Rủi ro gì từ doanh nghiệp tăng vốn khủng?

Gia Lê| 18/11/2019 07:00

Sàn chứng khoán chứng kiến không ít doanh nghiệp có tốc độ tăng vốn khủng lên hàng chục lần chỉ trong thời gian ngắn, khiến cổ phiếu bị pha loãng và mang lại rủi ro tiềm tàng cho cổ đông sở hữu cổ phiếu các doanh nghiệp này.

Rủi ro gì từ doanh nghiệp tăng vốn khủng?

Câu hỏi được nhiều người đặt ra nhất đối với những doanh nghiệp tăng vốn khủng như trên là liệu vốn tăng nhanh như vậy có thực chất hay không, hay chỉ là vốn ảo; còn dòng tiền thực chất rót vào không phát sinh hoặc chỉ ở mức khiêm tốn.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp ghi nhận vốn tăng thêm nhờ một số cổ đông góp vốn bằng bất động sản, theo đó giá trị bất động sản cũng bị định giá lên rất cao so với giá trị thực. Trong trường hợp này, dòng tiền thực không có, công ty cũng không thể bán vốn là bất động sản góp vào, nên không thể mở rộng sản xuất kinh doanh để tăng lợi nhuận.

Thứ hai, một số doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu để hoán đổi nợ và tăng vốn. Theo đó, các công ty này phát sinh những khoản nợ vay để đầu tư hoặc góp vốn vào các doanh nghiệp khác, và khi đến thời hạn thanh toán thì liền phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ; theo đó, chủ nợ sẽ thành cổ đông mới của doanh nghiệp. Đáng lưu ý, những chủ nợ này cũng thường có mối quan hệ chằng chịt về sở hữu hay kinh doanh với chính doanh nghiệp này.

Thật ra, khá nhiều doanh nghiệp trên sàn niêm yết hiện nay rất thích phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn định kỳ, và thực tế cũng không ít trường hợp tăng vốn thành công. Trong trường hợp vốn tăng thực, doanh nghiệp nhận được nguồn tiền khổng lồ nhưng chưa có phương án kinh doanh, dẫn đến tiền này "chết dí" một chỗ; doanh nghiệp đem gửi ngân hàng chỉ để hưởng lãi suất, hệ quả là hiệu suất sinh lời thấp và không tối ưu hóa được hiệu quả sử dụng vốn.

Đối với nhóm này, chúng ta có thể lọc ra bằng cách so sánh tốc độ tăng trưởng doanh thu so với tốc độ tăng trưởng vốn trong một khoảng thời gian sau khi doanh nghiệp tăng vốn. Nếu doanh thu tăng trưởng quá thấp so với quy mô vốn, dẫn đến lợi nhuận và các chỉ số sinh lời của doanh nghiệp không còn hấp dẫn, thì điều này có thể kích thích nhà đầu tư bán ra, đẩy giá cổ phiếu giảm.

Một trường hợp khác là "vung tay quá trán", doanh nghiệp do có sẵn nguồn tiền góp vốn thêm dồi dào nên đầu tư vào bất kỳ dự án nào thấy thích, hoặc đi thâu tóm và sáp nhập, mà không đánh giá hiệu quả sinh lời của dự án để rồi trong tương lai đối mặt với thua lỗ, phải "bán tống, bán tháo" những khoản đầu tư đã thực hiện dễ dãi trước đây.

Hãi nhất là các doanh nghiệp phát hành liên tiếp để tăng vốn, mà theo nhà đầu tư đánh giá là in giấy lấy tiền. Giá cổ phiếu nhóm này thường chỉ lèo tèo, thậm chí nếu có sóng tăng giá thì sau khi kéo giá lên trên 10.000 đồng/CP, cũng vội phát hành thêm cho cổ đông, để rồi sau đó nguồn cung cổ phiếu tràn ngập, pha loãng quá mức nên giá cổ phiếu lại đi xuống mức thấp chỉ còn vài nghìn đồng. Trong trường hợp này, giá trị, lợi ích của cổ đông đã không được đảm bảo.

Thậm chí, có trường hợp đưa ra phương án tăng vốn khi giá cổ phiếu thấp hơn nhiều so với mệnh giá, để rồi rốt cuộc không thực hiện được nên phải hoãn lại, khiến những cổ đông lỡ lướt sóng theo phi vụ tăng vốn do kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ được kéo về mệnh giá, phải ngậm đắng nuốt cay và cắt lỗ sau đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Rủi ro gì từ doanh nghiệp tăng vốn khủng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO