Phía sau lực bán ròng của nhà đầu tư ngoại trên sàn chứng khoán

KHÁNH PHƯƠNG| 06/04/2018 09:22

Sau khi bán ròng trong hơn nửa đầu tháng 3, khối ngoại đã quay lại mua ròng trong những ngày gần đây.

Phía sau lực bán ròng của nhà đầu tư ngoại trên sàn chứng khoán

Ảnh: QH

Đặc biệt phiên giao dịch cuối cùng trong quý I/2018 đã chứng kiến khối ngoại mua ròng hơn 400 tỷ đồng, giúp tháng 3 tiếp tục ghi nhận khối ngoại mua ròng gần 52 tỷ đồng. Tuy nhiên đằng sau con số này còn nhiều vấn đề đáng phải lưu tâm.

Tiếp nối những phiên bán ròng vào những ngày cuối tháng 2, nhà đầu tư nước ngoài gần như bán ròng liên tiếp trên thị trường cổ phiếu từ đầu tháng 3 đến tận ngày 20/3, với tổng giá trị bán ròng lên đến gần 1.088 tỷ đồng trên cả 3 sàn, trong đó tập trung tại sàn HoSE là 1.036 tỷ đồng. Đáng lưu ý là phiên bán ròng đỉnh cao 1.101 tỷ đồng vào ngày 16/3 - ngày các quỹ đầu tư ETF tái cơ cấu danh mục.

Việc bán ròng trong giai đoạn này được đánh giá là từ nỗi lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất cơ bản trong kỳ họp diễn ra từ ngày 21/3, theo đó có thể ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư tại các thị trường đang phát triển như Việt Nam.

Giới đầu tư nước ngoài cũng e ngại việc FED tăng lãi suất có thể đẩy đồng USD lên cao và tỷ giá USD/VND có thể tăng theo, khiến rủi ro tỷ giá làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của các khoản đầu tư, do đó đã thúc đẩy bán ròng kể từ cuối tháng 2 cho đến tận ngày 20/3. Dĩ nhiên trong suốt giai đoạn này cũng chứng kiến những phiên khối ngoại mua ròng, nhưng giá trị gần như không đáng kể so với lực bán ròng.

Nếu như không tính phiên mua ròng khối lượng lớn đầy bất ngờ tại mã VGT trong phiên ngày 26/3 thì khối ngoại đã bán ròng hơn 503 tỷ đồng trong tháng 3.

Lực bán ròng tập trung tại những mã cổ phiếu HPG, VCB, VNM. Nếu như động thái áp thuế thép và nhôm của chính quyền Tổng thống Donald Trump làm dấy lên lo ngại lượng thép xuất khẩu vào Mỹ suy giảm và làm mất cân bằng cung cầu trên thị trường tại các nước khác, do lượng thép dư thừa này sẽ đổ vào những thị trường ngoài Mỹ sẽ ảnh hưởng đến những nhà sản xuất thép nội địa như HPG, thì việc bán ròng tại VCB hay VNM có thể đơn thuần là điều chỉnh danh mục và chốt lời khi thị trường nói chung và giá những cổ phiếu này nói riêng đã tăng quá mạnh trong thời gian qua.

Được biết giá cổ phiếu HPG đã tăng từ mức thấp quanh 27.000đ/CP lên mức cao nhất hơn 66.000đ/CP trong năm qua, VNM tăng từ quanh 14.000đ/CP lên gần 21.000đ/CP và VCB tăng quanh 34.000đ/CP lên gần 75.000đ/CP.

Chỉ đến khi từ sau ngày 21/3, chứng kiến việc FED tăng lãi suất thêm 0,25% như lộ trình đã đề ra nhưng đồng USD vẫn sụt giảm trên thị trường thế giới, tỷ giá trong nước vẫn ổn định thì mua ròng của khối ngoại mới quay trở lại. Cụ thể chỉ trong vòng 8 phiên giao dịch từ ngày 1/3 đến 30/3, khối ngoại đã mua ròng trở lại 1.139 tỷ đồng, trong đó mua ròng trên sàn HoSE là 393 tỷ đồng, sàn HNX vẫn bán ròng hơn 46 tỷ đồng và đặc biệt là sàn UPCoM mua ròng lên đến 793 tỷ đồng.

Đáng lưu ý là trong phiên giao dịch ngày 26/3, khối ngoại đã mua ròng trên UPCoM lên đến 569 tỷ đồng, trong đó riêng mua ròng mã cổ phiếu Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT) là 555,5 tỷ đồng. Trong phiên này, VGT đã xuất hiện các lệnh giao dịch thỏa thuận với tổng khối lượng lên đến 50 triệu cổ phiếu (810 tỷ đồng) và đều do khối ngoại mua và nếu tính chung cả bên bán thì khối ngoại đã mua ròng tổng cộng hơn 34,2 triệu cổ phiếu VGT.

Do đó, nếu như không tính phiên mua ròng khối lượng lớn bất ngờ tại mã VGT trong phiên 26/3 thì tính ra khối ngoại đã bán ròng hơn 503 tỷ đồng trong tháng 3. Việc sàn UPCoM gần đây chứng kiến mức mua ròng mạnh mẽ từ nhà đầu tư nước ngoài không loại trừ dòng vốn sau khi chốt lời tại sàn HoSE và HNX đã chuyển sang tìm kiếm cơ hội trên sàn UPCoM, trong bối cảnh sàn HoSE và HNX đã tăng mạnh hơn nhiều trong giai đoạn vừa qua so với sàn UPCoM. 

Trong khi đó, gần đây sàn UPCoM đón nhận hàng loạt cổ phiếu lớn niêm yết và được khuyến nghị mua vào mạnh mẽ như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT), Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (POW), Tổng công ty Dầu Việt Nam (OIL), Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phía sau lực bán ròng của nhà đầu tư ngoại trên sàn chứng khoán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO