi suất. 

Đọc E-paper

Một chỉ báo đáng tin cậy về áp lực thanh khoản là lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang có diễn biến đáng chú ý kể từ đầu tháng 10 đến nay, khi tăng đều ở các kỳ hạn. Hiện tại lãi suất qua đêm đã vượt trên mức 1%, trong khi doanh số giao dịch cũng tăng cao so với những tháng đầu năm nay.

Cụ thể, doanh số giao dịch bình quân kỳ hạn qua đêm trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11 là 9.000 tỷ, trong khi bình quân 9 tháng đầu năm nay chỉ ở mức 8.000 tỷ. Thậm chí có những ngày cuối tháng 10 doanh số giao dịch qua đêm luôn duy trì quanh mức 12.000 - 13.000 tỷ đồng.

Hiện thanh khoản hệ thống ngân hàng đã bớt dư thừa kể từ đầu tháng 11 đến nay, thể hiện qua việc lãi suất liên ngân hàng tăng lên và động thái bơm ròng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Với việc NHNN quyết định gia hạn cho vay ngoại tệ đối với các DN xuất khẩu thì dự kiến việc cho vay vốn ngoại tệ thời gian tới sẽ tiếp tục sôi động, theo đó có thể tiếp tục gây áp lực thanh khoản ngoại tệ lên các ngân hàng.

Hiện tăng trưởng tín dụng của ngành đến ngày 20/10 chỉ mới đạt 11,81%, do đó để đạt kế hoạch từ 18 - 20% đề ra trong năm nay, buộc các ngân hàng phải tăng tốc cho vay trong tháng còn lại của năm nay, do đó có thể gây áp lực lên thanh khoản. Trong khi đó, nguồn tiền gửi cuối năm thường tăng trưởng chậm hoặc thậm chí chịu áp lực giảm sút do bị rút ra kinh doanh, đáp ứng nhu cầu thanh toán của DN, hoặc đầu tư vào nhà đất, thị trường ngoại hối hoặc chứng khoán.

Thị trường bất động sản đang ngày càng ấm hơn, cầu tăng lên trong khi nguồn cung thiếu hụt do các công ty đang chuyển dần tập trung vào phân khúc cao cấp, do đó càng kích thích dòng tiền chuyển từ kênh ngân hàng sang mua bán nhà đất.

Diễn biến đồng USD đang tăng giá mạnh những ngày gần đây có thể khiến dòng vốn VND gửi tại các ngân hàng chuyển dịch sang đầu tư USD, nhất là khi lãi suất tiền gửi tại nhiều ngân hàng đã giảm kể từ tháng 9 đến nay, theo sau đợt giảm mạnh lãi suất huy động của 4 ngân hàng quốc doanh.

Theo thống kê mặt bằng lãi suất của các ngân hàng trên thị trường cho thấy lãi suất huy động bình quân ở kỳ hạn 1 tháng quanh 4,9%, 3 tháng ở 5,3%, 6 tháng ở 6% và 12 tháng là 6,9%.

Với mức lạm phát có thể đạt 4% trong năm nay thì lãi suất các khoản tiền gửi ngắn hạn hiện không còn nhiều hấp dẫn, trong khi khả năng FED tăng lãi suất vào tháng 12 tới ngày càng chắc chắn hơn thì việc nắm giữ USD theo xu hướng tăng giá của đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế được ưa thích, nhất là khi mức độ điều chỉnh tỷ giá USD/VND thời gian qua chỉ ở mức thấp so với mức độ tăng giá của USD trên thị trường quốc tế.

Với nhu cầu thanh khoản tăng lên, mặt bằng lãi suất có thể chịu áp lực tăng nhẹ, nhất là khi càng đến gần thời điểm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 60% xuống còn 50% từ đầu năm 2017. Theo thống kê của NHNN, tỷ lệ này đã tăng dần từ tháng 7 đến nay, sau khi Thông tư 06 có hiệu lực. Hiện tỷ lệ này ở các NHTM quốc doanh đến tháng 9 là 36,13% và nhóm các NHTM cổ phần là 41,45%.

Trong khi đó, các ngân hàng trong năm nay đã rót tiền rất nhiều vào thị trường trái phiếu. Thống kê cho thấy tổng khối lượng huy động trái phiếu chính phủ đã đạt hơn 270 nghìn tỷ đồng, gần đạt kế hoạch 280 nghìn tỷ đặt ra trong năm nay.

Đáng lưu ý là khác với trước đây, thường ngân hàng chỉ tập trung mua trái phiếu ở kỳ hạn ngắn, thì trong năm nay lượng trái phiếu kỳ hạn dài hơn cũng có tỷ lệ trúng thầu khá cao. Cụ thể, trái phiếu kỳ hạn 10 và 15 năm cũng đạt gần 90%, kỳ hạn 30 năm đạt hơn 106%.

Điều này cho thấy dòng vốn huy động của các ngân hàng vốn chủ yếu ở kỳ hạn ngắn đã rót khá mạnh vào các trái phiếu với kỳ hạn rất dài, gây ra lo ngại về rủi ro kỳ hạn.

Thực tế trong tình hình NHNN đã ban hành nhiều chính sách nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động cho vay của các ngân hàng, một số ngân hàng với nguồn thanh khoản dư thừa quá lớn buộc phải tìm các kênh đầu tư khác để tối ưu hóa việc sử dụng vốn. Lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng quá thấp trong những tháng đầu năm nay nên nhiều ngân hàng phải rót tiền vào kênh trái phiếu chính phủ để tìm kiếm lợi suất cao hơn, bất chấp tình trạng chênh lệch kỳ hạn.

9 tháng đầu năm nay nguồn vốn của ngân hàng đã rót vào các khoản vay trung dài hạn khá lớn như cho vay các dự án đầu tư BOT, BT, các dự án bất động sản khiến NHNN phải ban hành các văn bản nhắc nhở và yêu cầu hạn chế vốn rót vào các lĩnh vực này. Do đó, nhiều ngân hàng gần đây đã phải siết chặt hoạt động cho vay ở khu vực này nhằm hạn chế bớt rủi ro.

Trên thị trường tín phiếu, gần đây NHNN cũng đã liên tục bơm ròng để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng. NHNN cũng lần đầu tiên trong năm nay phát hành tín phiếu kỳ hạn 28 ngày bên cạnh tín phiếu kỳ hạn 14 ngày.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt thì NHNN phát hành thêm tín phiếu với kỳ hạn dài hơn nhằm mục đích giãn thời gian đáo hạn của tín phiếu vào dịp cuối năm, giúp củng cố thanh khoản cho hệ thống trong giai đoạn cao điểm.

>Lãi suất tăng: Nhất thời hay xu hướng?

>Lãi suất tăng: Ngân hàng hưởng lợi hay chịu thiệt?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thanh khoản cuối năm có ổn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO