Phía sau con số lãi nghìn tỷ của ngân hàng

ANH KHOA| 25/01/2019 08:31

Các ngân hàng đang dần hé lộ con số lợi nhuận trong năm 2018, trong đó nhiều ngân hàng vượt kế hoạch đề ra. Phía sau con số lợi nhuận nghìn tỷ, thậm chí hơn chục nghìn tỷ này là gì?

Phía sau con số lãi nghìn tỷ của ngân hàng

Bứt phá lợi nhuận

Vietcombank tiếp tục chứng tỏ vị thế dẫn đầu khi công bố lãi hơn 18.300 tỷ đồng trong năm 2018, tăng 66% so với năm 2017 và vượt 138% kế hoạch đề ra. Nhiều ngân hàng đã công bố lợi nhuận vượt kế hoạch, đặc biệt ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Diễn biến này đã giúp năm 2018 lần đầu tiên chứng kiến một ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân giành ngôi á quân lợi nhuận. Vị trí này từ trước đến nay vốn vẫn thuộc về 2 “ông lớn” ngân hàng thương mại nhà nước là BIDV và Vietinbank.

Cụ thể với mức lãi vượt mốc 10.000 tỷ đồng, Techcombank không chỉ tăng 42% so với năm 2017, hoàn thành kế hoạch đặt ra mà còn vươn lên vị trí thứ hai, vượt qua con số lợi nhuận của BIDV là 9.600 tỷ đồng.

Riêng đối với Vietinbank trong quý IV đã phải điều chỉnh giảm mạnh hàng loạt chỉ tiêu kinh doanh, đặc biệt lợi nhuận rớt xuống chỉ còn xấp xỉ 6.700 tỷ đồng, thấp hơn một loạt ngân hàng thương mại cổ phần khác. 

Link bài viết

VPBank dù chưa đạt kế hoạch 10.800 tỷ đồng, nhưng lãi thực hiện trong năm 2018 vẫn hơn 9.000 tỷ đồng. MBBank dù không còn giữ được vị trí dẫn đầu trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần như những năm trước, nhưng lợi nhuận vẫn đạt ở mức cao xấp xỉ 7.000 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2017 và vượt kế hoạch.

Một số ngân hàng khác cũng công bố lợi nhuận tăng vọt, như VIB lãi hơn 2.700 tỷ, vượt 137% kế hoạch và có năm thứ 2 liên tiếp tăng gấp đôi. TPBank tiếp tục thể hiện kết quả tái cấu trúc thành công khi hoàn thành kế hoạch lãi 2.200 tỷ, tăng 87% so với năm 2017.

Trong khi đó, một ngân hàng đang trong giai đoạn tái cấu trúc là Sacombank cũng công bố lợi nhuận tăng 48% so với năm 2017, khi đạt 2.200 tỷ, cao hơn kế hoạch đặt ra là 1.800 tỷ đồng.

Chuyển dịch chiến lược thành công

Yếu tố đầu tiên giúp các nhà băng hoàn thành lợi nhuận và có sự bứt phá mạnh dĩ nhiên đến từ việc các chỉ tiêu kinh doanh quan trọng như huy động vốn hay dư nợ tín dụng đều hoàn thành mục tiêu. Đặc biệt với chính sách tiền tệ nới lỏng trong nhiều năm qua đã đẩy dư nợ của toàn ngành nói chung và từng ngân hàng nói riêng tăng trưởng mạnh mẽ.

Thứ hai là sự chuyển dịch trong chiến lược kinh doanh hợp lý, khi hầu hết các ngân hàng tập trung mạnh ở mảng bán lẻ, theo đó tăng cường cho vay cá nhân, cho vay tiêu dùng với biên lợi suất cao hơn nhiều.

Như tại VIB có lãi thuần tăng đến 40%, trong đó riêng doanh thu bán lẻ tăng 90% so với năm 2017, nhờ vào dư nợ khối ngân hàng bán lẻ đạt 74.300 tỷ đồng, tăng 48% trong năm 2018 sau khi đã tăng đến 83% năm 2017.

Hay như VPBank và Techcombank, nhờ dư nợ khách hàng cá nhân, cho vay tiêu dùng với biên độ lãi suất vượt trội đã giúp những ngân hàng này có hiệu suất sinh lời rất lớn.

Một lý do cũng cần phải nhắc đến là với kết quả tăng vốn điều lệ thành công khi đưa cổ phiếu niêm yết chính thức lên sàn trong 2 năm trở lại đây đã giúp các ngân hàng thương mại cổ phần không những giảm được chi phí vốn mà còn đẩy mạnh kinh doanh và phát triển tín dụng bứt phá. 

Kết quả tăng vốn điều lệ thành công khi niêm yết lên sàn trong 2 năm trở lại đây đã giúp các ngân hàng thương mại cổ phần không những giảm được chi phí vốn mà còn đẩy mạnh kinh doanh và phát triển tín dụng. 

Nguồn thu ngoài lãi tiếp tục bứt phá

Động lực kế tiếp là nguồn thu ngoài lãi của các ngân hàng tiếp tục tăng mạnh, trong đó đáng chú ý là nguồn thu dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn sau một thời kỳ đẩy mạnh bán chéo sản phẩm, phát triển các mảng bancasuarrance và tối đa hóa các khoản mục phí dịch vụ. Thu nhập ngoài lãi của VIB năm 2018 tăng đến 92% và hiện chiếm 20% trong tổng doanh thu. Thu dịch vụ của Agribank đạt 5.400 tỷ đồng, tăng 21%.

Hay tại Vietcombank, phương châm hoạt động theo định hướng có 3 trụ cột, ngoài bán lẻ xếp thứ nhất thì kế tiếp là dịch vụ và cuối cùng là kinh doanh vốn và đầu tư. Trong năm 2018 không chỉ chứng kiến Vietcombank tái cấu trúc các khoản mục phí thu dịch vụ để tối đa hóa lợi ích mà còn thoái vốn thành công ở các hạng mục đầu tư, giúp thu được khoản lợi nhuận đột biến và đóng góp vào con số lãi kỷ lục hơn 18.000 tỷ đồng.

Đối với MBBank, 6 công ty thành viên là MB AMC, MBS, MIC, MB Ageas Life, Mcredit, MB Capital không chỉ tự thân tăng trưởng mạnh mà còn gắn kết bán chéo kinh doanh trong tập đoàn. Ngân hàng này đã có hơn 41 triệu giao dịch với tổng giá trị lên đến 360.000 tỷ đồng. Doanh thu riêng của khối ngân hàng số MBBank năm 2018 đạt 231 tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm 2017. 

Bên cạnh đó, việc xử lý nợ cũng đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh với con số lợi nhuận bất thường tăng mạnh, trích lập dự phòng giảm nhờ chất lượng tín dụng được cải thiện cũng như giá trị tài sản đảm bảo định giá lại tăng khi thị trường bất động sản phục hồi. Như Agribank trong năm vừa qua thu hồi nợ sau xử lý là 11.936 tỷ đồng, đạt 104% mục tiêu đề ra.

Và cuối cùng, lãi từ kinh doanh ngoại hối và đầu tư trái phiếu tiếp tục thể hiện sự ổn định, đặc biệt là trong năm 2018, lợi suất trên thị trường trái phiếu rớt xuống mức thấp kỷ lục, đồng nghĩa với giá trái phiếu lên cao đã thúc đẩy nhiều ngân hàng bán ra chốt lời danh mục đã đầu tư trong giai đoạn cao trước đây, hoặc ghi nhận chênh lệch giá đối với danh mục đang nắm giữ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phía sau con số lãi nghìn tỷ của ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO