Nợ xấu rình rập

LINH CHI| 22/06/2015 01:08

Với mục tiêu kiểm soát nợ xấu về 3% vào cuối năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã áp chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC xuống các NHTM và đẩy mạnh xử lý nợ xấu

Nợ xấu rình rập

Với mục tiêu kiểm soát nợ xấu về 3% vào cuối năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã áp chỉ tiêu bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) xuống các NHTM và đẩy mạnh xử lý nợ xấu... Song, nợ xấu mới vẫn phát sinh, trong khi xử lý nợ xấu vẫn khó khăn do khâu phát mãi tài sản khó thực hiện.

Đọc E-paper

Tái tăng vì quy định mới

Báo cáo tài chính quý I/2015 của các NH cho thấy, tỷ lệ nợ xấu xoay chiều, tăng trở lại so với cuối năm 2014.

Cụ thể, nợ xấu tại VietinBank tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm. Số nợ xấu tuyệt đối lại tăng mạnh lên hơn 8.000 tỷ đồng so với mức đầu năm 4.800 tỷ đồng. Dẫn đến, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,9% cuối 2014 lên 1,5% cuối quý I.

Nợ nhóm 5 của Vietinbank đến cuối tháng 3 lại tăng gấp 2,6 lần, từ hơn 2.000 tỷ đồng lên 5.500 tỷ đồng. Trong khi, tín dụng chỉ tăng 1,5% so với mục tiêu cả năm 13%.

Tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đến cuối quý III/2015 cũng chỉ đạt 2,3%. Trong khi đó, nợ xấu tăng ở cả 3 nhóm (nợ dưới chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn).

Đặc biệt, nợ có khả năng mất vốn tăng 34% ở mức 4.770 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối quý I chiếm 2,9% tổng dư nợ so với mức cuối 2014 chỉ ở mức 2,3%.

Sau khi trích lập dự phòng 1.517 tỷ đồng (tăng 26,6% so với cùng kỳ), Vietcombank còn lợi nhuận trước thuế quý I là 1.456 tỷ, giảm gần 3% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận sau thuế 1.135 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 4, nợ xấu của Sacombank tăng lên 1,19% so với mức 1,18% cuối năm 2014.

Từ đầu năm đến nay, Sacombank cũng thu được 200 tỷ đồng vốn gốc thu nợ từ các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC và lên kế hoạch bán tiếp nợ xấu cho VAMC năm nay...

Nợ xấu các NH tăng một phần do Quyết định 780/QĐ-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ đã hết hiệu lực hồi tháng 4, mặt khác do nợ xấu từ các khoản tín dụng mới phát sinh. Đồng thời, việc phải áp dụng các quy định mới của Thông tư 09 cũng khiến nợ xấu tăng.

Số liệu của NHNN TP.HCM cho thấy, tính đến cuối tháng 3, nợ xấu của các NH trên địa bàn tăng lên 5,53% so với 5,31% cuối năm 2014. Nhưng trong đó, nợ xấu nhóm 5 chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng nợ xấu.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP.HCM, cho biết, nợ xấu mới có phát sinh từ các khoản vay chính là lý do khiến cho nợ xấu NH tăng.

Ba tháng đầu năm, trên địa bàn TP.HCM đã xử lý được 6.112 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, thu nợ xấu bằng tiền là 1.570 tỷ đồng; sử dụng Quỹ Dự phòng rủi ro là 1.690 tỷ đồng; bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ là 223 tỷ đồng; bán nợ cho VAMC là 1.007 tỷ đồng và xử lý khác là 1.622 tỷ đồng.

>>VAMC giảm lãi suất nợ xấu mua bằng USD

>>Tăng vốn điều lệ của VAMC lên 2.000 tỷ đồng

Theo kế hoạch trong năm 2015, nợ xấu xử lý và đưa về dưới mức 3% tổng tài sản có được phân loại. Sự phục hồi của các thị trường, nhất là thị trường bất động sản được kỳ vọng tạo điều kiện tốt cho việc xử lý nợ xấu.

Đồng thời, sự phối hợp của các ngành, các cấp trong xử lý tài sản đảm bảo nợ vay cũng được cho là động lực quan trọng để các NHTM xử lý nợ xấu có hiệu quả hơn hiện nay.

Thách thức mục tiêu 3%

Theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, muốn xử lý được nợ xấu, trước hết phải "gỡ" khó cho khâu phát mãi tài sản đảm bảo.

"Đây mới là mấu chốt cho việc đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu. Vì thực tế hiện nay cho thấy, việc đốc thúc các NHTM đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC cũng chỉ mới gom được nợ xấu về một mối, nhưng vẫn khó tìm đầu ra cho nợ xấu", TS. Lịch cho biết.

So với mục tiêu kiểm soát nợ xấu của ngành NH về 3% cuối năm nay, tỷ lệ nợ xấu của các NHTM trên địa bàn thành phố vẫn còn quá cao.

Vì thế, TS. Lịch cho rằng, để kiểm soát nợ xấu về đúng mục tiêu phải có cơ sở, còn kỳ vọng vào thị trường bất động sản ấm lên để có thể xử lý nhanh hơn nợ xấu là rất mong manh. Vì hiện bất động sản chỉ mới bán được các sản phẩm căn hộ nhà giá thấp.

Trong khi, với các phân khúc bất động sản khác vẫn đóng băng và khó kỳ vọng sớm khôi phục.

PGS - TS. Trần Hoàng Ngân, Hiệu trưởng Đại học Tài chính - Marketing, cho rằng, mục tiêu kiểm soát nợ xấu về 3% cuối năm nay cũng là một thách thức. Vì vậy, cùng tăng trưởng tín dụng, các NH cần kiểm soát rủi ro nợ xấu, nhất là đối với các khoản nợ xấu mới phát sinh.

Thế nhưng, trong nội dung trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về xử lý nợ xấu, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành 2 tháng đầu năm là 3,59%, có chiều hướng tăng nhẹ, nhưng diễn biến này mang tính quy luật khi nợ xấu thường tăng vào các tháng đầu năm và giảm vào tháng cuối năm do tích cực xử lý.

Đồng thời, theo Thống đốc, con số này vẫn trong tầm kiểm soát và không nằm ngoài dự tính của NHNN.

Đến 30/6, phải xử lý được tối thiểu 60% tổng số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015, trong đó chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC đạt ít nhất 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015.

>>VAMC: Nhiều lúc có như không

>>Bán nợ cho VAMC, khách hàng được lợi gì?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nợ xấu rình rập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO